09:29 05/09/2008

Nhân viên môi giới Phố Wall lĩnh án vì gian lận

Mai Phương

Hai nhân viên môi giới chứng khoán Mỹ vừa bị buộc tội lừa đảo khách hàng mua hơn 1 tỷ USD chứng khoán nợ

Mục đích của hành vi lừa đảo này là nhằm thu được một số tiền hoa hồng lớn.
Mục đích của hành vi lừa đảo này là nhằm thu được một số tiền hoa hồng lớn.
Một tòa án ở Mỹ vừa buộc tội hai nhân viên môi giới chứng khoán ở Phố Wall về tội lừa đảo khách hàng mua hơn 1 tỷ USD chứng khoán được phát hành dựa trên nợ dưới chuẩn. Mục đích của hành vi lừa đảo này là nhằm thu được một số tiền hoa hồng lớn.

Tòa án liên bang tại Brooklyn, New York, cho biết, hai nhân vật bị kết án - Julian Tzolov, 35 tuổi và Eric Butler, 36 tuổi - nguyên là nhân viên môi giới chứng khoán của công ty Credit Suisse Securities. Năm ngoái, hai người này đã bị Credit Suisse sa thải sau khi bị phát hiện có những hành động bị cấm.

Theo tòa án này, với các tội danh gian lận chứng khoán, gian lận trên phương tiện thông tin và có mưu đồ xấu, họ có thể sẽ phải chịu tổng án phạt tù tối đa lên tới 25 năm và khoản tiền phạt lên tới 5,25 triệu USD.

Vụ án nói trên bắt nguồn từ một đơn kiện dân sự của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) gửi tới tòa án liên bang tại Manhattan, trong đó nghi ngờ Tzolov và Butler lừa đảo khiến các khách hàng doanh nghiệp nước ngoài tin rằng, loại chứng khoán được mua trong tài khoản của họ là chứng khoán được phát hành dựa trên các khoản vay dành cho sinh viên với sự bảo lãnh của chính quyền liên bang và an toàn như tiền mặt.

Hiện SEC vẫn đang tìm cách buộc hai nhân viên môi giới này phải bồi thường và chịu các án phạt dân sự khác.

Tuy nhiên, theo các nhà chức trách, trên thực tế, đây là lượng chứng khoán được phát hành dựa trên nợ dưới chuẩn, nghĩa vụ nợ có đảm bảo (CDO) và các khoản đầu tư có mức độ rủi ro cao khác. Do mức độ rủi ro cao, lượng chứng khoán này đem lại khoản tiền hoa hồng lớn hơn rất nhiều so với hoa hồng môi giới các loại chứng khoán an toàn khác cho hai nhà môi giới nói trên.

Tzolov và Butler đã lừa đảo các khách hàng bằng cách gửi cho họ nhiều email trong đó những từ như “khoản vay” hay “giáo dục” được bổ sung thêm vào tên của các loại chứng khoán được mua. Hai tay môi giới này cũng thường loại bỏ các từ “nghĩa vụ nợ có đảm bảo” hoặc “cầm cố” khỏi tên của các loại chứng khoán này.

Kết quả, các khách hàng “nạn nhân” trên “ôm vào” một lượng chứng khoán hơn 1 tỷ USD, trong đó có một phần trị giá hơn 800 triệu USD đã bị mất thanh khoản và sụt giá liên tục kể từ khi thị trường nợ cầm cố bắt đầu khủng hoảng từ tháng 7 năm ngoái tới nay.

Ông Andrew Calamari, Phó giám đốc văn phòng SEC khu vực New York nhận định, vụ việc này phản ánh tác động của cuộc khủng hoảng hiện nay trên thị trường cho vay dưới chuẩn thậm chí đối với cả những nhà đầu tư không hề có ý định mua các loại chứng khoán phát hành dựa trên nợ cầm cố.

Cách đây chưa lâu, ít nhất 8 ngân hàng đầu tư, trong đó có Merrill Lynch, Goldman Sachs, Citigroup và Morgan Stanley, đã buộc phải mua lại lượng chứng khoán nợ trị giá hơn 50 tỷ USD do các tập đoàn bị cơ quan chức năng Mỹ nghi ngờ họ đã lừa khách hàng tin rằng các loại chứng khoán này là những khoản đầu tư an toàn.

(Theo AP, Bloomberg)