09:00 15/05/2013

“Nhiều đánh giá của Chính phủ còn rất lạc quan”

Mai Minh

Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế: “Cần có giải pháp tích cực, thực chất hơn để thực sự đưa được vốn vào nền kinh tế”

Ông Mai Xuân Hùng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
Ông Mai Xuân Hùng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
“Cần có giải pháp tích cực, thực chất hơn để thực sự đưa được vốn vào nền kinh tế, chứ không chỉ là những công bố rầm rộ nay giảm lãi suất, mai giảm lãi suất nhưng doanh nghiệp vẫn không thể  tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ hơn để phục hồi sản xuất kinh doanh”, ông Mai Xuân Hùng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nêu quan điểm.

Với 11/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, khi đánh giá lại tình hình kinh tế - xã hội năm 2012, Chính phủ tái khẳng định là một năm khá thành công. Xin cho biết quan điểm của ông?

Tôi cho rằng muốn nhận định có phải là thành công hay không, thì phải xem xét không chỉ ở số lượng chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch mà còn ở cả những chỉ tiêu không đạt. Nhưng trước hết, khi đánh giá ở ngay chỉ tiêu mà Chính phủ cho rằng là đạt và vượt kế hoạch là chỉ số giá tiêu dùng thì cũng khó lạc quan.

Tôi đồng ý rằng chỉ số giá thị trường năm 2012 cơ bản được ổn định, lạm phát được kiềm chế, nhưng CPI tháng 12/2012 ở mức tăng 6,81% so với cùng kỳ năm 2011, thấp hơn so với số đã báo cáo trước Quốc hội hồi tháng 10 năm ngoái là khoảng 8% và thấp hơn nhiều so với mức tăng của năm 2010 là 11,75%, năm 2011 là 18,13%...

CPI đột ngột xuống thấp như vậy không chỉ phản ánh sự bất thường mà nó còn là nguyên nhân khiến cả nền kinh tế trong không khí trì trệ và tăng trưởng không thể có đà phục hồi. Kết quả là trong 4 chỉ tiêu không đạt có chỉ tiêu GDP.

“Nhiều đánh giá của Chính phủ còn rất lạc quan” 1Nếu diễn biến lãi suất “tuyệt vời” như vậy, thì tại sao dư nợ tín dụng với nền kinh tế đến cuối năm 2012 chỉ tăng 8,91% so với tháng 12/2011, thấp hơn nhiều so với trung bình các năm trước, kể cả so với mục tiêu đề ra cho năm 2012 là tăng khoảng 15-17%?
Ông Mai Xuân Hùng

Trong 5 tháng đầu năm 2013, tình hình CPI vẫn xu hướng xuống thấp như vậy và rõ ràng đây không phải là tín hiệu đáng mừng cho khả năng phục hồi GDP.

Bên cạnh đó, việc đánh giá về điều hành chính sách cũng được nhìn nhận khá hoàn hảo, như Chính phủ cho rằng chính sách tiền tệ được điều hành chặt chẽ, linh hoạt, kết hợp hài hòa với chính sách tài khóa... Tuy nhiên, khi đọc các nhận định như lãi suất tín dụng giảm phù hợp với diễn biến lạm phát, tình hình kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ, góp phần giảm chi phí vay vốn của doanh nghiệp..., tôi cảm thấy chưa hợp lý lắm.

Nếu diễn biến lãi suất “tuyệt vời” như vậy, thì tại sao dư nợ tín dụng với nền kinh tế đến cuối năm 2012 chỉ tăng 8,91% so với tháng 12/2011, thấp hơn nhiều so với trung bình các năm trước, kể cả so với mục tiêu đề ra cho năm 2012 là tăng khoảng 15-17%?

Thậm chí sang năm 2013, tăng trưởng dư nợ tín dụng 3 tháng đầu năm chỉ đạt 0,03% và đạt 1,4% trong 4 tháng đầu năm.

Nếu chính sách tiền tệ hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp như đánh giá của Chính phủ thì tại sao nền kinh tế chưa thể ấm lên, số doanh nghiệp phá sản, giải thể vẫn không ngừng gia tăng? Số lượng doanh nghiệp giải thể, phá sản, ngừng hoạt động đến 31/12/2012 là 54.261 doanh nghiệp; cả nước có tới 69% số doanh nghiệp báo lỗ.

Riêng Hà Nội năm 2012 có khoảng 46.000 doanh nghiệp trong tổng số khoảng 90.000 doanh nghiệp báo lỗ khoảng 47.000 tỷ đồng... Tình hình cũng chưa khả quan hơn trong năm 2013 khi trong 3 tháng đầu năm, số lượng doanh nghiệp thành lập mới là 15,7 nghìn doanh nghiệp, giảm 6,8% về số lượng và giảm 16,1% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ.

Xét về quy mô đăng ký vốn, mức vốn bình quân trên mỗi doanh nghiệp đăng ký cũng giảm 10% so với cùng kỳ, chỉ còn 5,05 tỷ đồng/doanh nghiệp và giảm 19% so với quý 4/2012 (6,24 tỷ đồng/doanh nghiệp).

Trong khi đó số doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể là 15,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 14,6% so với quý 1/2012.

Như vậy là dường như Chính phủ đánh giá tình hình thiên về xu hướng lạc quan nhiều hơn là nhìn thẳng vào tình hình thực tế, thưa ông?

Đúng là như vậy.

Tôi cho rằng nhiều đánh giá của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội còn rất lạc quan và dường như xa rời thực tế. Thêm một ví dụ nữa là về nợ xấu, sau 3 tháng đầu năm 2013, nợ xấu giảm hơn 3%.

Với tốc độ như vậy thì chỉ cần qua hai quý nữa là hết nợ xấu, cần gì phải thành lập công ty xử lý nợ xấu. Rồi đánh giá hoạt động quản lý và kinh doanh vàng miếng có sự thay đổi căn bản, bước đầu hạn chế tình trạng đầu cơ, buôn lậu vàng là các yếu tố thường xuyên ảnh hưởng đến thị trường vàng, ngoại hối những năm trước đây...

“Nhiều đánh giá của Chính phủ còn rất lạc quan” 2Phải có giải pháp tích cực, thực chất hơn để thực sự đưa được vốn  vào nền kinh tế, chứ không chỉ là những công bố rầm rộ nay giảm lãi suất, mai giảm lãi suất, nhưng doanh nghiệp vẫn không thể nào tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ hơn để phục hồi sản xuất kinh doanh. Ông Mai Xuân Hùng

Nếu thực sự tình hình là tích cực như vậy, thì có lẽ dư luận không phải ồn ào đến như vậy về thị trường vàng.

Hay trong việc đánh giá về tình hình triển khai đề án tổng thể về tái cơ cấu nền kinh tế. Chính phủ có xác định năm 2013 tiếp tục triển khai nhiệm vụ này, tất cả các bộ ngành, doanh nghiệp phải cùng vào cuộc...

Theo tôi được biết thì phần lớn các tỉnh không có chuyển động gì đáng kể cho công việc này. Còn Chính phủ mới chỉ ban hành các văn bản nhiều hơn là bắt tay vào làm thực sự...

Nền kinh tế năm 2013 đang đứng trước quá nhiều thách thức. Những thách thức cần được đặc biệt quan tâm để ưu tiên tháo gỡ lúc này theo ông là gì?


Khi chúng tôi thực hiện báo cáo thẩm tra về tình hình kinh tế xã hội, đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng sau một thời gian dài lãi suất ở mức cao, nhiều doanh nghiệp đã ngừng sản xuất, giải thể, phá sản; một bộ phận lớn doanh nghiệp đang nỗ lực vượt qua thời điểm khó khăn nhưng không thể kéo dài tình trạng này hơn nữa.

Vì vậy, phải có giải pháp tích cực, thực chất hơn để thực sự đưa được vốn  vào nền kinh tế, chứ không chỉ là những công bố rầm rộ nay giảm lãi suất, mai giảm lãi suất, nhưng doanh nghiệp vẫn không thể nào tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ hơn để phục hồi sản xuất kinh doanh.

(Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam)