17:14 06/05/2025

Nhật Bản hy vọng đạt thỏa thuận thương mại với Mỹ trong tháng 6

An Huy

Trong một tuyên bố mới, quan chức Nhật Bản cho biết nước này sẽ không sử dụng dự trữ trái phiếu kho bạc Mỹ như một công cụ trong đàm phán thương mại với Mỹ...

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản Katsunobu Kato - Ảnh: Bloomberg.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản Katsunobu Kato - Ảnh: Bloomberg.

Nhà đàm phán thương mại cấp cao nhất của Nhật Bản bày tỏ hy vọng đạt một thỏa thuận thương mại với Mỹ trong tháng 6/2025, dù một vài thông tin báo chí cho rằng hai bên còn chưa đạt thống nhất về một vấn đề then chốt là xuất khẩu ô tô của Nhật.

Ngày 1/5/2025, Bộ trưởng Bộ Phục hồi kinh tế Nhật Bản Ryosei Akazawa đã có cuộc gặp với giới chức Mỹ, gồm Bộ trưởng Bộ Tài chính Scott Bessent, Đại diện Thương mại Jamieson Greer và Bộ trưởng Bộ Thương mại Howard Lutnick. Đây là vòng đàm phán thương mại thứ ba giữa Mỹ và Nhật Bản kể từ khi Tổng thống Donald Trump áp thuế quan đối ứng vào ngày 2/4/2025.

Trao đổi với báo giới sau cuộc gặp kéo dài hơn 2 giờ đồng hồ tại Washington, ông Akazawa miêu tả đây là một cuộc gặp thẳng thắn. “Chúng tôi đã có cuộc thảo luận tập trung vào những chủ đề như mở rộng quan hệ thương mại song phương, hàng rào phi thuế quan và hợp tác về an ninh kinh tế”, ông Akazawa nói; đồng thời, ông Akazawa cho biết vòng đàm phán tiếp theo có thể diễn ra vào giữa tháng 5/2025 hoặc sau đó.

Một bài báo của tờ Nikkei dẫn nguồn thạo tin cho biết phía Mỹ đã đề xuất một thỏa thuận khung trong đó Washington duy trì thuế quan 25% đối với ngành công nghiệp ô tô, thép và nhôm của Nhật Bản. Theo bài báo, phía Nhật không đồng tình với mức thuế này, nói rằng việc đàm phán nên bao trùm toàn diện các loại thuế quan mà Mỹ đã đưa ra. Cùng với đó, Nhật Bản đề xuất rà soát các hàng rào phi thuế quan của Nhật và tăng nhập khẩu các mặt hàng nông sản Mỹ, Nikkei cho hay.

Nhật Bản - một đồng minh thân cận của Mỹ - bị ông Trump áp thuế đối ứng 24%, bên cạnh mức thuế 25% đối với mặt hàng ô tô, nhôm và thép.

Thuế quan ô tô là một vấn đề đặc biệt quan trọng đối với Nhật Bản, vì ngành này và các ngành liên quan chiếm khoảng 8% toàn bộ lực lượng lao động của đất nước mặt trời mọc. Trong khi đó, Mỹ muốn cuộc đàm phán thương mại với Nhật chỉ tập trung vào thuế quan đối ứng - loại thuế quan dự kiến sẽ có hiệu lực toàn bộ từ tháng 7/2025 khi hết thời hạn miễn thuế suất cao kéo dài 90 ngày.

Ngày 2/5/2025, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản Katsunobu Kato phát tín hiệu nước này có thể sử dụng dự trữ trái phiếu kho bạc Mỹ khổng lồ để làm đòn bẩy trong đàm phán thương mại với Mỹ, nhưng hiện không rõ ông Kato nghiêm túc tới mức nào trong ý tưởng này. “Đó là một quân bài. Việc chúng ta có sử dụng quân bài đó hay không là một quyết định khác”, ông Kato nói trong một chương trình truyền hình.

Phát biểu này của ông Kato có phần khác với quan điểm mà ông Itsunori Onodera - người phụ trách chính sách của Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền - đưa ra hồi tháng 4/2025. Khi đó, ông Onodera phát biểu với tư cách là một đồng minh của Mỹ, Nhật Bản sẽ không có hành động có chủ đích nào nhằm vào trái phiếu kho bạc Mỹ.

Ngày 4/5/2025, ông Kato làm rõ hơn những gì ông nói vào ngày 2/5/2025, cho biết Nhật sẽ không sử dụng dự trữ trái phiếu kho bạc Mỹ như một công cụ trong đàm phán thương mại với Mỹ. “Chúng tôi sẽ không xem xét việc bán trái phiếu kho bạc Mỹ như một công cụ trong đàm phán thương mại Nhật - Mỹ”, vị Bộ trưởng Nhật nói tại Milan, Italy, bên lề hội nghị thường niên của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Về vòng đàm phán vừa diễn ra ở Washington, ông Akazawa bày tỏ hy vọng rằng việc đàm phán được thúc đẩy sẽ tạo điều kiện để ông Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba đạt một thỏa thuận vào tháng 6/2025. Theo dự kiến, hai nhà lãnh đạo sẽ có cuộc gặp riêng bên lề hội nghị thượng đỉnh nhóm 7 nền công nghiệp phát triển G7 ở Canada vào giữa tháng tới.

“Đây không chỉ là vấn đề tốc độ đàm phán, vì có những lợi ích quốc gia phải được bảo vệ ở cả hai phía và điều đó cần thời gian. Vẫn còn nhiều vấn đề cần phải đuọc giải quyết trước khi đạt tới một thỏa thuận cuối cùng”, ông Akazawa nói.

Các quốc gia trên thế giới đang dõi theo cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Nhật với một sự quan tâm lớn, bởi kết quả mà Nhật Bản đạt được có thể là căn cứ để dự báo về cuộc đàm phán của Mỹ với các đối tác thương mại khác. Theo thông tin từ các bên tới thời điểm này, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ có khả năng sẽ là những nền kinh tế đầu tiên đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ.

“Có một hãng xe của Nhật Bản đang thiệt hại 1 triệu USD mỗi giờ đồng hồ” vì thuế quan Mỹ”, ông Akazawa nói, nhưng không cho biết cụ thể hơn.

Việc bảo vệ các lợi ích và việc làm của Nhật Bản có một vai trò quan trọng đối với Thủ tướng Ishiba trước thềm cuộc bầu cử toàn quốc vào tháng 7/2025. Năm 2024, ô tô và linh kiện ô tô chiếm hơn 1/3 xuất khẩu của Nhật sang Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước này. Cùng với đó, nông dân cũng là một lực lượng ủng hộ quan trọng của LDP tại các vùng nông thôn.

“Ô tô và nông nghiệp đều là những lĩnh vực kinh tế quan trọng, là kế sinh nhai của nhiều người dân Nhật. Hoàn toàn tự nhiên khi có nhiều người có thể đang cảm thấy lo lắng về đàm phán Mỹ - Nhật, và chúng tôi thấu hiểu điều này. Chúng tôi không có ý định đàm phán mà gây tổn hại đến lợi ích dân tộc”, ông Akazawa nói.