10:12 26/08/2009

Nhân lực công nghệ thông tin: Bao giờ hết thiếu và yếu?

Mạnh Chung

Nguồn nhân lực công nghệ thông tin đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và hợp tác quốc tế của Việt Nam vẫn thiếu và yếu!

Điểm yếu nhất của nhân lực công nghệ thông tin Việt Nam hiện nay là ngoại ngữ và kỹ năng giao tiếp.
Điểm yếu nhất của nhân lực công nghệ thông tin Việt Nam hiện nay là ngoại ngữ và kỹ năng giao tiếp.
Thiếu và yếu. Đó là nhận định được nhiều đại diện, chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin đưa ra tại Hội thảo về nhu cầu và kế hoạch tổng thể phát triển nhân lực công nghệ thông tin Việt Nam.

Hội thảo do Hiệp hội Phần mềm Việt Nam (Vinasa) tổ chức, ngày 25/8, tại Hà Nội.

Khoảng cách còn xa

Theo số liệu thống kê của Vinasa, hiện tổng nhân lực làm công nghệ thông tin của Việt Nam khoảng 250.000 người (trong đó có khoảng 50.000 người trong lĩnh vực phần mềm và nội dung số).

Tuy nhiên, với nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và hợp tác đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam, ông Nguyễn Đình Thắng, Phó chủ tịch Vinasa cho rằng, số lượng trên vẫn còn quá ít, đặc biệt là nhân lực công nghệ cao.

Ngay cả nguồn nhân lực hiện có, chất lượng đào tạo, chuyên môn về công nghệ thông tin còn kém về phần mềm và ngoại ngữ. Đặc biệt là đào tạo trong các trường cao đẳng chưa theo chuẩn quốc tế. Thực tế hiện nay, chỉ có khoảng 10-15% sinh viên công nghệ thông tin ra trường đọc được tiếng Anh còn lại phải đạo tạo lại hoặc làm việc khác.
    
Doanh thu năm 2008 của ngành công nghệ thông tin, theo Bộ Thông tin và Truyền thông đạt hơn 4 tỷ USD, với  tốc độ tăng trưởng khoảng 20% so với năm 2007, trong đó riêng lĩnh vực phần mềm đạt khoảng hơn 660 triệu USD, nội dung số khoảng 270 triệu USD, công nghiệp phần cứng hơn 700 triệu USD, điện tử viễn thông khoảng 3 tỷ USD.

Nhưng theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần phần mềm Việt quốc tế (Vietsofware International), con số trên vẫn chưa thể hiện được đầy đủ so với tiềm năng hiện nhân lực hiện có, đó là nguồn nhân lực công nghệ rất lớn, vì hơn 60% dân số dưới 30 tuổi, tỷ lệ biết chữ cao, là lực lượng lao động dồi dào, trẻ, năng động, có trí tuệ và giá lao động rẻ.

Một trong những điểm yếu lớn của lao động theo ông Tùng là khả năng làm việc theo nhóm, đặc biệt là khả năng ngoại ngữ để giao tiếp trực tiếp với đối tác nước ngoài thì còn rất hạn chế..

"Khắc phục điểm yếu lớn nhất về kỹ năng ngoại ngữ và giao tiếp thì chắc chắn mức độ hội nhập của ngành kinh tế công nghệ thông tin của Việt Nam và thị trường quốc tế sẽ tăng rất nhiều", ông Tùng nhìn nhận.

Để giải quyết những khó khăn, hạn chế về nguồn nhân lực công nghệ thông tin hiện nay, nhất là kỹ năng chuyên nghiệp và khả năng ngoại ngữ để trở thành nguồn lao động quốc tế, theo PGS Đặng Ngọc Dinh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển hỗ trợ cộng đồng (thuộc Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam) đó là bài toán không thể có lời giải trong một sớm một chiều, mà phải cần thời gian khá dài nữa mới khắc phục được.

“Đó là bài toán tổng thể từ chính sách vĩ mô, quy hoạch phát triển, mô hình đào tạo đến thay đổi, bắt nhịp của doanh nghiệp… mà chúng ta phải làm tổng lực, quyết liệt ngay từ bây giờ mới dần dần tiến kịp và đáp ứng được nhu cầu đòi hỏi phát triển kinh tế đất nước và hợp tác quốc tế”, PGS. Đặng Ngọc Diện phân tích.

Những mục tiêu lớn

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch tổng thể phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, với tổng số kinh phí khoảng 900 tỷ đồng.

Ông Lê Xuân Bình, Cục phó Cục Công nghệ thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng đây sẽ là cơ sở để tạo bước chuyển biến đột phá về chất lượng đào tạo nhân lực công nghệ thông tin của Việt Nam trong tương lai gần.

Vì một trong những mục tiêu lớn của chương trình là sẽ đảm bảo khoảng 30% sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học có đủ khả năng chuyên môn, ngoại ngữ để có thể tham gia thị trường lao động quốc tế, 100% học sinh trung cấp chuyên nghiệp và học nghề được đào tạo các kiến thức và kỹ năng ứng dụng về công nghệ thông tin.

Trong đó, đến năm 2010, 100% sinh viên đại học, cao đẳng, học sinh trung học phổ thông, 50% học sinh trung học cơ sở và 20% học sinh tiểu học được học tin học và đến năm 2015 đạt 100% đối với học sinh trung học cơ sở, 80% học sinh tiểu học được học tin học.

Với những kế hoạch, chỉ tiêu trên, mục tiêu quan trọng trong 10- 15 năm tới là Việt Nam sẽ trở thành trung tâm đào tạo cung cấp nguồn nhân lực công nghệ thông tin quốc tế.

Trước mắt, theo nhiều chuyên gia, vấn đề phải xác định và làm ngay là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và trong quản lý giáo dục ở tất cả các cấp học, tăng cường xây dựng đội ngũ giảng viên, giáo viên công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông ở các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và các cơ sở dạy nghề, nâng cao chất lượng và tăng nhanh về số lượng.

Ông Lê Xuân Bình cho rằng, Việt Nam cần liên tục cập nhật chương trình giảng dạy công nghệ thông tin trong nhà trường trên cơ sở mở rộng quy mô, hình thức đào tạo, xã hội hóa công tác phổ cập tin học với mức đầu tư xứng đáng.

“Đồng thời cũng phải tăng cường dạy công nghệ thông tin bằng ngoại ngữ đồng thời phát triển mạnh mạng giáo dục nhằm thúc đẩy, phát triển loại hình đào tạo từ xa, đồng thời phải tăng cường sự liên kết, “đặt hàng” từ các doanh nghiệp và cơ quan, đơn vị hành chính Nhà nước”, ông Bình nói.