13:39 31/03/2022

Nhiều môi giới bất động sản tham lợi làm nhiễu loạn thị trường

Thanh Xuân

Theo ông Phạm Lâm, Nhà sáng lập DKRA Vietnam và hệ sinh thái Houze, qua khảo sát ở thị trường sơ cấp và thứ cấp từng ghi nhận hơn 100.000 giao dịch/năm. Đáng chú ý, có nhiều địa phương một tháng thực hiện vài nghìn giao dịch. Điều này minh chứng vai trò và ảnh hưởng của môi giới bất động sản tới thị trường bất động sản là không hề nhỏ…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Mới đây, Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) đã phối hợp với các đơn vị tổ chức tọa đàm “Vai trò nhà môi giới bất động sản trong xu thế mới”.

TẦM ẢNH HƯỞNG KHÔNG HỀ NHỎ

Tại tọa đàm, hầu hết các chuyên gia và nhà đầu tư đều cho rằng: môi giới bất động sản là bộ phận rất quan trọng, góp phần thúc đẩy sản phẩm nhà ở đến tay người dân. Tuy nhiên thực tế cũng có nhiều môi giới vì tham lợi trước mắt đã làm nhiễu loạn thị trường.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Quang, Giám đốc khối kinh doanh - tiếp thị thuộc Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long nhấn mạnh: 5 năm trở lại đây, thị trường hình thành các công ty, sàn môi giới quá dễ dàng, gây những hệ lụy xấu cho thị trường. Nếu như môi giới là F1 đã làm rất tốt thì thường đến môi giới F2 mọi chuyện đã trở nên khác. F2 không quan tâm đến bảo vệ thương hiệu chủ đầu tư, chỉ làm cho xong rồi thu tiền. Họ quên hẳn trách nhiệm với chủ đầu tư, trách nhiệm với khách hàng.

Với tình hình trên, Giám đốc khối kinh doanh - tiếp thị thuộc Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long đưa ra câu hỏi: trong số những người hoạt động môi giới bất động sản thì có bao nhiêu người có chứng chỉ Môi giới do các cơ quan chức năng cấp, trải qua quá trình đào tạo chuyên môn nghiệp vụ một cách bài bản, chuyên nghiệp?

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) bổ sung: giai đoạn 2020 - 2021, dù kinh tế gặp khó khăn do khủng hoảng của dịch bệnh Covid-19 nhưng thị trường bất động sản vẫn nóng, giá cả liên tục thay đổi. Đặc biệt gần đây, giá đất đai lại tiếp tục nhảy múa, tăng vọt. Mà một phần nguyên nhân là do những nhà môi giới không chuyên, thậm chí do cả môi giới chuyên nghiệp “bắt tay” tạo sóng giả, tạo lợi ích cá nhân, đơn vị mà không mang lại lợi ích phục vụ kinh tế tỉnh, vùng đó. Điều này sẽ tạo ra một thị trường bất động sản thiếu lành mạnh.

QUẢN LÝ CHẶT CÁ NHÂN HÀNH NGHỀ 

Ông Đính cho rằng, thị trường bất động sản rất có ý nghĩa đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, và cũng là thị trường chịu nhiều ảnh hưởng từ các quyết sách kinh tế vĩ mô của chính phủ, xu hướng đầu tư, tiêu dùng của người dân. Để thị trường bất động sản vận hành an toàn và minh bạch, trước hết cần quản lý chặt chẽ hơn nữa những cá nhân hành nghề môi giới bất động sản chính thức tại các sàn giao dịch bất động sản. Đây là lực lượng vô cùng quan trọng, đóng góp vào sự minh bạch, hiệu quả của thị trường bất động sản nên cần được đưa vào nề nếp.

 "Hiện nay tại một số địa phương còn hàng trăm cá nhân có nhu cầu được đào tạo và thi sát hạch, cấp chứng chỉ hành nghề, tuy nhiên không thể tổ chức tại địa phương vì nhiều lý do, thì đề nghị các cơ quan chức năng xem xét “lỗ hổng” này để giúp người môi giới có điều kiện hành nghề đúng với các quy định của pháp luật. Hy vọng Việt Nam sẽ sớm có hành lang pháp lý cởi mở, phù hợp với đặc thù kinh doanh của ngành, sao cho những tiêu cực trong nghề môi giới sớm chấm dứt và mỗi nhà môi giới bất động sản đều có thể tự hào với nghề nghiệp và sự đóng góp của mình vào thị trường kinh doanh bất động sản", ông Đính bày tỏ.

Đóng góp thêm ý kiến, ông Trần Minh Hoàng, Phó Tổng thư ký VARS đã dẫn kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển, cho rằng ngoài chứng chỉ môi giới được các cơ quan có thẩm quyền đào tạo và cấp, điều cần thiết nữa là mã số hành nghề của mỗi môi giới. Qua đó, các cơ quan chức năng có thể dễ dàng quản lý Nhà môi giới - bảo vệ khách hàng và nhà đầu tư, lành mạnh hóa thị trường. 

Theo ông Hoàng, nghề môi giới không đơn thuần chỉ giới thiệu, mua bán bất động sản, mà là một ngành kinh doanh trong hệ sinh thái bất động sản với nhiều yêu cầu khắt khe về kiến thức, kinh nghiệm, đạo đức.

Thông tin tại toạ đàm cũng cho biết, Chính phủ đã quy định rõ đối với những hành vi vi phạm trong lĩnh vực môi giới bất động sản. Ví như tại điều 59 Nghị định 16/2022/NĐ-CP “Quy định xử phạt hành chính về xây dựng”  có hiệu lực từ ngày 28/1 vừa qua, sẽ phạt từ 40 – 60 triệu đồng đối với các hành vi kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản độc lập mà không có chứng chỉ hành nghề hoặc chứng chỉ hết thời hạn sử dụng theo quy định;

Tẩy xóa, sửa chữa chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản làm sai lệch nội dung chứng chỉ; Cho mượn, cho thuê hoặc thuê, mượn chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản để thực hiện các hoạt động liên quan đến môi giới bất động sản; Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản đồng thời vừa là nhà môi giới vừa là một bên thực hiện hợp đồng trong một giao dịch kinh doanh bất động sản.

Đặc biệt, phạt từ 120 – 160 triệu đồng nếu kinh doanh dịch vụ bất động sản mà không thành lập doanh nghiệp theo quy định hoặc không đủ số người có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản theo quy định hoặc chứng chỉ hành nghề hết thời hạn sử dụng theo quy định; Hợp đồng kinh doanh dịch vụ bất động sản không được lập thành văn bản hoặc không đầy đủ các nội dung chính theo quy định...