Nhiều cơ hội đang mở ra cho xuất khẩu sang Nga
Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam - Nga có nhiều thuận lợi, cơ hội cho hợp tác kinh tế - thương mại. Các doanh nghiệp cần chủ động, thường xuyên thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, tận dụng các ưu đãi của Hiệp định thương mại tự do với Liên minh Kinh tế Á – Âu…

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 2 tháng đầu năm 2025, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Liên bang Nga đạt 737,4 triệu USD, giảm 2% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, xuất khẩu đạt 346,7 triệu USD, giảm 2%; nhập khẩu đạt 390,7 triệu USD, giảm 2%. Thâm hụt thương mại với Liên bang Nga đạt khoảng 44 triệu USD.
NÚT THẮT VẬN TẢI ĐƯỢC THÁO GỠ
Trong 2 tháng đầu năm 2025, hàng thủy sản đã vượt qua giai đoạn giảm mạnh hồi tháng 1 và đạt 29,4 triệu USD, tăng trưởng dương 0,8%; chè đạt 2,1 triệu USD (tăng 33,5%); gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 843 ngàn USD (tăng gần 60%); giày dép các loại đạt 2,06 triệu USD (tăng hơn 304%)…
Đáng chú ý, nhiều mặt hàng trong nhóm nông sản, nông sản nguyên liệu vẫn tiếp tục hưởng lợi từ việc tăng giá toàn cầu, nên dù khối lượng xuất khẩu giảm nhưng giá trị giảm ít hơn, có trường hợp còn tăng. Điển hình như hạt điều giảm 52,6% về khối lượng nhưng giá trị giảm 36%; cao su giảm 32,7% về khối lượng và giảm 9,6% về giá trị; hạt tiêu giảm 16,2% về khối lượng nhưng tăng 53% về giá trị; cà phê giảm 24,8% về khối lượng nhưng tăng 32% về giá trị.
Theo Phòng Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga, trong bối cảnh hiện nay Việt Nam - Nga có nhiều thuận lợi, cơ hội cho hợp tác kinh tế - thương mại.
Cụ thể, Việt Nam và Nga là hai nền kinh tế mang tính bổ trợ cho nhau. Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm của Nga để phục vụ sản xuất và tiêu dùng (than đá, kim loại, phân bón, xăng dầu, khí hóa lỏng, thiết bị máy móc, thực phẩm, thủy sản, gỗ…). Trong khi đó, Nga nhập khẩu từ Việt Nam các sản phẩm nông sản nhiệt đới, thủy sản, thực phẩm, đồ uống, hàng dệt may, giày, hàng điện tử, thiết bị máy móc, hàng tiêu dùng…
Mặc dù có tăng trưởng khá cao trong năm 2024, nhưng kim ngạch thương mại Việt Nam - Nga năm 2024 vẫn còn thấp hơn mức 5,5 tỷ USD đạt được vào năm 2021 và chiếm tỷ trọng rất khiêm tốn trong tổng kim ngạch ngoại thương của cả hai nước (chiếm 0,6% của Việt Nam và khoảng 0,8% của Nga). Tiềm năng và cơ hội xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Nga còn rất lớn.
Không chỉ vậy, các khó khăn gây trở ngại lớn cho thương mại song phương trong thời gian gần đây như vận tải, thanh toán, việc đi lại của thương nhân đã và đang được tích cực tháo gỡ. Hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang Nga có thể sử dụng tuyến vận tải biển trực tiếp Vladivostok - Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh với thời gian vận chuyển khoảng 8-11 ngày; hoặc tuyến đường sắt liên vận quốc tế từ Việt Nam qua Trung Quốc, Kazakhstan tới Matxcơva với thời gian khoảng 35-40 ngày.
Về thanh toán, các doanh nghiệp hai nước có thể sử dụng đồng rúp và tiền đồng Việt Nam để thanh toán trong thương mại song phương khá thuận lợi. Bên cạnh đó, việc Liên bang Nga cấp visa điện tử với thời hạn lưu trú tại Nga 15 ngày cho công dân Việt Nam cũng tạo thuận lợi cho việc đi lại của các thương nhân…
Hơn nữa, Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu, mà Nga là thành viên, đã ký Hiệp định thương mại tự do vào năm 2015. Hiệp định này đã có hiệu lực từ tháng 10 năm 2016. Đến nay, phần lớn các mặt hàng xuất nhập khẩu giữa hai nước được hưởng mức thuế nhập khẩu 0% hoặc ở mức rất thấp. Các doanh nghiệp hai nước cần tích cực sử dụng những điều kiện thuận lợi mà Hiệp định mang lại để thúc đẩy thương mại, đầu tư song phương.
XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI TRỰC TIẾP LÀ BIỆN PHÁP HIỆU QUẢ
Tại buổi làm việc với ông Gennady Bezdetko, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga tại Việt Nam ngày 8/4, ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương, đề nghị phía Nga tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường Nga, góp phần tạo sự cân bằng trong trao đổi thương mại nông sản giữa hai nước.
Nhằm nâng cao kim ngạch xuất khẩu, Phòng Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga, cho rằng việc tham dự hội chợ triển lãm là biện pháp xúc tiến thương mại rất hiệu quả. Tìm hiểu thị trường, tìm kiếm khách hàng tại thị trường Nga các doanh nghiệp nên trực tiếp tham dự (trưng bày sản phẩm) hoặc tham quan các triển lãm chuyên ngành lớn của Nga. Các doanh nghiệp chủ động cử cán bộ sang Nga tìm hiểu nghiên cứu thị trường, tìm kiếm, làm việc với khách hàng.
Nghiên cứu có biện pháp khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp tự chủ động tiến hành hoạt động xúc tiến thương mại. Khuyến khích, hỗ trợ các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại (khoảng 5-10 doanh nghiệp) tham dự các triển lãm chuyên ngành tại Nga, cụ thể như may mặc, đồ gỗ, hàng tiêu dùng, thực phẩm, đồ uống, cà phê, chè, công nghiệp cơ khí chế tạo.
Để xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Nga một cách ổn định, tránh xảy ra tranh chấp liên quan tới chất lượng, các doanh nghiệp Việt Nam cần nghiên cứu kỹ, đảm bảo tuân thủ đúng các quy định của nước sở tại về chất lượng, bao bì, nhãn mác... đối với các sản phẩm của mình. Cần đăng ký bảo hộ thương hiệu, nhãn hiệu tại Nga để bảo vệ thương hiệu tránh xảy ra các rủi ro pháp lý trong quá trình kinh doanh tại thị trường.
Đối với các doanh nghiệp lớn, có kinh nghiệm làm ăn tại thị trường Nga, có sản phẩm với lợi thế cạnh tranh của Việt Nam như cà phê, trái cây, chè, hạt tiêu… Phòng Thương vụ cho rằng nên xem xét tận dụng các ưu đãi của Hiệp định thương mại tự do với Liên minh Kinh tế Á - Âu, cũng như các ưu đãi đầu tư của Nga để đầu tư sản xuất tại thị trường.
Nga là thị trường lớn, đa dạng và nhiều cạnh tranh, và là cửa ngõ để hàng hóa Việt Nam tiến vào thị trường các quốc gia CIS (Cộng đồng các quốc gia độc lập), Liên minh kinh tế Á – Âu. Để đứng vững và phát triển thị phần cho sản phẩm của mình tại đây, doanh nghiệp cần phải thiết lập chiến lược phát triển thương hiệu một cách bài bản và có kế hoạch triển khai cụ thể.
Các doanh nghiệp cần chủ động thường xuyên thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, tham gia hội chợ, triển lãm, đặc biệt, cần mạnh dạn mở văn phòng đại diện hoặc thành lập công ty tại Nga, cử cán bộ sang làm việc tại Nga để cập nhật tình hình, xu hướng thị trường cũng như thói quen mua sắm, tiêu dùng của người dân, nhằm có được sự hiểu biết sâu về thị trường bản địa, phục vụ cho việc phát triển kinh doanh tại Nga.