Nhập khẩu nhiều loại nông sản tăng mạnh
Trong đó, ngành chăn nuôi nhập siêu gần 5 tỷ USD
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, giá trị nhập khẩu vật tư nông nghiệp và nông lâm thủy sản tháng 11/2018 đạt 2,8 tỷ USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu 11 tháng của toàn ngành lên 28,8 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2017. Với việc thức ăn chăn nuôi và sản phẩm thịt trứng sữa có tổng giá trị nhập khẩu lên tới 5,44 tỷ USD đã đẩy chăn nuôi trở thành lĩnh vực nhập siêu "khủng nhất" trong toàn ngành nông nghiệp.
Trong 11 tháng qua, những mặt hàng nông sản có giá trị nhập khẩu tăng mạnh nhất là: mặt hàng rau tăng 45,4% (kim ngạch 458 triệu USD); mặt hàng ngô tăng 40,5%; mặt hàng muối tăng 36,5% (kim ngạch 22 triệu USD); mặt hàng bông tăng 28,6% (kim ngạch 2,8 tỷ USD).
Ngành chăn nuôi nhập khẩu lớn nhất
Cụ thể, giá trị nhập khẩu của mặt hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu là lớn nhất đạt 3,22 tỷ USD. Tiếp đến là mặt hàng bông các loại với giá trị nhập khẩu đạt 2,58 tỷ USD. Giá trị nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi (thịt, trứng, sữa) đứng thứ 3 đạt 2,22 tỷ USD.
Hạt điều cũng là mặt hàng có giá trị nhập khẩu giảm so với năm 2017 nhưng vẫn là 1 trong 4 mặt hàng nông sản có giá trị nhập khẩu lớn nhất với 2,12 tỷ USD. Mặt hàng gỗ đứng thứ 5 về kim ngạch nhập khẩu, với 2,09 tỷ USD.
Với việc thức ăn chăn nuôi và sản phẩm thịt trứng sữa có tổng giá trị nhập khẩu lên tới 5,44 tỷ USD, khiến nhập siêu của ngành này lên tới 4,93 tỷ USD. Con số này đã đẩy chăn nuôi trở thành ngành phải nhập siêu lớn nhất trong số các nhóm ngành hàng nông sản.
Xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi của nước ta từ đầu năm đến nay được đánh giá là đã đạt được một số kết quả tích cực. Giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi tháng 11/2018 ước đạt 50 triệu USD, đưa kim ngạch xuất khẩu 11 tháng đạt 508 triệu USD, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2017.
Trong đó, giá trị xuất khẩu các sản phẩm từ gia cầm đạt 27,3 triệu USD, tăng cao gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu các sản phẩm từ trâu, bò là gần 3 triệu USD và lợn đạt 40,8 triệu USD, lần lượt giảm 50,5% và giảm 47,6% so với cùng kỳ năm 2017.
Đầu vào của ngành chăn nuôi gồm giống và thức ăn gia súc đang lệ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu. Ba thị trường nhập khẩu chính của thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu là Achentina, Hoa Kỳ, và Brazil, chiếm thị phần lần lượt là 30,9%, 17,3% và 13,4%.
Các thị trường có giá trị nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2017 là Brazil (tăng gấp 3,7 lần), Hoa Kỳ (tăng gấp 2,7 lần) và Trung Quốc (tăng 49,7%). Mặc dù chi hàng tỷ USD để nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, thế nhưng các sản phẩm thịt, trứng sữa từ nước ngoài vẫn ồ ạt tràn vào nước ta, lấy đi hơn 2,2 tỷ USD.
Những mặt hàng nhập khẩu trên 1 tỷ USD
Ước giá trị nhập khẩu mặt hàng rau quả tháng 11/2018 đạt 137 triệu USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu 11 tháng đầu năm 2018 đạt 1,57 tỷ USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, mặt hàng rau ước đạt 458 triệu USD, tăng 45,4% so với cùng kỳ 2017 và mặt hàng quả ước đạt 1,09 tỷ USD, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm 2017.
Thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất là Thái Lan (chiếm 41,3% thị phần), Trung Quốc (chiếm 24,4%). Giá trị nhập khẩu rau quả ở hầu hết các thị trường chính đều tăng so với cùng kỳ năm 2017 ngoại trừ Thái Lan (giảm 17,8%). Trong đó, giá trị nhập khẩu rau quả tăng nhiều nhất là Chi Lê tăng 98,3%, tiếp đến là Hoa Kỳ tăng 90% và Hàn Quốc tăng 83%.
Khối lượng điều thô nhập khẩu trong tháng 11/2018 ước đạt 82 nghìn tấn với giá trị đạt 127 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị điều thô nhập khẩu trong 11 tháng đạt 1,14 triệu tấn và giá trị đạt 2,25 tỷ USD, giảm 8,13% về khối lượng và 8,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
Ước tính khối lượng nhập khẩu lúa mì trong tháng 11/2018 đạt 449 nghìn tấn với giá trị đạt 107 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị lúa mì nhập khẩu trong 11 tháng đạt gần 5 triệu tấn, với 1,12 tỷ USD, tăng 9,9% về lượng và tăng 24,2% về giá trị.
Nhập khẩu cao su trong tháng 11/2018 là 46 nghìn tấn, tiêu tốn 94 triệu USD. Lũy kế 11 tháng, nhập khẩu cao su đạt 543 nghìn tấn với giá trị 1,01 tỷ USD, tăng 8,8% về lượng và 0,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
Đối với ngành thủy sản, để đáp ứng nhu cầu phục vụ chế biến xuất khẩu, trong tháng 11/2018 đã chi 166 triệu USD nhập khẩu thủy sản nguyên liệu. Lũy kế từ đầu năm đến nay, nhập khẩu thủy sản đạt 1,58 tỷ USD, tăng 21,3% so với cùng kỳ năm 2017. Nguồn nhập khẩu thủy sản lớn nhất là từ các thị trường: Ấn Độ, Nauy, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Nhật Bản chiếm thị phần lần lượt là 21%, 10,2%, 6,9%, 6,4% và 6,3%.
Trong ngành lâm nghiệp, tháng 11/2018 chi 222 triệu USD để nhập khẩu gỗ, lũy kế giá trị nhập khẩu 11 tháng là 2,09 tỷ USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2017. Giá trị nhập khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ so với cùng kỳ năm 2017 của hầu hết các thị trường nhập khẩu chính đều tăng ngoại trừ Campuchia (giảm 53,2%), Thái Lan (giảm 16%). Nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ một số thị trường có tính hợp pháp cao như Mỹ và Brazil tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2017, trong đó, là Brazil (tăng 52,2%), Hoa Kỳ (tăng 23,6%).
Đối với nhóm vật tư nông nghiệp, đã kiềm chế thành công ở đầu nhập khẩu. Ước tính khối lượng nhập khẩu phân bón các loại trong 11 tháng đạt 3,78 triệu tấn và 1,09 tỷ USD, giảm 13,9% về lượng và giảm 7,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Giá trị nhập khẩu mặt hàng thuốc trừ sâu và nguyên liệu trong 11 tháng là 858 triệu USD, giảm 4,2% so với cùng kỳ năm 2017.