10:49 27/06/2007

Nhân lực phần mềm nhiều hạn chế

Ái Vân

Nguồn nhân lực yếu kém và thiếu là một trong những nguyên nhân cản trở sự phát triển của ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam

Trên 75% cử nhân ngành công nghệ thông tin sau khi ra trường lại không thể làm việc độc lập trong môi trường công nghiệp.
Trên 75% cử nhân ngành công nghệ thông tin sau khi ra trường lại không thể làm việc độc lập trong môi trường công nghiệp.
Nguồn nhân lực yếu kém và thiếu là một trong những nguyên nhân cản trở sự phát triển của ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam, lâu nay, vốn biết là mặt yếu kém của ngành song vấn đề này đến nay chưa thể khắc phục được.

Theo mục tiêu của ngành công nghiệp gia công phần mềm đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong chương trình phát triển công nghiệp phần mềm, đến năm 2010 ngành công nghiệp này đạt tốc độ phát triển từ 35-40%, doanh thu đạt trên 800 triệu USD/năm, đưa Việt Nam xếp vào danh sách 15 nước có ngành gia công phần mềm và dịch vụ phát triển nhất thế giới.

Để đạt được kế hoạch ấy, việc làm cấp bách là làm sao có được nguồn nhân lực có tay nghề, bởi hiện nay nguồn nhân lực ngành công nghiệp phần mềm được nhận xét còn yếu kém.

Ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội tin học Tp.HCM đã nhận xét, người lao động đông nhưng doanh nghiệp phần mềm vẫn thiếu nhân lực. Ông Tùng đơn cử, trên 75% cử nhân ngành công nghệ thông tin sau khi ra trường lại không thể làm việc độc lập trong môi trường công nghiệp. Nguyên nhân là do phần lớn sinh viên yếu về kinh nghiệm thực hành, không đủ khả năng áp dụng lí thuyết vào thực hành. Đấy là hậu quả của khâu tổ chức đào tạo yếu kém.

Lâu nay, hoạt động đào tạo Đại học ở Việt Nam còn nặng về mặt lí thuyết. Sinh viên sau khi ra trường yếu về khâu thực hành, lí thuyết có thể rất giỏi nhưng khi ứng dụng vào thực tế lại lúng túng bởi giữa lí thuyết và thực hành thường có những điểm khác biệt nhau, nhất là ở giai đoạn hiện nay, hệ thống máy móc, công nghệ luôn được cải tiến và thay đổi theo từng ngày, trong khi ấy giáo trình giảng dạy lạc hậu, chậm cập nhật những thông tin mới.

Dạy đã như thế nhưng người học lại thụ động, không chịu học hỏi, tìm tòi chủ yếu học chay trên giấy. Để có người lao động, phần lớn các doanh nghiệp phải bỏ thời gian đào tạo lại.

Bên cạnh đó, đội ngũ nguồn nhân lực hoạt động trong ngành gia công phần mềm phần lớn là các cử nhân công nghệ thông tin chỉ chuyên về lĩnh vực kĩ thuật, yếu về vấn đề quản trị dự án. Ít người hội tụ cả 2 yêu cầu kĩ thuật và quản lí, do đó không tạo ra được sản phẩm có chất lượng và dịch vụ hấp dẫn, từ đó khó có thể tạo được điểm nổi trội cho sản phẩm.

Không chỉ vậy, một trong những hạn chế lớn của đội ngũ lao động trong ngành sản xuất gia công phần mềm Việt Nam là sự hạn chế về trình độ ngoại ngữ. Nhiều chuyên gia trong lĩnh này cho rằng, doanh nghiệp muốn xuất khẩu thành công sản phẩm vào thị trường nào, thì điều bắt buộc là phải am hiểu ngôn ngữ của người dân sống ở quốc gia đó, ngoài vấn đề chất lượng của sản phẩm. Hiện nay, trình độ ngoại ngữ của đội ngũ lao động trong ngành gia công sản xuất phần mềm ở Việt Nam mới dừng lại ở mức trung bình, chủ yếu là Anh ngữ.

Như thống kê của Hiệp hội Phần mềm Việt Nam, đến nay trên cả nước mới có 750 doanh nghiệp hoạt động trong ngành phần mềm với đội ngũ trên 35.000 lập trình viên. Đến năm 2010, yêu cầu đội ngũ lao động trong ngành công nghiệp phần mềm cần đạt khoảng 60.000 người. Hiện nay, hoạt động đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp phần mềm đang được chú ý đến và đẩy mạnh.

Trên cả nước, đã có 93 cơ sở đào tạo hệ đại học, 156 cơ sở hệ cao đẳng và 187 cơ sở đào tạo hệ trung học chuyên nghiệp. Những năm qua, ngành công nghệ thông tin đang thu hút nhiều bạn trẻ theo học. Năm học 2006, chỉ tính riêng hệ đại học, cả nước đã có trên 10.000 chỉ tiêu tuyển sinh và số lượng sinh viên tốt nghiệp cũng xấp xỉ 8.000 người.

Trong chương trình phát triển ngành công nghiệp phần mềm của Việt Nam đến năm 2010, đào tạo là một trong những vấn đề trọng điểm yêu cầu ngành và các ngành liên quan cần đẩy mạnh. Trong đó, trách nhiệm cần được chia sẻ đều giữa các ban ngành quản lí và doanh nghiệp. Các đơn vị đào tạo cũng đã bắt đầu thay đổi phương pháp đào tạo, cập nhật những chương trình đào tạo tiên tiến ở các nước đưa vào giảng dạy.

Tuy nhiên, từ nay đến năm 2010 - mốc thời điểm mà kế hoạch đề ra chỉ vỏn vẹn còn 3 năm nữa, liệu đội ngũ nguồn nhân lực ngành phần mềm có đạt đến con số yêu cầu trên 60.000 người hay không vẫn còn là dấu chấm hỏi và chờ đợi. Chỉ có nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân lực ngành sản xuất phần mềm thì mới dám nói đến chuyện đạt mức doanh thu đạt khoảng 800 triệu USD/năm.

Năm 2006, doanh thu của ngành gia công phần mềm Việt Nam đạt trên 350 triệu USD, trong đó phục vụ trong nước chiếm 240 triệu USD và gia công xuất khẩu đạt 110 triệu USD.