Nhiều kỳ vọng cho đô thị sáng tạo
Với vai trò là đầu tàu kinh tế, đóng góp 30% GDP, chiếm 50% lực lượng doanh nghiệp của cả nước, Tp.HCM kỳ vọng sẽ tiên phong kiến tạo đô thị sáng tạo, tạo tác động lan tỏa cho cả nước
Tp.HCM đang hướng đến mô hình đô thị thông minh với việc chọn khu Đông để xây dựng đô thị đổi mới sáng tạo. Đề án này kỳ vọng làm nền tảng lan tỏa cho cả vùng, dựa vào các trụ cột quan trọng hiện nay như khu đô thị mới Thủ Thiêm, Đại học Quốc gia và khu công nghệ cao Tp.HCM. Khu vực này được quy hoạch và xây dựng các trung tâm, hạ tầng phù hợp với việc phát triển đô thị thông minh, với đổi mới sáng tạo.
Với vị trí đặc biệt về địa lý, kinh tế xã hội, Tp.HCM đã và đang giữ vai trò đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Vậy phát triển thành phố như thế nào để tạo đà cùng cả nước tiến nhanh và hội nhập toàn cầu là vấn đề đang được lãnh đạo thành phố đặc biệt quan tâm.
Không chỉ là đầu tàu kinh tế, Tp.HCM còn là một trong những trung tâm văn hóa, giáo dục và khoa học công nghệ lớn của Việt Nam. Đây là một thành phố trẻ, năng động với hơn 10 triệu dân và trong hơn 20 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, Tp.HCM đã đạt được những thành tựu nhất định về phát triển kinh tế xã hội; hàng năm đóng góp 1/3 GDP, 1/3 giá trị sản lượng công nghiệp, 30% tổng thu ngân sách, 30% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu và thu hút lượng lớn vốn FDI cho cả nước.
Trong thời gian tới, mục tiêu của thành phố là phát triển nhanh, bền vững; nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh gắn với tái cấu trúc kinh tế theo chiều sâu, chất lượng, hiệu quả; bảo đảm môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho doanh nghiệp; khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; xây dựng thành phố thông minh, khu đô thị sáng tạo.
Cùng góp ý tưởng xây dựng đô thị sáng tạo
Với vai trò đó, cùng định hướng phát triển trong thời gian tới theo ý kiến chỉ đạo của UBND Tp.HCM, Hiệp hội Doanh nghiệp Tp.HCM (HUBA) phối hợp với Sở Ngoại vụ Tp.HCM tổ chức "Diễn đàn Kinh tế Tp.HCM năm 2018" (HEF 2018).
Đây là sự kiện lần đầu tiên được chính quyền Tp.HCM tổ chức nhằm giới thiệu với các nhà đầu tư về kế hoạch xây dựng khu vực phía Đông thành phố theo xu hướng đô thị sáng tạo.
Bên cạnh đó cũng là dịp để thành phố tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước và quốc tế về kế hoạch này và về các biện pháp nhằm tăng cường sự gắn kết, tương tác giữa doanh nghiệp - viện nghiên cứu - chính quyền trong quá trình xây dựng đô thị sáng tạo.
Diễn đàn HEF dự kiến sẽ được tổ chức thường kỳ, mỗi kỳ một chủ đề khác nhau và sẽ được thiết kế phù hợp nhất để phục vụ nhu cầu và định hướng của thành phố. Dự kiến, có khoảng 600 chuyên gia, các nhà khoa học, trí thức, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia sự kiện này.
Diễn đàn sẽ trao đổi và chia sẻ các nội dung chính như cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và xu hướng phát triển đô thị sáng tạo; Xu hướng, các mô hình, vai trò, tác động của các đô thị sáng tạo đối với việc tăng tốc phát triển kinh tế xã hội theo hướng phát triển nhanh và bền vững; Giới thiệu chủ trương xây dựng khu vực phía Đông thành phố theo hướng đô thị sáng tạo; Vai trò của doanh nghiệp trong quá trình kiến tạo đô thị sáng tạo, đề xuất các giải pháp thúc đẩy, tạo động lực cho hoạt động đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp Tp.HCM.
Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Tp.HCM, Phó trưởng ban thường trực Ban tổ chức, nhấn mạnh: Lãnh đạo thành phố đã xác định phải huy động nguồn lực toàn xã hội tham gia đóng góp giúp thành phố phát triển bền vững. Các nguồn lực tài nguyên thiên nhiên thu hẹp, nguồn nhân lực trí tuệ con người chính là tài nguyên lớn giúp thành phố phát triển bền vững. Do đó lãnh đạo quyết định tổ chức diễn đàn để tập hợp chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp thành đạt để cùng chung tay giúp thành phố đạt mục tiêu trên.
Theo bà Phạm Trần Thanh Thảo, Trợ lý giám đốc Sở Ngoại vụ Tp.HCM, Phó trưởng ban tổ chức, thông qua diễn đàn này, Lãnh đạo thành phố mong muốn lắng nghe những ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước và đến từ các quốc gia: Hoa Kỳ, Phần Lan, Nhật Bản (thành phố khoa học Tsukuba), Dubai Internet City (UAE), Hàn Quốc, Singapore, Israel, các định chế tài chính như World Bank, IMF, IFC… về kế hoạch của thành phố trong việc xây dựng và định hướng phát triển khu vực phía Đông theo mô hình đô thị sáng tạo. Qua đó, góp phần triển khai nhiệm vụ ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế cho thành phố.
Xây dựng đô thị sáng tạo về hướng Đông
Thực tế, khái niệm "Đô thị sáng tạo" ra đời khi lãnh đạo Tp.HCM đi tham quan, làm việc tại nhiều nơi trên thế giới để lấy ý tưởng, mô thức xây dựng đô thị phát triển bền vững. Xây dựng đô thị sáng tạo là xây dựng một thành phố đáng sống với nhân sự chất lượng cao, ở đó liên tục có sự đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp cũng liên tục đổi mới sáng sáng tạo.
Với chủ trương đó, lãnh đạo Tp.HCM đã đề xuất gộp 3 quận gồm 2, 9, Thủ Đức để phát triển đô thị sáng tạo về hướng Đông. Khu vực này có điều kiện thuận lợi về giao thông kỹ thuật, động lực phát triển đô thị, tăng trưởng kinh tế.
Đây là nơi tập hợp các trung tâm và hạ tầng cho đổi mới sáng tạo, như viện trường, phòng thí nghiệm, các trung tâm mô phỏng công nghiệp 4.0, trung tâm khởi nghiệp như Đại học Quốc gia, khu công nghiệp và khu đô thị mới Thủ Thiêm. Đây cũng là khu vực được xác định là đô thị hiện đại phù hợp với xu thế phát triển thành phố thông minh chứ không phải dồn nén khai thác quỹ đất. Và hiện thành phố đang tổ chức cuộc thi ý tưởng về quy hoạch kiến trúc để xây dựng đô thị sáng tạo dựa trên nền tảng là khu vực phía Đông thành phố.
Theo Bí thư Thành ủy Tp.HCM Nguyễn Thiện Nhân, việc hình thành đô thị sáng tạo này dựa trên các ý tưởng: xây dựng một khu vực phát triển đô thị công nghệ cao và thông minh trọng điểm của Tp.HCM, toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước; thúc đẩy sự phát triển kinh tế của Tp.HCM và toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam dựa trên mũi nhọn là nền kinh tế tri thức.
Với vai trò là đầu tàu kinh tế, đóng góp 30% GDP, chiếm 50% lực lượng doanh nghiệp của cả nước, Tp.HCM kỳ vọng sẽ tiên phong kiến tạo đô thị sáng tạo, tạo tác động lan tỏa cho cả nước. Để làm được điều này, rất cần sự đóng góp về vốn và kinh nghiệm của các doanh nghiệp, chuyên gia trong và ngoài nước.
"Trong một thập kỷ tới, Tp.HCM mong muốn tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, duy trì mức đóng góp 30% GDP ngân sách quốc gia; trở thành hạt nhân của cách mạng công nghiệp 4.0 ở Việt Nam, triển khai đề án Tp.HCM trở thành đô thị thông minh…", ông Nhân nhấn mạnh.