16:54 20/05/2008

"Nhập khẩu vàng không nên tính là nhập siêu"

Anh Quân

"Không nên coi vàng như hàng hoá tiêu dùng thông thường mà cần được xem như một loại ngoại tệ"

"Ưu điểm của vàng là rất linh hoạt trong thanh toán quốc tế. Các giao dịch vàng có thể thu về bất kỳ đồng tiền nào mà quốc gia xuất khẩu cần.
"Ưu điểm của vàng là rất linh hoạt trong thanh toán quốc tế. Các giao dịch vàng có thể thu về bất kỳ đồng tiền nào mà quốc gia xuất khẩu cần.
Mức thuế nhập khẩu vàng 1% đã chính thức được áp dụng, tăng gấp 2 lần so với mức 0,5% quy định trước đó.

>>Đừng cưỡng ép nhà đầu tư vàng

Lý do mà Bộ Tài chính đưa ra để tăng thuế là giúp giảm áp lực nhập siêu vốn rất căng thẳng trong những tháng đầu năm nay. Về vấn đề này, hiện nay còn có những ý kiến trái chiều.

Trao đổi với VnEconomy, ông Thái Doãn Tửu, Phó vụ trưởng Vụ Thương mại Dịch vụ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã bày tỏ sự không đồng tình với việc đưa kim ngạch nhập khẩu vàng vào con số nhập siêu.

Lý do mà ông đưa ra là không nên coi vàng như hàng hoá tiêu dùng, mà cần được xem như một loại ngoại tệ và kim ngạch nhập khẩu vàng không nên tính vào con số nhập siêu như hiện nay.

Ông Tửu cho biết, các nước trên thế giới đều coi vàng là một loại ngoại tệ và chính phủ các nước luôn dự trữ vàng song song với các loại tiền khác. Ưu điểm của vàng là rất linh hoạt trong thanh toán quốc tế. Các giao dịch vàng có thể thu về bất kỳ đồng tiền nào mà quốc gia xuất khẩu cần.

Không giống như các loại hàng hoá tiêu dùng khác, sẽ bị giảm giá trị trong quá trình sử dụng, vàng không hao hụt trong quá trình dự trữ, bảo quản nên không thể là sự lãng phí xã hội. Vàng có thể dễ dàng quay trở lại lưu thông.

Trong thời gian gần đây, Nga, Anh và cả Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) đã có những đợt bán vàng lớn để chuyển kim loại quý này thành tiền mặt.

Nhưng rõ ràng các doanh nghiệp đã phải bỏ tiền để nhập khẩu vàng. Điều này làm lệch cán cân thương mại quốc tế?

Về phương diện thanh toán thì đúng là như vậy. Nhưng nên hiểu đây là một loại giao dịch để chuyển một ngoại tệ này sang một ngoại tệ khác. Và việc chuyển đổi này về mặt nào đó là có lợi cho các bên.

Ông có thể nói rõ hơn quan điểm này?

Việc dự trữ vàng trong dân, về mặt nào đó, còn khuyến khích tiết kiệm, giảm chi tiêu và vì vậy có ý nghĩa tích cực chống lạm phát. Hơn nữa, việc giữ vàng trong nhiều trường hợp còn tạo ra giá trị gia tăng khi quy đổi sang sản phẩm, dịch vụ khác.

Về phía Nhà nước, việc tạo thuận lợi cho kinh doanh vàng ngoài thu thuế còn có thể điều tiết cung cầu thị trường vàng.

Nhưng Chính phủ chưa cho phép các doanh nghiệp xuất khẩu, trong khi nhập khẩu quá nhiều trong thời gian qua?

Quan điểm của cá nhân tôi là Chính phủ nên xem xét để cho phép các doanh nghiệp được xuất khẩu vàng. Điều này đem lại nhiều cái lợi.

Thứ nhất, dự trữ vàng trong nước được chuyển thành ngoại tệ. Từ lượng vàng dự trữ, không sinh lời sẽ được chuyển vào lưu thông.

Tiền này có thể dự trữ, có thể được đầu tư vào sản xuất, có thể sử dụng trong thanh toán quốc tế, giúp giảm thâm hụt tài khoản vãng lai…

Hoạt động xuất khẩu cũng đem lại giá trị gia tăng qua hoạt động thương mại và Chính phủ cũng có thể thu thuế xuất khẩu. Và đã có nhập khẩu thì cũng nên cho xuất khẩu để cân đối cung cầu và giảm áp lực cho thị trường vàng.

* 4 tháng đầu năm, cả nước đã nhập khẩu khoảng 43 tấn vàng, kim ngạch nhập khẩu kim loại này lên tới 1,2 tỷ USD và được cho là có thể tăng lên 4 tỷ USD vào cuối năm nay. Để giảm thâm hụt cán cân thương mại, Hiệp hội Kinh doanh vàng cũng đã nhiều lần kiến nghị Chính phủ cho phép xuất khẩu vàng.