Nhận diện giá trị văn hóa Quảng Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững
Giá trị văn hóa, con người Quảng Nam là nguồn lực nội sinh, sức mạnh mềm thúc đẩy sự phát triển bền vững của địa phương thời gian qua...
Sáng ngày 8/10, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam phối hợp với Học viện Chính trị khu vực III tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: "Nhận diện và phát huy giá trị văn hóa, con người Quảng Nam trong giai đoạn mới".
Tham dự hội thảo có hơn 150 nhà nghiên cứu, đại diện các ban ngành trung ương, địa phương với 53 bản tham luận và nhiều ý kiến phát biểu của các cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý, các nhà khoa học.
Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, cho biết hội thảo này là một trong những sự kiện quan trọng trong Kế hoạch xây dựng Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2025 - 2030.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam nhấn mạnh mục đích hội thảo nhằm làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn nhận diện, khơi dậy và phát huy các giá trị văn hóa, con người, tạo nguồn lực cho Quảng Nam phát triển nhanh, bền vững trong tình hình mới.
Theo PGS-TS. Đoàn Triệu Long, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III, giá trị văn hóa, con người Quảng Nam là nguồn lực nội sinh, sức mạnh mềm thúc đẩy sự phát triển bền vững của địa phương thời gian qua.
Hơn 50 tham luận tại hội thảo đã thể hiện tính khoa học chuyên sâu và tính thực tiễn sinh động, bao quát được 2 nội dung lớn của hội thảo đó là nhận diện và phát huy giá trị văn hóa, con người Quảng Nam.
Quảng Nam là vùng đất có bề dày về truyền thống văn hóa. Do những đặc thù về vị trí địa lý, lịch sử và sự giao thoa, bồi đắp… văn hóa Quảng Nam được hình thành với nhiều giá trị đặc trưng, độc đáo; con người Quảng Nam với ý chí khát vọng vươn lên, dấn thân, sáng tạo, anh dũng...
Hiện nay, Quảng Nam có hệ thống di sản văn hóa vật thể tiêu biểu hiện hữu với hơn 458 di tích được xếp hạng; trong đó, có 04 di tích quốc gia đặc biệt (trong đó, Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn vừa là di tích quốc gia đặc biệt vừa là Di sản Văn hóa thế giới), 67 di tích cấp quốc gia, 387 di tích cấp tỉnh cùng với Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An.
Bên cạnh đó, địa phương này cũng sở hữu hệ thống di sản phi vật thể phong phú, đa dạng, trong đó tiêu biểu là Nghệ thuật Bài Chòi đã được UNESCO vinh danh là Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại. Các giá trị văn hóa tiêu biểu này đã và đang phát huy tích cực cho phát triển của địa phương.