06:07 08/02/2015

“Nhiều người đã lợi dụng chính sách tạm hoãn nhập ngũ”

Mỹ Anh

Còn nhiều quan điểm khác nhau về quy định tạm hoãn gọi nhập ngũ với học viên, sinh viên

Quang cảnh lễ giao quân tại một địa phương. Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng 5/2015 - Ảnh: VOV.<br>
Quang cảnh lễ giao quân tại một địa phương. Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng 5/2015 - Ảnh: VOV.<br>
Luật Nghĩa vụ quân sự hiện hành quy định đối tượng tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với sinh viên là quá rộng, nhiều người đã lợi dụng chính sách này để có được giấy xác nhận đang học tại các trường để được tạm hoãn.

Với nhận xét này, tại báo cáo tiếp thu, giải trình dự án Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) vừa được gửi xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiên trì đề nghị Quốc hội thống nhất chủ trương thu hẹp diện tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời bình.

Một trong số diện được tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời bình tại dự thảo luật được Chính phủ trình là công dân đang học tại trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học; đang học chương trình đào tạo đại học thuộc hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục đại học trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Qua nhiều vòng thảo luận vẫn có ba loại ý kiến về quy định này.

Loại thứ nhất đồng tình với dự thảo luật. Loại thứ hai đề nghị quy định tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với sinh viên, học viên như quy định của luật hiện hành. Còn loại ý kiến thứ ba là không quy định tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với sinh viên, học viên.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, theo loại ý kiến thứ hai thì đối tượng tạm hoãn quá rộng, chiếm khoảng gần 50% số thanh niên nam trong độ tuổi sẵn sàng nhập ngũ.

Như  vậy sẽ không khắc phục được những vướng mắc, bất cập hiện nay về cơ cấu, chất lượng, thành phần công dân gọi nhập ngũ, không tuyển chọn được những người có trình độ học vấn cao, có tay nghề vào phục vụ tại ngũ. Mặt khác nhiều công dân lợi dụng chính sách tạm hoãn để trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ.

Còn nếu thực hiện theo loại ý kiến thứ ba tuy bảo đảm được công bằng trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhưng do hàng năm số lượng gọi thanh niên nhập ngũ quá ít so với số thanh niên trong độ tuổi sẵn sàng nhập ngũ (khoảng 6%) nên dễ phát sinh tiêu cực trong quá trình tuyển chọn đối với sinh viên, học viên với số lượng ngày càng tăng như hiện nay.

Với những phân tích này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiên trì quan điểm cần thu hẹp diện tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời bình.

Theo đó, dự thảo luật mới nhất quy định chỉ công dân đang học tại cơ sở giáo dục phổ thông; đang đào tạo trình độ đại học hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục đại học trong hệ thống giáo dục quốc dân của một khóa đào tạo mới được tạm hoãn chứ không phải cứ là sinh viên là được tạm hoãn.

Đồng thời dự thảo luật cũng bỏ đối tượng tạm hoãn là công dân đang nghiên cứu công trình khoa học cấp Nhà nước.

Có hai đối tượng được bổ sung vào diện tạm hoãn gọi nhập ngũ là người có anh, chị hoặc em ruột là hạ sĩ quan, chiến sĩ đang thực hiện nghĩa vụ tham gia công an nhân dân. Và, người thuộc diện di dân, dãn dân trong ba năm đầu đến các xã đặc biệt khó khăn theo dự án phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước do ủy ban nhân dân cấp tỉnh trở lên quyết định.

Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng 5/2015.