16:15 31/07/2023

Nhiều khó khăn “bủa vây” doanh nghiệp Bình Dương

Song Hoàng

UBND tỉnh Bình Dương kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng mở rộng, đa dạng sản phẩm dịch vụ ngân hàng, triển khai các chính sách hỗ trợ lãi suất, đơn giản hóa thủ tục cho vay nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn vay hỗ trợ...

Thiếu đơn hàng khiến hàng loạt doanh nghiệp tại Bình Dương gặp khó khăn (ảnh minh họa)
Thiếu đơn hàng khiến hàng loạt doanh nghiệp tại Bình Dương gặp khó khăn (ảnh minh họa)

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị vừa chủ trì cuộc họp trực tuyến với tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, An Giang nhằm nắm bắt tình hình, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất, nhập khẩu tại các địa phương.

Theo báo cáo từ phía UBND tỉnh Bình Dương, tính đến ngày 15/7/2023, Bình Dương đã thu hút 52.472 tỷ vốn đăng ký kinh doanh trong nước (tăng 16,5% so với cùng kỳ), gồm 3.441 doanh nghiệp đăng ký mới (26.940,7 tỷ), 957 doanh nghiệp điều chỉnh tăng vốn (30.643,5 tỷ); có 55 doanh nghiệp giảm vốn (2.350,3 tỷ) và 366 doanh nghiệp giải thể (2.761,7 tỷ). Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 62.848 doanh nghiệp trong nước với tổng vốn đăng ký 683.000 tỷ.

Đầu tư nước ngoài thu hút được 976,9 triệu đô la Mỹ (giảm 61% so với cùng kỳ), gồm 53 dự án mới (370 triệu đô la Mỹ), 20 dự án điều chỉnh tăng vốn (71,5 triệu đô la Mỹ), 71 doanh nghiệp góp vốn (545,4 triệu đô la Mỹ), có 02 dự án giảm vốn (10 triệu đô la Mỹ). Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 4.131 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 40 tỷ đô la Mỹ.

Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 2,65% so với cùng kỳ năm 2022 (cùng kỳ tăng 8,35%); trong đó, công nghiệp khai khoáng giảm 2,2%; công nghiệp chế biến tăng 2,8%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt giảm 4,5%; cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải tăng 2,2%.

Tình hình xuất, nhập khẩu của Bình Dương tiếp tục gặp nhiều khó khăn; các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, các thị trường xuất khẩu chính tiếp tục giảm nhu cầu. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 15 tỷ 108 triệu đô la Mỹ, giảm 17,4% so với cùng kỳ năm 2022; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 10 tỷ 785 triệu đô la Mỹ, giảm 14,7% so với cùng kỳ.

UBND tỉnh Bình Dương cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, UBND tỉnh đã tổ chức được 06 cuộc họp để tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Đồng thời, thông qua Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh đã tiếp nhận hơn 170 phản ánh, kiến nghị của các doanh nghiệp.

Đối với các phản ánh, kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các cơ quan để giải quyết và có văn bản gửi đến các doanh nghiệp. Đối với các nội dung không thuộc thẩm quyền, UBND đang tổng hợp để kiến nghị Trung ương và các Bộ, ngành có liên quan.

Nêu các khó khăn, vướng mắc về chính sách tín dụng, theo đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương, lãi suất vay vốn hiện nay đang từng bước giảm nhưng việc tiếp cận nguồn vốn vay của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn như vay tín chấp trên phương án/dự án phụ thuộc vào xếp hạng tín dụng của từng doanh nghiệp, trong khi đó, doanh nghiệp chưa có được phương án kinh doanh tốt do chưa có đơn hàng xuất khẩu…

Trước tình hình trên, UBND tỉnh Bình Dương kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng mở rộng, đa dạng sản phẩm dịch vụ ngân hàng, triển khai các chính sách hỗ trợ lãi suất, đơn giản hóa thủ tục cho vay nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn vay hỗ trợ.

Chính phủ và các Bộ, ngành tổ chức thêm nhiều chương trình thương mại, kết nối các đơn vị quốc tế tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận và tìm kiếm nguồn khách hàng; tăng cường nguồn vốn thực hiện hỗ trợ về khuyến công như hỗ trợ chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Nêu khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, đại diện Sở Kế hoạch đầu tư Bình Dương cho biết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Dương có nhiều dự án đầu tư (khu công nghiệp, khu nhà ở, khu đô thị…) sau khi được phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng, chủ đầu tư không kịp thời thực hiện thủ tục xin điều chỉnh diện tích, vị trí, mục đích sử dụng đất… dẫn đến khó khăn trong việc xác định nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp liên quan đến đất đai.

Do đó, kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc xác định nghĩa vụ tài chính và cho ý kiến về thời điểm xác định giá đất cụ thể là thời điểm UBND tỉnh ban hành quyết định điều chỉnh diện tích, vị trí, mục đích sử dụng đất để bảo đảm thống nhất trong việc thu tiền sử dụng đất, thuê đất đối với các trường hợp phải điều chỉnh diện tích, vị trí, mục đích sử dụng đất do thay đổi quy hoạch xây dựng chi tiết.

Tại cuộc họp, đại diện các bộ ngành đã trả lời cụ thể đối với các kiến nghị của Bình Dương và các địa phương liên quan đến sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất, nhập khẩu.