Nhận định chứng khoán ngày 20/4: "Áp lực bán ngắn có thể tạm thời dịu bớt"
VnEconomy giới thiệu nhận định và khuyến nghị đầu tư của một số công ty chứng khoán về diễn biến thị trường ngày 20/4/2018
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 19/4, VN-Index giảm 43,90 điểm xuống 1.094,63 điểm. Tương tự, HNX-Index giảm 1,72 điểm xuống 132,78 điểm.
Chỉ số VN-Index sẽ có sự hồi phục
(Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt - BVSC)
"Phiên giảm điểm mạnh hôm nay phản ánh tâm lý lo ngại có phần thái quá của nhà đầu tư. Nhiều khả năng chỉ số VN-Index sẽ có sự hồi phục trở lại trong một vài phiên tới. Tuy nhiên, chúng tôi đánh giá nhịp hồi phục này có thể chưa thật sự bền vững".
Còn chịu chao đảo nhẹ
(Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BSC)
"Tiếp nối phiên giảm điểm ngày hôm qua, hôm nay thị trường chứng khoán tiếp tục chứng kiến những diễn biến xấu mà nguyên nhân chính đến từ tâm lý bi quan thị trường của nhà đầu tư. Áp lực bán của khối ngoại tiếp tục tăng, đặc biệt là cổ phiếu VIC, kéo thị trường giảm điểm mạnh.
Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn cũng chịu áp lực bán bất thường, nhất là trong phiên ATC, khiến các mã có ảnh hưởng lớn đến thị trường như MSN, PLX, KDC bất ngờ giảm sàn. Cổ phiếu chứng khoán và ngân hàng cũng chịu chung số phận, tiếp tục đà giảm mạnh. Thanh khoản hôm nay gia tăng đáng kể sau nhiều phiên cầm chừng.
BSC nhận định thị trường có thể sẽ còn tiếp tục chịu chao đảo nhẹ khi mà tâm lý thị trường vẫn còn bi quan".
Quán tính giảm có thể tiếp tục
(Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội - SHS)
"Dự báo, trong phiên giao dịch cuối tuần, quán tính giảm của VN-Index có thể tiếp tục với các ngưỡng hỗ trợ gần nhất lần lượt tại 1.090 điểm (đáy phiên 6/3) và 1.065 điểm (MA100).
Nhà đầu tư ngắn hạn nếu đang còn nắm giữ cổ phiếu hạn chế bán ra trong những nhịp giảm mà nên đợi những phiên hồi phục dự kiến sẽ diễn ra vào tuần sau để có giá tốt hơn. Nhà đầu tư trung và dài hạn vẫn có thể tiếp tục nắm giữ những cổ phiếu đang có vị thế tốt và có triển vọng tăng trưởng tích cực trong thời gian tới".
Có thể giao dịch "lướt sóng" ngắn hạn
(Công ty Chứng khoán Vietcombank - VCBS)
"Áp lực điều chỉnh ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn gia tăng khá mạnh trong phiên hôm nay và ảnh hưởng tiêu cực đến chỉ số cũng như tâm lý giao dịch chung trên thị trường.
Với việc dòng tiền vẫn đang rút một phần ra khỏi nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn, nhà đầu tư dài hạn có thể giải ngân chọn lọc vào một số cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng tốt trong những phiên giảm mạnh của thị trường, trong khi đó nhà đầu tư ngắn hạn có thể bám theo sự vận động của dòng tiền và bán hạ tỷ trọng các cổ phiếu thuộc nhóm vốn hóa lớn trong danh mục cũng như có thể giao dịch "lướt sóng" ngắn hạn ở những cổ phiếu vốn hóa nhỏ nhận được sự chú ý của dòng tiền".
Sự phục hồi có khả năng xuất hiện
(Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt – VDSC)
"Hai chỉ số tiếp tục giảm rất mạnh, cùng thanh khoản có chiều hướng gia tăng, cho thấy nhịp điều chỉnh này vẫn đang phát triển và có xu hướng mạnh dần lên. Nếu tiếp tục giảm nữa thì hai chỉ số sẽ chạm các ngưỡng hỗ trợ mạnh và sự phục hồi có khả năng xuất hiện. Đó sẽ là cơ hội để nhà đầu tư giải ngân một phần ở giá thấp hoặc lướt sóng với cổ phiếu có sẵn".
Áp lực bán ngắn có thể tạm thời dịu bớt
(Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt – VCSC)
"Với việc đóng cửa phía dưới đường MA50 ngày, tín hiệu kỹ thuật trung hạn của VN-Index, VN30 đã chuyển từ mức tích cực xuống trung tính với hỗ trợ gần nhất là đường MA100 ngày đang nằm tại 1065 và 1050 điểm. Chỉ số HNX-Index hiện vẫn trụ lại phía trên đường MA50 đã giữ lại tín hiệu tích cực cho xu hướng trung hạn.
Dự báo, các ngưỡng hỗ trợ trung hạn này của các chỉ số hai sàn có thể sẽ được kiểm định trong phiên giao dịch ngày mai, thậm chí vào đầu tuần tới. Chúng tôi cho rằng áp lực bán ngắn hạn có thể sẽ tạm thời dịu bớt ở quanh khu vực này, tạo điều kiện cần để kết thúc sóng giảm (A) của thị trường, bước sang sóng phục hồi ngắn hạn (B)".
Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được VnEconomy trích dẫn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán có thể có những xung đột lợi ích đối với các nhà đầu tư khi đưa ra nhận định.