20:13 30/08/2024

Nhiều địa phương chưa có chính sách riêng cho phát triển công nghiệp hỗ trợ

Vũ Khuê

Chưa nhiều địa phương chủ động xây dựng, ban hành thực thi các chính sách riêng để thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ. Tiềm năng lợi thế của từng địa phương, từng vùng kinh tế chưa được khai thác hết…

Nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đang từng bước gia nhập chuỗi cung ứng với tư cách là nhà cung ứng cấp 2, cấp 3.
Nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đang từng bước gia nhập chuỗi cung ứng với tư cách là nhà cung ứng cấp 2, cấp 3.

Bộ Công Thương cho biết thời gian qua, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã tham gia khá sâu vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia.

Đơn cử như Bắc Ninh hiện có khoảng 500 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tham gia chuỗi cung ứng, chiếm 10,1% số doanh nghiệp chế biến, chế tạo. Chủ yếu phục vụ các lĩnh vực lắp ráp sản phẩm điện tử, cơ khí, thực phẩm, đồ uống công nghệ cao.

Hay tại Hải Phòng, trong tổng số 28,9 tỷ USD vốn FDI vào Thành phố, có hơn 50% vốn được tập trung cho lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ như: sản xuất điện tử, điện thoại, máy tính… 22,3% số vốn cho công nghiệp chế tạo ô tô, xe máy, máy móc, thiết bị dụng cụ, phụ tùng…

Cùng với đó, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước cũng đang từng bước gia nhập chuỗi cung ứng với tư cách là nhà cung ứng cấp 2, cấp 3, dần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển năng lực khoa học công nghệ… để đảm bảo chất lượng sản phẩm tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

CÁC CHÍNH SÁCH CÒN THỤ ĐỘNG

Bộ Công Thương đánh giá, kết quả có được một phần nhờ mô hình hợp tác phát triển công nghiệp hỗ trợ giữa Trung ương, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp đầu tàu. Tuy nhiên, đánh giá một cách thẳng thắn, đến nay, các địa phương vẫn còn khá thụ động trong triển khai thực hiện chính sách phát triển công nghiệp nói chung và công nghiệp hỗ trợ nói riêng. Vai trò này vẫn chưa được phát huy đúng mức.

Chưa nhiều địa phương chủ động xây dựng, ban hành thực thi các chính sách riêng để thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ. Tiềm năng lợi thế của từng địa phương, từng vùng kinh tế chưa được khai thác hết. Sự hợp tác và liên kết giữa các vùng kinh tế trong phát triển công nghiệp còn lỏng lẻo từ quy hoạch đến thu hút đầu tư và phân bổ nguồn lực.

Việc xây dựng và thực hiện các chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ riêng biệt, đặc biệt là công tác bố trí nguồn lực, thu hút đầu tư vào lĩnh vực này còn hạn chế. Trong khi đó, phần lớn doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam lại là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoạt động của doanh nghiệp gắn chặt với địa phương.

Tại toạ đàm “Tạo lực hút cho công nghiệp hỗ trợ: Vai trò từ địa phương”, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) chia sẻ, bộ máy làm phát triển công nghiệp tại các địa phương hiện nay chưa được coi trọng, số lượng còn rất mỏng. Chính vì vậy, việc theo dõi sát sao để có những đề xuất chính sách cho lãnh đạo cấp trên cũng rất hạn chế.

Bên cạnh đó, theo ông Tuấn Anh, cái khó của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ là vấn đề về vốn, tín dụng. Chúng ta đều biết, doanh nghiệp nhỏ và rất nhỏ gần như họ không có kế hoạch sản xuất, mà chủ yếu phụ thuộc vào đặt hàng từ những đơn vị sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh. Chính vì vậy, tài sản của doanh nghiệp cũng không lớn, dẫn đến khi đi vay vốn các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ rất vất vả, tài sản không có, kế hoạch sản xuất kinh doanh không có… Như vậy, các ngân hàng đương nhiên sẽ có những khó khăn trong quá trình cho vay tín dụng.

Ông Lê Khắc Bảo, Phó trưởng Phòng Quản lý công nghiệp, Sở Công Thương Thành phố Hải Phòng chia sẻ, khó khăn chính của doanh nghiệp khi tham gia vào chuỗi giá trị của các tập đoàn lớn đầu tiên là khả năng tài chính của các doanh nghiệp còn hạn chế.

Bên cạnh đó, công nghệ, thiết bị, công tác quản trị doanh nghiệp của các doanh nghiệp còn hạn chế. Thực tế các doanh nghiệp quy mô còn rất nhỏ, về cơ bản chưa làm chủ được máy móc, thiết bị để có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn mà các doanh nghiệp lớn yêu cầu, nên rất khó  tham gia được vào chuỗi.

Ngoài ra, chất lượng của đội ngũ lãnh đạo, nhân sự, lao động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn yếu. Mặt bằng để sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố cũng còn thiếu.

Dưới góc độ doanh nghiệp ngành nhôm, ông Dương Minh Hải, Giám đốc Sản xuất Công ty Cổ phần Công nghiệp KIMSEN, cho biết hầu hết nguyên liệu trong ngành đều phải nhập khẩu, chúng ta chưa chủ động được nguồn nguyên liệu trong nước. Điều này gây ra hạn chế trong quá trình doanh nghiệp nghiên cứu thử nghiệm, thay đổi thành phần kim loại để đạt được chất lượng mong muốn.  

XÂY DỰNG CÁC CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP HỖ TRỢ TẠI ĐỊA PHƯƠNG

Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nhất là về vốn vay, ông Tuấn Anh thông tin, trong các chính sách mà Bộ Công Thương đề xuất tại Nghị định sửa đổi Nghị định số 111/2015/NĐ-CP cũng như tại Luật Phát triển công nghiệp (mới gần đây nhất đã đổi tên thành Luật Sản xuất các sản phẩm công trọng điểm), Bộ cũng đưa ra những chính sách liên quan đến tạo lập thị trường, đến xây dựng các cụm liên kết ngành; cũng như các chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp như vấn đề tín dụng,…

Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để tạo hành lang pháp lý cho ngành công nghiệp nói chung cũng như công nghiệp hỗ trợ tiếp tục phát triển.

Bên cạnh đó, tiếp tục phối hợp với các địa phương trong việc xây dựng các chính sách tại địa phương để làm sao hỗ trợ được trực tiếp cho các doanh nghiệp. Xây dựng các cơ chế để trong quá trình chúng ta thu hút đầu tư phải có những ràng buộc với các doanh nghiệp nước ngoài trong phát triển tỉ lệ nội địa hóa.

Về các kiến nghị đối với địa phương, ông Tuấn Anh cho biết từ năm 2022 đến nay, Bộ đã làm việc với 15 địa phương và nhận thấy bộ phận làm phát triển công nghiệp ở địa phương rất mỏng, vì thế kiến nghị các địa phương cần xem xét bố trí bổ sung các nhân sự để triển khai công việc này.

Mặt khác, các địa phương cần có những chính sách để khi các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào địa phương của mình thì phải có những ràng buộc trong phát triển các doanh nghiệp nội địa.

“Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương để xây dựng các chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ tại địa phương cũng như hoàn thiện các chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ của Trung ương… để các chính sách ngày càng hỗ trợ các doanh nghiệp một cách trực tiếp và thiết thực hơn trong thời gian tới”, ông Tuấn Anh nhấn mạnh.

Ông Bảo đề xuất Bộ Công Thương hỗ trợ địa phương nghiên cứu thành lập một trung tâm phát triển công nghiệp hoặc công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Thành phố Hải Phòng. Đồng thời tham mưu cho Hải Phòng một số cơ chế chính sách cho các cụm liên kết ngành, cho phát triển công nghiệp hỗ trợ. Ngoài ra, có thêm một số chính sách hỗ trợ về việc đào tạo, thu hút và trọng dụng nguồn nhân lực công nghiệp cho Thành phố.