16:24 28/02/2022

Nhiều chính sách kinh tế xã hội có hiệu lực từ tháng 3/2022

Dũng Hiếu

Hàng loạt các chính sách mới về tiền lương; tạm dừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất khẩu trang, găng tay y tế; quy định về kinh doanh bất động sản… có hiệu lực từ tháng 3/2022...

Hàng loạt các chính sách mới về kinh tế xã hội có hiệu lực từ tháng 3/2022
Hàng loạt các chính sách mới về kinh tế xã hội có hiệu lực từ tháng 3/2022

Quy định mới về lệ phí trước bạ có hiệu lực

Chính phủ ban hành Nghị định số 10/2022/NĐ-CP ngày 15/1/2022 quy định về lệ phí trước bạ. Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/3/2022. Theo đó, mức thu lệ phí trước bạ của các tài sản được quy định tại Điều 8 Nghị định này như sau:

- Nhà, đất là 0,5%;

- Súng săn, súng dùng để tập luyện, thi đấu thể thao là 2%;

- Tàu thủy, kể cả sà lan, ca nô, tàu kéo, tàu đẩy, tàu ngầm, tàu lặn, thuyền, kể cả du thuyền, tàu bay là 1%;

- Xe máy là 2%. Riêng xe máy nộp lệ phí trước bạ lần thứ hai trở đi thì mức thu này là 1%. Trường hợp chủ tài sản đã kê khai, nộp lệ phí trước bạ đối với xe máy là 2%, sau đó chuyển giao cho tổ chức, cá nhân ở địa bàn quy định nêu trên thì nộp lệ phí trước bạ với mức thu là 5%.

- Ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô, các loại xe tương tự xe ô tô, mức thu là 2%...

Riêng ô tô điện chạy pin, Nghị định này đã bổ sung mức thu lệ phí trước bạ lần đầu là 0% trong vòng 03 năm kể từ ngày 01.3.2022 và trong vòng 02 năm tiếp theo, mức thu lệ phí này bằng 50% mức thu với ô tô chạy xăng, dầu có cùng số chỗ ngồi.

Đặc biệt, Khoản 2 Điều 14 Nghị định 10/2022/NĐ-CP nêu rõ: Kể từ ngày 01.3.2022 - ngày Nghị định này có hiệu lực, mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống và giá tính lệ phí trước bạ đối với nhà, ô tô, xe máy tiếp tục thực hiện theo quy định hiện hành cho đến khi Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành mức thu lệ phí trước bạ mới với ô tô, xe máy.

Thay đổi nhiều quy định về kinh doanh bất động sản

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 02/2022/NĐ-CP ngày 6/1/2022 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản. Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/3/2022.

Nghị định này quy định chi tiết một số điều, khoản của Luật Kinh doanh bất động sản, bao gồm các nội dung về điều kiện của tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản; về các loại hợp đồng mẫu kinh doanh bất động sản; về chuyển nhượng hợp đồng thuê mua nhà, công trình xây dựng có sẵn; chuyển nhượng hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai và thủ tục chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản.

Trong đó, tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản phải đáp ứng 3 nhóm điều kiện. Theo đó, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp hoặc hợp tác xã theo quy định của pháp luật về hợp tác xã, có ngành nghề kinh doanh bất động sản (doanh nghiệp).

Tổ chức, cá nhân kinh doanh phải công khai trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp, tại trụ sở Ban Quản lý dự án (đối với các dự án đầu tư kinh doanh bất động sản), tại sàn giao dịch bất động sản (đối với trường hợp kinh doanh qua sàn giao dịch bất động sản) các thông tin về: doanh nghiệp (bao gồm tên, địa chỉ trụ sở chính, số điện thoại liên lạc, tên người đại diện theo pháp luật); bất động sản đưa vào kinh doanh theo quy định tại khoản 2, Điều 6 của Luật Kinh doanh bất động sản; việc thế chấp nhà, công trình xây dựng, dự án bất động sản đưa vào kinh doanh (nếu có); số lượng, loại sản phẩm bất động sản được kinh doanh, số lượng, loại sản phẩm bất động sản đã bán, chuyển nhượng, cho thuê mua và số lượng, loại sản phẩm còn lại đang tiếp tục kinh doanh.

Các thông tin đã công khai quy định nêu trên mà sau đó có thay đổi phải được cập nhật kịp thời ngay sau khi có thay đổi. Các tổ chức, cá nhân chỉ kinh doanh các bất động sản có đủ điều kiện theo quy định tại Điều 9, Điều 55 của Luật Kinh doanh bất động sản.

Đối với trường hợp nhà đầu tư được lựa chọn làm chủ đầu tư dự án bất động sản theo quy định của pháp luật, nhà đầu tư đó phải có vốn chủ sở hữu không thấp hơn 20% tổng vốn đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất dưới 20 ha, không thấp hơn 15% tổng vốn đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất từ 20 ha trở lên. Khi thực hiện kinh doanh bất động sản, chủ đầu tư dự án phải đáp ứng điều kiện quy định nêu trên.

Việc xác định vốn chủ sở hữu được căn cứ vào kết quả báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất hoặc kết quả báo cáo kiểm toán độc lập của doanh nghiệp đang hoạt động (được thực hiện trong năm hoặc năm trước liền kề); trường hợp là doanh nghiệp mới thành lập sẽ xác định vốn chủ sở hữu theo vốn điều lệ thực tế đã góp theo quy định của pháp luật.

Nghị định cũng quy định điều kiện chuyển nhượng hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai và chuyển nhượng hợp đồng thuê mua nhà, công trình xây dựng có sẵn.

Việc chuyển nhượng hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai và chuyển nhượng hợp đồng thuê mua nhà, công trình xây dựng có sẵn không áp dụng đối với hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở xã hội.

Việc chuyển nhượng hợp đồng mua bán, thuê mua nhà, công trình xây dựng phải đảm bảo 4 điều kiện. Cụ thể, có hợp đồng mua bán, thuê mua được lập theo quy định; trường hợp các bên đã ký hợp đồng trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành phải có hợp đồng đã ký kết; thuộc diện chưa nộp hồ sơ đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (Giấy chứng nhận); hợp đồng mua bán, thuê mua nhà, công trình xây dựng phải thuộc diện không có tranh chấp, khiếu kiện; nhà, công trình xây dựng thuộc hợp đồng mua bán, thuê mua không thuộc diện bị kê biên, thế chấp để bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp được bên nhận thế chấp đồng ý.

Tiền lương làm căn cứ bồi thường tai nạn lao động

Thông tư 28/2021/TT-BLĐTBXH hướng dẫn Luật An toàn, vệ sinh lao động về chế độ đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có hiệu lực từ ngày 1/3/2022.

Theo đó, tiền lương làm căn cứ thực hiện bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp tai nạn lao động và tiền lương làm căn cứ trả cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc điều trị, phục hồi chức năng theo quy định tại khoản 3 Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động được tính bình quân của 6 tháng liền kề trước khi xảy ra tai nạn lao động hoặc trước khi bị bệnh nghề nghiệp.

Nếu thời gian làm việc, học nghề, tập nghề, thử việc, tập sự không đủ 6 tháng thì tiền lương làm căn cứ thực hiện bồi thường, trợ cấp là tiền lương được tính bình quân của các tháng trước liền kề thời điểm xảy ra tai nạn lao động hoặc thời điểm xác định bị bệnh nghề nghiệp.

Mức tiền lương tháng nêu trên được xác định theo từng đối tượng như sau:

- Đối với cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng quân đội nhân dân, công an nhân dân thì mức tiền lương tháng bao gồm tiền lương cấp bậc, chức vụ và các khoản phụ cấp (nếu có) liên quan đến tiền lương (phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên nghề, phụ cấp thâm niên vượt khung).

- Đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động thì mức tiền lương tháng bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác mà hai bên đã xác định trong hợp đồng lao động.

- Đối với người học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động có mức lương học nghề, tập nghề thì mức lương tháng là tiền lương học nghề, tập nghề do hai bên thỏa thuận; trong trường hợp không có mức lương học nghề, tập nghề thì tiền lương làm căn cứ bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động là mức lương tối thiểu do Chính phủ công bố tại địa điểm người học nghề, tập nghề làm việc.

- Đối với công chức, viên chức trong thời gian tập sự thì mức lương tháng là tiền lương tập sự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

- Đối với người lao động đang trong thời gian thử việc thì mức lương tháng là tiền lương thử việc do hai bên thỏa thuận theo quy định của Bộ luật Lao động áp dụng.

Tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất khẩu trang, găng tay y tế

Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 03/2022/TT-BCT ngày 28/1/2022 quy định về việc tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất mặt hàng khẩu trang y tế, găng tay y tế và bộ trang phục phòng, chống dịch.

Theo đó, các mã hàng khẩu trang y tế tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất gồm: Mã hàng 6307.90.40; mã hàng 6307.90.90.

Các mã hàng găng tay y tế tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất gồm: Mã hàng 3926.20.90;  mã hàng 4015.11.00; mã hàng 4015.19.00.

Bộ trang phục phòng chống dịch (gồm quần áo, kính, khẩu trang y tế, mũ bảo hộ, găng tay, giày) mã hàng 6210.10.90 cũng tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất.

Đối với những lô hàng khẩu trang y tế, găng tay y tế, bộ trang phục phòng chống dịch đã làm thủ tục hải quan tạm nhập từ ngày 01/01/2022 đến trước ngày 15/3/2022 được tiếp tục thực hiện tái xuất theo quy định tại Nghị định 69/2018/NĐ-CP của Chính phủ.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/3/2022 đến ngày 31/12/2022.

Bổ sung quy định phòng, chống thiên tai lĩnh vực đường bộ

Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư 43/2021/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 03/2019/TT-BGTVT ngày 11/1/2019 quy định về công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai trong lĩnh vực đường bộ. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/3/2022.

Thông tư bổ sung Điều 9a về công bố quyết định tình huống khẩn cấp và kết thúc tình huống khẩn cấp về thiên tai vào sau Điều 9 (chỉ đạo, chỉ huy ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn).

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định công bố và kết thúc tình huống khẩn cấp về thiên tai đối với hệ thống quốc lộ và đường bộ cao tốc; Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn hoặc cơ quan chuyên môn trực thuộc Bộ Giao thông vận tải tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai.

Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định công bố và kết thúc tình huống khẩn cấp về thiên tai đối với các hệ thống đường bộ địa phương; Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh hoặc cơ quan chuyên môn về giao thông đường bộ của UBND cấp tỉnh tham mưu cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai.

Nội dung quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai bao gồm: Thời điểm bắt đầu, diễn biến, phạm vi ảnh hưởng của thiên tai hoặc sự cố; hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ do ảnh hưởng của thiên tai; mức độ hư hỏng đối với công trình; thiệt hại hoặc nguy cơ gây thiệt hại có thể xảy ra; các biện pháp khẩn cấp cần áp dụng ngay để ứng phó và khắc phục hậu quả nhằm ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai hoặc sự cố công trình gây ra; phân công trách nhiệm cho các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện ứng phó và khắc phục hậu quả.

Căn cứ diễn biến thiên tai hoặc kết quả khắc phục sự cố, cơ quan tham mưu trình người có thẩm quyền ban hành quyết định công bố kết thúc tình huống khẩn cấp về thiên tai.

Bên cạnh đó, Thông tư cũng bổ sung Điều 11a xây dựng công trình khẩn cấp khắc phục hậu quả thiên tai vào sau Điều 11 (hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai). Cụ thể, xây dựng công trình khẩn cấp nhằm kịp thời khắc phục hậu quả thiên tai, từng bước bảo đảm giao thông đường bộ an toàn, thông suốt. Xây dựng công trình khẩn cấp phải được thực hiện bằng Lệnh xây dựng công trình khẩn cấp của cấp có thẩm quyền.

Lệnh xây dựng công trình khẩn cấp có các nội dung chính như mục đích xây dựng, địa điểm xây dựng; người được giao quản lý thực hiện xây dựng công trình; thực hiện xây dựng công trình khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm giao thông.

Người được giao quản lý, thực hiện xây dựng công trình được tự quyết định toàn bộ công việc trong hoạt động xây dựng công trình khẩn cấp.

Quy định Hệ thống chỉ tiêu thống kê logistics

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư số 12/2021/TT-BKHĐT ngày 31/12/2021 quy định Hệ thống chỉ tiêu thống kê logistics. Theo Thông tư, Hệ thống chỉ tiêu thống kê logistics là tập hợp các chỉ tiêu thống kê phản ánh các đặc điểm của hoạt động logistics, chi phí logistics trong nền kinh tế quốc gia và các dịch vụ logistics thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam.

Dịch vụ logistics là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hóa theo thỏa thuận với khách hàng để hưởng thù lao.

Hệ thống chỉ tiêu thống kê logistics gồm danh mục 63 chỉ tiêu thống kê logistics quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư, trong đó có: 13 chỉ tiêu thống kê logistics kết cấu hạ tầng; 6 chỉ tiêu thống kê logistics phương tiện vận tải; 6 chỉ tiêu thống kê logistics đào tạo nguồn nhân lực; 7 chỉ tiêu thống kê logistics doanh nghiệp, lao động; 13 chỉ tiêu thống kê logistics thương mại, dịch vụ; 3 chỉ tiêu thống kê logistics ứng dụng công nghệ thông tin trong thủ tục hành chính; 5 chỉ tiêu thống kê logistics thời gian, chi phí logistics; 10 chỉ tiêu thống kê logistics năng lực và chất lượng dịch vụ logistics. Nội dung chỉ tiêu thống kê logistics quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thu thập, tổng hợp thông tin thống kê đối với các chỉ tiêu thống kê logistics được phân công, bảo đảm cung cấp số liệu thống kê chính xác, đầy đủ, kịp thời và đáp ứng yêu cầu so sánh quốc tế.

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và Thủ trưởng các cơ quan có liên quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình căn cứ vào Hệ thống chỉ tiêu thống kê logistics thực hiện lồng ghép, thu thập, tổng hợp những chỉ tiêu được phân công, cung cấp cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) để tổng hợp, biên soạn.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ 1/3/2022.