Nhân lực bất động sản phải được đào tạo bài bản chuyên nghiệp
Theo nhiều dự báo, trong giai đoạn tới ngành bất động sản sẽ phải đối diện với nhiều khó khăn thách thức. Khi giai đoạn phát triển nóng qua đi, yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao, được đào tạo bài bản chuyên nghiệp sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng giúp ngành này phát triển bền vững...
Dự báo về thị trường nhân lực bất động sản thời gian tới, ông Lê Nhật Thanh, chuyên gia Quản lý vận hành bất động sản, khẳng định kinh doanh bất động sản sẽ ngày càng khó khăn với tất cả các bên.
ĐÀO TẠO BÀI BẢN MỚI CÓ THỂ SINH TỒN
Theo phân tích của ông Thanh, Chính phủ đã và đang ban hành nhiều chính sách để thị trường minh bạch hơn, siết chặt hàng lang pháp lý trong kinh doanh, triển khai các dự án, điều hành quản lý bất động sản để nhằm bảo vệ quyền lợi của tất cả các bên bao gồm: chủ đầu tư, nhà phát triển bất động sản, khách hàng (người mua người bán) đều liên quan tới Luật.
Khi Luật càng siết thì các bên sẽ phải tuân thủ và để có thể sinh tồn được, thì đội ngũ nhân sự bất động sản phải được đào tạo rất bài bản. Ngoài những tiêu chí rất cơ bản, để đi tới thành công, thì cần nhiều kỹ năng kiến thức hơn thế.
Anh bán Shophouse, Penhouse, Condotel, biệt thự, chung cư... anh phải nắm được thông tin pháp lý, đặc điểm công năng, vận hành của sản phẩm để tư vấn cho khách hàng. Chứ không phải chỉ là câu chuyện chốt “sales”.
Tiếp đó là kỹ năng liên quan đến xây dựng chính sách bán hàng, định giá sản phẩm thì người bán hàng phải nắm và phải quản trị được đội ngũ nhân sự của mình. Anh cũng phải nắm được đội ngũ kinh doanh, kênh bán hàng, chính sách chăm sóc khách hàng thế nào đó đảm bảo đủ các tiêu chí để có thể bền vững được với nghề”.
“Và doanh nghiệp bất động sản hiện nay rất cần những nguồn nhân lực giống như vậy” ông Thanh kết luận.
Đưa ra một góc nhìn rộng hơn, bà Nguyễn Thị Kim Khánh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VNREEA, cho hay nghề kinh doanh bất động sản thật ra không chỉ có bán hàng, môi giới. Bất động sản là một ngành kinh tế tổng hợp đa dịch vụ từ Quy hoạch, Quản lý vận hành, Quản lý đầu tư, Xúc tiến đầu tư, Tư vấn và Nghiên cứu thị trường... Đây là những nghề phải được học hành đào tạo bài bản kiến thức chứ không chỉ đơn thuần là kỹ năng thông thường.
Hiện nay, bất động sản vẫn là ngành mới, đặc biệt trong bối cảnh thị trường phát triển quá nóng như thời gian qua khiến các trường đại học chưa theo kịp để xây dựng, cung cấp kịp thời các chương trình đào tạo đáp ứng yêu cầu của thực tiễn thị trường và doanh nghiệp.
Nhưng để một ngành kinh tế quan trọng như bất động sản phát triển bền vững thì không có con đường nào khác là phải đầu tư để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Như vậy mới giải quyết được bài toán phát triển nóng, có xu hướng "chộp giật", "vàng thau lẫn lộn", như thời gian qua.
Chưa kể, việc tự đào tạo và đào tạo lại của doanh nghiệp thời gian qua vẫn là giải pháp mang tính ngắn hạn, ứng phó để bổ sung nhân sự kịp thời cho giai đoạn mới, nóng liên tục có các dự án mới ra cần tiếp cận thị trường. Những khóa đào tạo ngắn hạn này chủ yếu mang tính trang bị kỹ năng chứ không thể trang bị nền tảng kiến thức chuyên môn, pháp lý và tư duy hệ thống bài bản như các chương trình đào tạo Đại học.
Bởi vậy, về tầm nhìn chiến lược dài hạn ngành Bất động sản rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp.
“Được biết, nhiều tập đoàn, công ty bất động sản đã chi khoản ngân sách khổng lồ cho các chương trình/khóa đào tạo nội bộ, có thể lên tới hàng chục tỉ để thuê các chuyên gia nước ngoài về đào tạo với chi phí rất lớn. Nhưng rất tiếc, không doanh nghiệp nào chịu đầu tư kết hợp với các trường Đại học để nghiên cứu, xây dựng chương trình đào tạo, xác định vị trí việc làm trong ngành bất động sản một cách bài bản và dài hơi”, bà Khánh nêu thực trạng.
"Nghề kinh doanh bất động sản thật ra không chỉ có bán hàng, môi giới. Bất Động sản là một ngành kinh tế tổng hợp đa dịch vụ từ quy hoạch, quản lý vận hành, quản lý đầu tư, xúc tiến đầu tư, tư vấn và nghiên cứu thị trường... Đây là những nghề phải được học hành đào tạo bài bản kiến thức chứ không chỉ đơn thuần là kỹ năng thông thường".
Hiện nay, chúng ta đang thuê nhân sự, công ty nước ngoài để vận hành tòa nhà, khu đô thị khách sạn với chi phí lên tới hàng chục tỷ một năm. Mức lương Quản lý vận hành một khách sạn của nhân sự nước ngoài hoặc được đào tạo, có kinh nghiệm làm việc ở nước ngoài gấp cả chục lần nhân sự người Việt, được đào tạo trong nước.
“Tôi tự hỏi, chúng ta đang sống và làm việc tại Việt Nam trong môi trường pháp luật Việt Nam, bán hàng cho người Việt, nhưng đang đào tạo nhân sự theo tiêu chuẩn, kinh nghiệm nước ngoài, do người nước ngoài đào tạo, chi phí bằng ngoại tệ, đi thực tế sản phẩm thị trường cũng từ nước ngoài... tại sao điều phi lý như vậy vẫn đang tồn tại lâu nay?”.
PHẢI KẾT NỐI THỰC CHẤT GIỮA NHÀ TRƯỜNG VÀ DOANH NGHIỆP
Cùng quan điểm với bà Khánh, TS. Nguyễn Thị Ngọc Thi, Phó Trưởng Khoa Quản lý đất đai - Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh, cho rằng hiện nay việc đào tạo nguồn nhân lực bất động sản mới chủ yếu dừng ở đào tạo ngành môi giới, trong khi ngành này còn rất nhiều vị trí việc làm khác quan trọng và cần thiết như quản lý đô thị, vận hành tòa nhà, tài chính, tư vấn đầu tư phát triển, phân tích Dự án bất động sản...
Nếu có sự kết nối từ 2 phía nhà trường và doanh nghiệp thì đây là cơ hội để đào tạo có chiều sâu nguồn nhân lực bất động sản. “Nếu có thể, chúng tôi mong muốn mời các doanh nghiệp thành công, có kinh nghiệm đến trường để chia sẻ kinh nghiệm kiến thức cho các em sinh viên năm cuối. Xa hơn nữa là phối hợp cùng các trường Đại học nghiên cứu xây dựng chương trình đào tạo thiết thực đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, đóng góp vào sự phát triển bền vững của ngành Bất động sản trong nước”, bà Thi bày tỏ.
Cũng cho rằng thị trường nhân lực bất động sản đang là bài toán khó với các cơ sở đào tạo, TS. Nguyễn Lưu Bảo Đoan, Phó Chủ tịch VNREEEA, Giám đốc Chương trình đào tạo Bất động sản của Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, lý giải những biến số khác như thay đổi về chính sách luật pháp, cách vận hành mô hình khai thác bất động sản thời kỳ mới là một trong những nguyên nhân.
“Vì lẽ đó, cũng như doanh nghiệp đang đi từ giai đoạn này tới giai đoạn khác, những người đào tạo như chúng tôi cũng đang trong giai đoạn mày mò, tìm hiểu. Nhưng chúng tôi tin rằng chương trình đào tạo nhân lực bất động sản phải có sự gắn kết với doanh nghiệp thì mới thành công”, TS. Đoan nói.
TS. Bảo Đoan kỳ vọng “Mối quan hệ này tương hỗ 2 bên cùng có lợi làm sao để thị trường lao động bất động sản nâng cao chất lượng. 100 sinh viên khoa Bất động sản tốt nghiệp mỗi khóa của Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh nếu được học hành bài bản đàng hoàng, có đam mê thì 3-5 năm nữa các em sẽ có những đóng góp tác động tích cực chung tới toàn ngành bất động sản, tới từng doanh nghiệp”.
Với vai trò là Phó Chủ tịch Liên chi hội Đào tạo bất động sản Việt Nam, ông Đoan cũng cho rằng: “Doanh nghiệp cũng cần chia sẻ tầm nhìn quan điểm, cùng liên chi hội đào tạo Bất động sản Việt Nam và nhà trường tìm được những sinh viên chọn ngành bất động sản vì họ muốn làm nghề chứ không phải không có lựa chọn tốt hơn”.
“Làm sao để thông tin về ngành nghề, chuẩn nghề, mô hình chương trình đào tạo tới được thị trường và xã hội. Cần sự đồng hành để xây dựng chương trình đào tạo sát nhu cầu, để khâu cuối của chương trình có sự cộng hưởng từ doanh nghiệp đưa sinh viên tới sát nhu cầu của thị trường.
Thừa nhận khả năng đáp ứng nguồn nhân lực so với tầm quan trọng, nhu cầu của ngành bất động hiện nay rất không tương xứng, đại diện Savills bày tỏ mong muốn có sự kết hợp với các trường đại học trong việc cho sinh viên một định hướng, góc nhìn toàn diện về nghề nghiệp từ trong nhà trường. “Tôi hy vọng người sử dụng lao động và cơ sở đào tạo sẽ có thể ngồi lại xây dựng bộ khung chung về chương trình đào tạo nguồn nhân lực bất động sản chất lượng”.
Phát biểu tại Đại hội Toàn thể Liên chi Hội đào tạo bất động sản Việt Nam lần thứ I, đại diện cho hơn 100 trường Đại học đang đào tạo chuyên ngành Bất động sản, Chủ tịch VNREEA Lê Khắc Hiệp cho biết năm nay, Liên chi hội sẽ mở rộng liên kết với các tập đoàn, công ty kinh doanh bất động sản - là nơi sử dụng kết quả đào tạo của các thành viên Liên chi hội.
"Mục tiêu chung của cả cơ sở đào tạo và người sử dụng lao động là phát triển bền vững nguồn nhân lực cho ngành. Phải tạo điều kiện, khuyến khích nhà trường và doanh nghiệp cùng ngồi lại bàn bạc để tìm giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đó là con đường duy nhất để chuyên môn, chuyên nghiệp hóa ngành nghề một cách bền vững".
Khẳng định sự liên kết này rất quan trọng để nội dung đào tạo ngày càng sát với thực tế thị trường và nhu cầu của doanh nghiệp, TS. Lê Khắc Hiệp đề xuất các doanh nghiệp có thể đặt hàng để các trường Đại học đào tạo nhân lực đáp ứng theo yêu cầu theo tiêu chuẩn cụ thể của từng doanh nghiệp theo “Cách thức tổ chức sẽ theo nguyên tắc 3 chung 2 cùng: cùng chung chí chung sức chung nguồn lực cùng phát triển nguồn nhân lực”.
“Nếu chúng ta cung cấp cho thị trường bất động sản lực lượng nhân sự đã được đào tạo phù hợp, tôi tin rằng doanh nghiệp họ cũng rất hoan nghênh” TS. Hiệp nói.