Nhật Bản mở cửa cho lao động kỹ năng của Việt Nam theo chương trình mới
Nhật Bản chỉ tiếp nhận lao động kỹ năng đặc định Việt Nam sau khi họ có tên trong "Danh sách xác nhận" của Bộ Lao động - Thương bình và Xã hội
Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) vừa ban hành hướng dẫn chính thức về việc triển khai phái cử lao động kỹ năng đặc định sang Nhật Bản đối với các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Theo đó, phía Nhật Bản chỉ tiếp nhận lao động kỹ năng đặc định người Việt Nam sau khi họ đã thực hiện các thủ tục cần thiết theo quy định của pháp luật Việt Nam và có tên trong "Danh sách xác nhận" của Bộ Lao động - Thương bình và Xã hội.
Cụ thể, đó là những lao động có chứng chỉ ngoại ngữ và nghề theo tiêu chuẩn của Nhật Bản hoặc các thực tập sinh đã hoàn thành chương trình thực tập kỹ năng số 2 hoặc số 3. Có ngành nghề phù hợp với ngành nghề lao động đặc định được phái cử bởi các tổ chức, doanh nghiệp được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho phép đưa lao động kỹ năng đặc định đi làm việc ở Nhật Bản.
Tiếp theo là những công dân Việt Nam đang cư trú tại Nhật Bản đã được cơ quan tiếp nhận lao động tuyển dụng trực tiếp, bao gồm những người được miễn các kỳ thi và kiểm tra, thực tập sinh đã hoàn thành chương trình thực tập kỹ năng số 2 hoặc số 3.
Cuối cùng là du học sinh đã tốt nghiệp khóa học ít nhất 2 ñăm tại các trường có cấp bằng tại Nhật Bản và có nguyện vọng chuyển đổi sang tư cách lao động kỹ năng đặc định sau khi đã đạt các kỳ thi và kiểm tra.
Đối với doanh nghiệp phái cử, chỉ cần có giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp, hoặc có hợp đồng ký với đối tác Nhật Bản đều có thể tham gia.
Cục Quản lý lao động ngoài nước khẳng định, chỉ tiếp nhận hồ sơ đăng ký hợp đồng đối với doanh nghiệp đã được giới thiệu với các cơ quan chức năng của Nhật Bản để phái cử lao động kỹ năng đặc định sang nước này.
Các ứng viên lao động kỹ năng đặc định đăng ký qua các doanh nghiệp phái cử Việt Nam sẽ được doanh nghiệp làm thủ tục xác nhận danh sách theo quy định tại Cục Quản lý lao động ngoài nước.
Đối với các ứng viên lao động kỹ năng đặc định đang cư trú tại Nhật Bản thì báo cáo và làm thủ tục xác nhận danh sách tại Ban Quản lý lao động Việt Nam tại nước này.
Trước đó, ngày 8/12/2018, Quốc hội Nhật Bản đã thông qua Luật Quản lý xuất nhập cảnh sửa đổi, trong đó cho phép tiếp nhận lao động kỹ năng đặc định nước ngoài vào làm việc tại Nhật Bản kế từ ngày 1/4/2019.
Trường hợp có kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm cần thiết đủ để đáp ứng công việc được gọi là "kỹ năng đặc biệt số 1"; đã thi đỗ kỳ thi được xác định là có tính chuyên môn cao và có thể đáp ứng công việc đòi hỏi kỹ năng điêu luyện hơn được cấp tư cách "kỹ năng đặc biệt số 2".
Với tư cách "kỹ năng đặc biệt số 1", giới hạn thời gian làm việc là 5 năm và không được bảo lãnh gia đình. Tuy nhiên, với tư cách "kỹ năng đặc biệt số 2", người lao động có thể ở lại làm việc lâu dài và bảo lãnh gia đình cùng sang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản.
5 đối tượng không được tham gia chương trình kỹ năng đặc định
- Chưa đủ tuổi: Điều kiện tuổi tác là một trong những tiêu chí tuyển chọn mà người Nhật rất khắt khe. Để tham gia chương trình visa đặc định thì độ tuổi tối thiểu bắt buộc là từ 18 tuổi trở lên – theo cách tính của người Nhật.
- Sức khỏe không đạt: Sức khỏe là yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất quyết định lao động có thể đi Nhật được hay không. Nếu sức khỏe không đạt, mắc phải các bệnh cấm đi xuất khẩu lao động Nhật Bản thì người lao động cũng đã mất đi cơ hội được tham gia chương trình visa đặc định.
- Không đỗ kỳ thi đánh giá năng lực đặc biệt: Tất cả các đối tượng muốn tham gia chương trình visa kỹ năng đặc định đều phải trải qua kỳ thi đánh giá năng lực đặc biệt, bao gồm kỳ thi tiếng và kỳ thi kỹ năng hoặc 1 trong 2 kỳ thi tiếng/ kỳ thi kỹ năng. Trừ các trường hợp thực tập sinh đã hoàn thành hợp đồng 3 năm thì không phải thi tuyển mà được làm hồ sơ xét duyệt luôn.
- Thực tập sinh, du học sinh đang làm việc tại Nhật Bản nhưng vi phạm pháp luật Nhật Bản: Nhật Bản luôn đánh giá cao các trường hợp tuân thủ, nghiêm túc chấp hành các quy định, luật pháp nước này. Vì vậy, nếu các thực tập sinh hoặc du học sinh đang ở Nhật Bản mà vi phạm pháp luật thì sẽ bị trục xuất về nước và không có cơ hội trở lại nước này dưới bất kỳ hình thức gì.
- Đối tượng từng xin visa tị nạn ở Nhật: Hiện nay, chính sách visa tị nạn đã được thắt chặt, xin visa tị nạn không hề dễ dàng như trước đây. Và các đối tượng từng xin visa tị nạn sẽ bị cấm tham gia chương trình visa kỹ năng đặc định.