10:09 24/02/2010

Nhấp nhổm chờ mua bán ngoại tệ

Quyết định điều chỉnh tăng tỷ giá có hiệu lực từ 11/2/2010, nhưng đến 23/2 thị trường ngoại tệ vẫn trong trạng thái chờ

Các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu được lợi khi giá Đô la Mỹ tăng - Ảnh: Lê Quang Nhật.
Các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu được lợi khi giá Đô la Mỹ tăng - Ảnh: Lê Quang Nhật.
Quyết định điều chỉnh tăng tỷ giá có hiệu lực từ 11/2/2010, nhưng đến 23/2 thị trường ngoại tệ vẫn trong trạng thái chờ.

Ngay sau khi quyết định của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực, tỷ giá mua vào và bán ra của các ngân hàng thương mại đã có khoảng cách. Đến 23/2, hầu hết các ngân hàng thương mại đều niêm yết giá bán bằng nhau ở mức kịch trần 19.100 đồng/USD. Còn giá mua vào có khác nhau, tại VCB là 18.800 đồng/USD. Eximbank: 18.990 đồng/USD (tiền mặt) và 19.000 đồng/USD (chuyển khoản). ACB: 19.050 đồng/USD. EAB: 19.000 đồng/USD.

Tại thị trường tự do, tỉ giá trong ngày 23/2 trong khoảng 19.350 - 19.380 đồng/USD, giảm nhẹ khoảng 40 - 50 đồng/USD so với hai ngày trước đó. Đây có phải những dấu hiệu cho thấy cung cầu USD đã bớt căng thẳng?

Doanh nghiệp đã bán USD

Ông Phạm Văn Bảy, Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm An Giang (Afiex) cho biết: “Chính sách thay đổi tỷ giá mà ngân hàng Nhà nước vừa áp dụng giúp công ty bán được ngoại tệ ở mức cao nhất là 19.100 đồng/USD. Theo tôi, với mức điều chỉnh như vậy tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Từ nay sẽ không còn tâm lý găm giữ như trước, vì nếu nhốt ngoại tệ trên tài khoản thì với lãi suất USD như hiện nay (1% - PV) sẽ không có lời. Còn chờ tỷ giá tăng thêm nữa, thì khó xảy ra”.

Còn ông Trần Thiện Lĩnh, Giám đốc Công ty Thuỷ sản Thuận Phước, Đà Nẵng cũng nói rằng, thu ngoại tệ về là bán ngay. Tuy nhiên, không phải ngân hàng nào cũng mua ngoại tệ ở mức giá cao nhất. “Doanh nghiệp chúng tôi phải dựa vào mối quan hệ mới bán được mức 19.100 đồng/USD”, ông Lĩnh nói như vậy.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Vân, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á cũng cho biết: “Một số doanh nghiệp đã chấp nhận bán ra ngoại tệ. Nhưng mới ra Tết, giao dịch còn ít, nên chưa thể nói được gì nhiều”.

Nín thở chờ

Một doanh nghiệp vận tải biển có nguồn thu ngoại tệ khá lớn chiều 23/2 nói: “Vẫn nghỉ tết nên chưa nắm rõ tình hình”. Anh Hùng, một người dân có khoảng 10.000 USD gửi ngân hàng cười: “Mình đầu tư nhỏ lẻ. Vẫn biết bán đô lấy tiền đồng gửi ngân hàng sẽ có lãi suất cao hơn, nhưng phải chờ xem thị trường diễn biến thế nào đã”.

Ở các tiệm vàng, quầy thu đổi ngoại tệ, giới kinh doanh cho biết hai ngày qua hoạt động mua bán khá vắng lặng. Chủ tiệm vàng ở khu vực Bến Thành kể: “Chỉ có khách nước ngoài, Việt kiều đi mua sắm đổi một vài trăm Đô la lấy tiền chi tiêu. Còn lại bạn hàng trong chợ chỉ hỏi giá tham khảo liên tục chứ không mua không bán”.

Những điểm có dịch vụ thu đổi ngoại tệ tận nhà cho biết, lượng khách đầu năm chỉ bằng 30% so với trước tết. Một chủ tiệm vàng ở khu vực quận 3 cũng cho biết: “Đã có khách mối ở các công ty dọ giá, nhưng họ chưa quyết định mua hay bán. Trong giới làm ăn thì dự báo giá Đô la sẽ còn tăng nữa. Nhưng vẫn có thông tin cho rằng các ngân hàng sẽ mở rộng cửa bán đô với tỷ giá chính thức, nên các công ty, khách buôn bán có nhu cầu giao dịch tiền đô vẫn chưa đặt hàng”.

Theo phó tổng giám đốc một công ty kinh doanh vàng bạc đá quý, thị trường đầu năm đang chờ các động thái từ ngân hàng.

Bản thân các ngân hàng thương mại cũng chờ. Ông Nguyễn Đức Thái Hân, phó tổng giám đốc ACB nói: “Lượng khách thanh toán chưa quay lại quy mô bình thường sau tết. Chúng tôi cũng mới làm việc trở lại 1 - 2 ngày nên chưa thể đánh giá được cung cầu USD hiện tại.” Ông Hân cũng nhận xét rằng: “Không thể căn cứ trên giá niêm yết đã có khoảng cách giữa mua vào bán ra thay vì bằng nhau và ở mức kịch trần như trước đây để cho rằng nguồn cung USD đã dồi dào hơn”.

Một nhà nhập khẩu máy tính (đề nghị không nêu tên) cho biết, dù Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá gần sát với giá thị trường để chống hiện tượng làm giá, nhưng đầu năm, khi nhu cầu mua đồng USD chưa nhiều thì kiếm được lượng USD theo như mong muốn không phải dễ.

Kế toán trưởng của một doanh nghiệp nhập khẩu hàng kỹ thuật số cho biết, hiện nay, một số ngân hàng vẫn gợi ý doanh nghiệp mua ngoại tệ theo thoả thuận. Và giá niêm yết vẫn chỉ để niêm yết. “Họ (ngân hàng) yêu cầu chúng tôi nộp hồ sơ. Sau đó họ sẽ thoả thuận tỷ giá. Nếu doanh nghiệp chấp nhận, hai bên sẽ tiến hành mua bán. Trước khi nộp hồ sơ, chúng tôi có đề nghị cho biết tỷ giá cần thoả thuận nhưng họ từ chối công bố. Họ cũng không cho biết có đáp ứng đủ nhu cầu doanh nghiệp hay không”.

Nhóm PV (SGTT)