09:28 22/07/2025

Nhiều khu dân cư miền núi Thanh Hoá, Nghệ An được sơ tán khẩn

Nguyễn Thuấn

Trước diễn biến phức tạp của bão số 3, một số địa phương ở Thanh Hóa và Nghệ An đã chủ động triển khai phương án di dời khẩn cấp người dân khỏi các khu vực có nguy cơ sạt lở cao. Công tác ứng phó được tiến hành đồng bộ, thần tốc và nhận được sự đồng thuận cao từ nhân dân...

Khu vực dựng lán tạm cho người dân bản Muỗng, xã Trung Hạ (Thanh Hoá).
Khu vực dựng lán tạm cho người dân bản Muỗng, xã Trung Hạ (Thanh Hoá).

Tại tỉnh Thanh Hoá, ông Hà Xuân Thành – Bí thư Đảng ủy xã Trung Hạ cho biết, chính quyền địa phương đã tổ chức di dời khẩn cấp toàn bộ 39 hộ dân với 168 nhân khẩu tại bản Muỗng đến khu vực an toàn, nhằm chủ động ứng phó với ảnh hưởng của cơn bão số 3.

Bản Muỗng nằm dọc các triền đồi thấp ven sông Lò, nơi từng xuất hiện nhiều vết nứt, sụt lún sau bão số 4 vào cuối tháng 9/2024. Đây là khu vực đã được Chủ tịch UBND tỉnh công bố tình huống khẩn cấp về phòng chống thiên tai từ đầu tháng 10 năm ngoái.

Trước nguy cơ mưa lớn từ hoàn lưu bão số 3 có thể gây sạt lở nghiêm trọng, ngày 20/7, chính quyền xã Trung Hạ đã tổ chức họp dân, thông báo tình hình thời tiết và thống nhất phương án di dời toàn bộ người dân đến nơi an toàn. Đến sáng 21/7, các lực lượng công an, quân sự, dân quân đã phối hợp dựng lán tạm tại một khu đất cao ráo gần bản, đồng thời khẩn trương đưa người dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở.

Các lực lượng tại chỗ của xã Trung Hạ hỗ trợ xây dựng lán tạm phục vụ di dời khẩn cấp người dân bản Muỗng.
Các lực lượng tại chỗ của xã Trung Hạ hỗ trợ xây dựng lán tạm phục vụ di dời khẩn cấp người dân bản Muỗng.

“Nhờ sự đồng thuận và phối hợp chặt chẽ của bà con, đến 16h ngày 21/7, toàn bộ 39 hộ dân đã được di dời an toàn. Xã cũng đã chuẩn bị đầy đủ điện, nước sinh hoạt, lương thực, thực phẩm để đảm bảo cuộc sống tạm thời cho bà con trong những ngày tới,” ông Hà Xuân Thành thông tin.

Ngoài ra, Trung Hạ đã phân công lực lượng ứng trực 24/24 tại khu vực tái định cư tạm thời để hỗ trợ kịp thời khi có tình huống phát sinh, đồng thời tăng cường kiểm tra khu vực bản cũ đề phòng sạt lở xảy ra bất ngờ.

Tại tỉnh Nghệ An, trong chiều cùng ngày 21/7, chính quyền xã Nhôn Mai cũng đã tổ chức di dời toàn bộ các hộ dân thuộc nhóm dân cư số 1, bản Xói Voi – khu vực nằm gần mái dốc taluy dương núi Phà Mạt đến nơi ở tạm để đảm bảo an toàn tính mạng.

Sau trận lũ quét vào cuối tháng 5/2024, địa hình tại khu vực này đã xuất hiện các vết nứt kéo dài khoảng 500m, rộng trung bình từ 0,6 đến 1,15m. Một số vị trí còn ghi nhận độ sụt lún địa hình từ 1,05 đến 1,5m so với mặt đất tự nhiên, cho thấy nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào, đặc biệt trong điều kiện mưa lớn kéo dài hiện nay.

Người dân tích cực hợp tác thực hiện theo sự sắp xếp bố trí của chính quyền địa phương.
Người dân tích cực hợp tác thực hiện theo sự sắp xếp bố trí của chính quyền địa phương.

“Từ đêm 19/7 đến nay, địa bàn liên tục có mưa to đến rất to. Trước diễn biến nguy hiểm, chúng tôi đã quyết định di dời các hộ dân khỏi khu vực xung yếu đến nhà văn hóa bản Xói Voi, nơi đã được chuẩn bị sẵn nơi ăn ở và nhu yếu phẩm,” ông Lê Hồng Thái – Chủ tịch UBND xã Nhôn Mai cho biết.

Cùng với đó, lực lượng dân quân xã và cán bộ Đồn Biên phòng Nhôn Mai đã hỗ trợ dựng lán, vận chuyển vật dụng thiết yếu và đảm bảo đời sống sinh hoạt tạm thời cho người dân sau khi di dời. Lãnh đạo xã cũng đã trực tiếp có mặt động viên, hỗ trợ người dân ổn định tinh thần trong hoàn cảnh bất ngờ phải rời khỏi nhà cửa.

Cán bộ xã và các lực lượng chức năng xã Nhôn Mai thăm động viên, hỗ trợ một số nhu yếu phẩm ban đầu cho người dân
Cán bộ xã và các lực lượng chức năng xã Nhôn Mai thăm động viên, hỗ trợ một số nhu yếu phẩm ban đầu cho người dân

Đây là giải pháp ứng phó trước mắt trong tình huống thời tiết phức tạp. Về lâu dài, xã đã có văn bản kiến nghị các cơ quan chức năng sớm xem xét phương án tái định cư lâu dài cho các hộ dân thuộc nhóm dân cư số 1 để đảm bảo an toàn bền vững.

Cũng trong chiều 21/7, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An đã phát đi thông báo hỏa tốc số 115, cảnh báo nguy cơ rất cao về lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại khu vực trung du và miền núi; đồng thời cảnh báo ngập lụt tại các vùng trũng thấp do mưa lớn kéo dài.

Ban chỉ huy yêu cầu các địa phương khẩn trương rà soát, đánh giá mức độ an toàn tại các khu dân cư ven sông, suối, triền núi; lên phương án sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Đặc biệt nhấn mạnh các khu vực từng bị ảnh hưởng bởi thiên tai trước đây cần được theo dõi sát sao.

Lực lượng chức năng tại các xã, phường được yêu cầu tổ chức trực ban 24/24, chuẩn bị đầy đủ phương tiện, nhân lực, nhu yếu phẩm theo phương châm “bốn tại chỗ”; đồng thời kiểm soát chặt các điểm có nguy cơ ngập sâu, nước chảy xiết để hướng dẫn người dân, đảm bảo an toàn giao thông và tính mạng.

Thông báo cũng nêu rõ: Nghiêm cấm người dân đánh bắt cá, vớt củi hoặc di chuyển vào các khu vực đang ngập lụt, sạt lở nhằm tránh những sự cố đáng tiếc trong thời gian ảnh hưởng của bão số 3. Các địa phương được yêu cầu tiếp tục cập nhật tình hình thời tiết, chủ động phương án bảo vệ người dân và tài sản.