13:02 17/11/2021

Trung Quốc cho phép "trộn" vaccine Covid-19 khi tiêm mũi tăng cường

Ngọc Trang

Quan chức y tế Trung Quốc cho biết chiến lược tiêm "trộn" vaccine khi tiêm mũi tăng cường có thể giúp nước này giảm các ca bệnh nặng và tử vong do Covid-19, để có thời gian điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch...

Người dân tại Bắc Kinh xếp hàng chờ tiêm mũi tăng cường - Ảnh: Reuters
Người dân tại Bắc Kinh xếp hàng chờ tiêm mũi tăng cường - Ảnh: Reuters

Chia sẻ trên đài truyền hình quốc gia CCTV mới đây, ông Zheng Zhongwei, quan chức thuộc Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết nước này sẽ cho phép tiêm “trộn” vaccine Covid-19 khi triển khai tiêm mũi tăng cường cho người dân. Điều này có nghĩa là mũi tiêm thứ ba có thể sử dụng một vaccine khác với hai mũi tiêm ban đầu.

Ông này cũng cho biết “một công thức kết hợp tối ưu” sẽ sớm được cơ quan chức năng công bố.

“Chiến lược mới này sẽ giúp giảm các ca bệnh nặng và tử vong do Covid-19, và giúp đất nước có thời gian để điều chỉnh các biện pháp kiểm soát phòng dịch nghiêm ngặt”, ông Zheng cho biết.

Từ trước đến nay, Trung Quốc cấm việc kết hợp các loại vaccine khác nhau trong liệu trình tiêm vaccine, dù nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy việc này mang lại hiệu quả cao và một số nước cũng đã khuyến nghị pháp đồ tiêm chủng như vậy.

38 TRIỆU NGƯỜI ĐÃ TIÊM MŨI TĂNG CƯỜNG

“Dù tiêm mũi tăng cường với cùng loại vaccine đã tiêm trước đó hoặc một loại vaccine sử dụng công nghệ khác, mức độ kháng thể trung hòa trong cả hai trường hợp đều tăng lên đáng kể”, ông Zheng, người đứng đầu đội ngũ chuyên trách về phát triển vaccine Covid-19 của Chính phủ Trung Quốc, chia sẻ trên kênh CCTV.

Kháng thể trung hòa là một chỉ số về sự bảo vệ miễn dịch tức thì chống lại virus.

Hiện có 4 loại vaccine được cấp phép tại Trung Quốc, đều là vaccine do các công ty của nước này phát triển - Ảnh: Getty Images
Hiện có 4 loại vaccine được cấp phép tại Trung Quốc, đều là vaccine do các công ty của nước này phát triển - Ảnh: Getty Images

“Chúng tôi cũng đã thực hiện một loạt các nghiên cứu về các hướng kỹ thuật khác nhau và có vẻ sự an toàn vẫn được đảm bảo”, ông Zheng nói thêm. “Chúng tôi tin rằng sẽ đạt được kết quả ngăn chặn các ca bệnh nặng và tử vong bằng cách tăng cường miễn dịch bằng các loại vaccine có cùng công nghệ hoặc khác nền tảng công nghệ, bất chấp biến thể Covid-19 nào. Vì vậy, chúng tôi sẽ đưa ra một công thức kết hợp tối ưu để tiêm mũi tăng cường và sẽ sớm thấy kết quả”.

Tính đến ngày 15/11, Trung Quốc đã tiêm 2,38 tỷ liều vaccine Covid-19 và hơn 75% dân số nước này đã được tiêm vaccine đầy đủ.

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng hiệu quả miễn dịch từ vaccine giảm dần theo thời gian và cần tiêm mũi tăng cường cho người già và người bị suy giảm hệ miễn dịch. Do đó, Trung Quốc đang hướng tới thúc đẩy hơn nữa chiến dịch tiêm vaccine để đạt miễn dịch cộng đồng – một trong những điều kiện để nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch khi mà nước này vẫn đang theo đuổi chiến lược “Không Covid” (Zero Covid).

Tính tới đầu tháng 11, khoảng 38 triệu người tại Trung Quốc đã tiêm mũi vaccine tăng cường. Tất cả đều được tiêm loại vaccine có cùng công nghệ trong số 4 loại vaccine đã được cấp phép tại nước này – gồm 3 vaccine công nghệ bất hoạt của Sinpharm và Sinovac, và 1 vaccine công nghệ véc-tơ virus của công ty CanSino Biologics.

CanSino có thể sẽ được hưởng lợi từ sự điều chỉnh trong chiến lược tiêm chủng của Bắc Kinh bởi đây là loại vaccine duy nhất sử dụng công nghệ véc-tơ virus được cấp phép tại Trung Quốc và chỉ cần tiêm một mũi.

Trong một thông cáo vào tuần trước, CanSino cho biết các cuộc thử nghiệm cho thấy tiêm mũi tăng cường bằng vaccine của hãng có thể tạo ra lượng kháng thể trung hòa cao hơn so với các loại vaccine bất hoạt.

TRUNG QUỐC SẼ CẤP PHÉP VACCINE CÔNG NGHỆ M-RNA?

Những phát biểu của ông Zheng cũng làm dấy lên hy vọng rằng nhà chức trách Trung Quốc có thể phê duyệt loại vaccine dùng công nghệ mRNA do công ty BioNTech của Đức hợp tác phát triển cùng công ty Fosun Pharma của Trung Quốc.

Có trụ sở tại Thượng Hải, Forsun Pharma đã được cấp phép để phân phối và sản xuất loại vaccine này tại Trung Quốc. Đây là loại vaccine đang được phân phối và tiếp thị trên toàn cầu bởi hãng dược Pfizer của Mỹ. Hồi tháng 7, Fosun cho biết các cuộc thử nghiệm theo yêu cầu và đánh giá kỹ thuật với loại vaccine này tại Trung Quốc đã hoàn tất và đang chờ xem xét về mặt hành chính.

Trên thế giới, một số quốc gia như Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Brazil và Indonesia, ban đầu cũng tiêm vaccine bất hoạt nhưng sau đó tiêm mũi tăng cường bằng vaccine dùng công nghệ mRNA hoặc véc-tơ virus.

Ông Zheng Zhongwei - Ảnh: CCTV
Ông Zheng Zhongwei - Ảnh: CCTV

Trong khi đó, Trung Quốc cũng đang phát triển một loại vaccine công nghệ mRNA trong nước và đang trải qua thử nghiệm giai đoạn cuối quy mô lớn trên toàn cầu. Vaccine này cũng đang được thử nghiệm để nghiên cứu sự an toàn và hiệu quả khi được dùng để tiêm mũi tăng cường cho những người đã tiêm đủ liều vaccine bất hoạt. Loại vaccine này do Học viện Khoa học Quân y cùng 2 công ty Yunnan Walvax Biotechnology và Suzhou Abogen Biosciences đồng phát triển.

Trong cuộc phỏng vấn với CCTV, ông Zheng cho biết, dù tỷ lệ tiêm chủng tại Trung Quốc đã ở mức cao, tuy nhiên, chiến dịch tiêm chủng đang gặp cản trở do tỷ lệ tiêm thấp ở nhóm người già – nhóm có nguy cơ mắc Covid-19 nặng và tử vong cao hơn nhiều so với những nhóm khác.

“Với việc đẩy nhanh tiêm vaccine ở nhóm người già và tiêm mũi tăng cường, chúng ta có thể giảm tỷ lệ bệnh nghiêm trọng và tử vong liên quan tới Covid-19”, ông Zheng nói. “Chỉ có như vậy chúng ta mới có thể chủ động và có thời gian để điều chỉnh chiến lược quốc gia về phòng, chống và kiểm soát đại dịch”.