19:08 13/04/2010

Nhận lao động khuyết tật: Không thể chờ “lòng hảo tâm”

Nguyên Bình

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về một số vấn đề lớn của dự Luật Người khuyết tật

Người khuyết tật sẽ được quan tâm toàn diện hơn.
Người khuyết tật sẽ được quan tâm toàn diện hơn.
Đã được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ sáu và qua nhiều lần chỉnh sửa, song dự thảo Luật Người khuyết tật lần thứ tám vẫn đưa ra không chỉ một phương án về chính sách nhận người khuyết tật vào làm việc.

Chiều 13/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về một số vấn đề lớn của dự luật này. Và, khuyến khích hay bắt buộc nhận người khuyết tật vào làm việc vẫn là nội dung chưa thể thống nhất.

Theo phương án 1 tại dự thảo luật, Nhà nước khuyến khích cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp nhận người khuyết tật vào làm việc. Doanh nghiệp sử dụng lao động là người khuyết tật làm việc thì được ưu đãi về vốn vay theo dự án phát triển sản xuất kinh doanh; hỗ trợ kinh phí cải tạo điều kiện làm việc và kinh phí dạy nghề tại doanh nghiệp theo số người khuyết tật tuyển dụng vào làm việc.

Phương án 2a quy định cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có trách nhiệm tuyển dụng ít nhất 1% người khuyết tật vào làm việc. Trong trường hợp không tuyển đủ tỷ lệ người khuyết tật vào làm việc theo quy định này thì phải nộp một khoản tiền lương tương ứng với số người khuyết tật tuyển còn thiếu vào Quỹ giải quyết việc làm cho người khuyết tật.

Với phương án 2b thì cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp có sử dụng ngân sách có trách nhiệm tuyển dụng ít nhất 1% người khuyết tật vào làm việc. Doanh nghiệp khác được khuyến khích tuyển dụng người khuyết tật vào làm việc.

Tổng hợp ý kiến từ 34 đoàn đại biểu Quốc hội cũng cho thấy hiện đang có hai loại ý kiến khác nhau về vấn đề này.

Loại ý kiến thứ nhất đồng ý với quy định chính sách khuyến khích doanh nghiệp nhận người khuyết tật vào làm việc, vì kết quả của quy định hiện hành bắt buộc doanh nghiệp nhận tỷ lệ 2-3% người khuyết tật vào làm việc rất hạn chế. Trên thực tế  đa số các doanh nghiệp không tuyển đủ tỷ lệ này.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng quy định khuyến khích như dự thảo luật là một “bước lùi” so với Pháp lệnh về người tàn tật và pháp luật lao động hiện hành. Nếu chỉ trông chờ vào “lòng hảo tâm” của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thì cơ hội có được việc làm của người khuyết tật sẽ rất khó khăn. Do đó, nên quy định trách nhiệm tuyển dụng (bắt buộc) một tỷ lệ nhất định người khuyết tật vào làm việc.

Đặt câu hỏi về cơ sở khoa học để xác định tỷ lệ người khuyết tật bắt buộc cơ quan, doanh nghiệp phải nhận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận nghiêng về phương án 1. Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế vượng cũng đồng tình, vì “có những cơ quan không thể tiếp nhận người lao động khuyết tật được”.

Tuy nhiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Đặng Như Lợi cho rằng “khuyến khích” chính là rào cản, còn “bắt buộc” mới mở ra cơ hội việc làm cho người khuyết tật. “Tại sao các nước phát triển có thể quy định cứng, nhận không phải 1% hay 2% mà đến 6% lao động là người khuyết tật, còn ta lại không làm được?”, ông Lợi đặt câu hỏi.

Chủ nhiệm Nguyễn Văn Thuận đứng dậy: không thể cứ nói các nước 5 -6% thì nước ta cũng phải làm theo. Muốn quyết một chính sách thì phải cung cấp đầy đủ số liệu về nguồn nhân lực chứ không thể “đếm cua trong lỗ" được.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Lương Phan Cừ phát biểu: trên thực tế không phải cứ đủ tiêu chuẩn là người khuyết tật được nhận vào làm việc, nên nếu không quy định cứng thì việc làm cho họ sẽ không giải quyết được bao nhiêu.

Sau khi nghe các ý kiến trái chiều, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan phát biểu, không nên dùng từ “khuyến khích” vì khuyến khích tức là có thể làm, cũng có thể không làm.

Điều hành phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, chính sách nhận người khuyết tật vào làm việc là vấn đề lớn; dự luật cần làm rõ khuyến khích là thế nào, cơ chế ưu đãi  khi cơ quan doanh nghiệp nhận lao động khuyết tật sẽ do ai quy định và mức độ đến đâu…

“Để Quốc hội rộng đường thảo luận thì cứ trình cả 2 phương án, nhưng báo cáo giải trình thì phải nói rõ ủng hộ phương án nào”, Phó chủ tịch nói.