21:10 03/10/2022

Nhiều văn bản quy định, hướng dẫn chưa được ban hành kịp thời

Đỗ Như

Chiều 3/10, tại Nhà Quốc hội, Thường trực Hội đồng Dân tộc tổ chức phiên họp mở rộng để thẩm tra “Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1: từ năm 2021 đến năm 2025, năm 2022”...

Thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh ghi nhận đầy đủ ý kiến của các đại biểu, tiếp thu, giải trình một số nội dung đại biểu quan tâm xoay quanh Báo cáo của Chính phủ.
Thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh ghi nhận đầy đủ ý kiến của các đại biểu, tiếp thu, giải trình một số nội dung đại biểu quan tâm xoay quanh Báo cáo của Chính phủ.

Thẩm tra sơ bộ báo cáo trên, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Đinh Thị Phương Lan cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành, địa phương đã rất nỗ lực trong việc xây dựng và ban hành các văn bản để quy định, hướng dẫn và tổ chức thực hiện các nội dung về cơ chế, chính sách và hướng dân tổ chức triển khai thực hiện Chương trình.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành ban hành 55 văn bản, các địa phương (50 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành 176 văn bản. Đây là một số lượng lớn văn bản pháp lý đã được ban hành trong thời gian vừa qua để quy định, hướng dẫn thực hiện một Chương trình có quy mô lớn và tính đặc thù cao, một chương trình có tính chất tích hợp tổng hoà của hơn 100 chính sách.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Đinh Thị Phương Lan 
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Đinh Thị Phương Lan 

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Đinh Thị Phương Lan cho rằng, Báo cáo chỉ nêu số lượng văn bản cũng như liệt kê các văn bản ban hành về cơ chế, chính sách phục vụ triển khai Chương trình mà chưa đánh giá các văn bản được ban hành đã đầy đủ và bảo đảm tính khả thi, đáp ứng yêu cầu thực tiễn hay chưa. Đồng thời hiện nay một số Bộ, ngành, địa phương vẫn chưa nghiêm túc thực hiện đúng nhiệm vụ cụ thể được giao tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021, theo đó vẫn chưa hoàn thành một số văn bản hướng dẫn, thực hiện các dự án, tiểu dự án và các nội dung chính sách của Chương trình.

Cụ thể, đối với Trung ương, qua báo cáo của Chính phủ đánh giá hiện nay còn 6 dự thảo văn bản hướng dẫn thực hiện dự án, tiểu dự án của 04 Bộ, ngành chưa hoàn thiện ban hành. Tuy nhiên, Hội đồng Dân tộc thấy rằng: Còn khoảng trên 7 văn bản quy định, hướng dẫn chưa được ban hành, đặc biệt trong đó Dự án 7, hoàn toàn chưa có văn bản hướng dẫn; có 8 bộ, ngành liên quan chưa xây dựng ban hành.

Hội đồng Dân tộc cho rằng việc chưa ban hành các văn bản hướng dẫn đó sẽ làm ảnh hưởng đến tính đồng bộ trong thực hiện cơ chế chính sách hướng dẫn tổ chức thực hiện Chương trình, dẫn đến việc địa phương gặp nhiều lúng túng trong tổ chức triển khai thực hiện cũng như việc hoàn thành các mục tiêu.

Do đó, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Đinh Thị Phương Lan đề nghị Chính phủ bổ sung đánh giá, nhận định về vấn đề này, phân tích cụ thể nguyên nhân chủ quan, khách quan và vai trò, trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc chậm, chưa ban hành, việc chậm này làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện của các địa phương như nào?

Đối với địa phương, Hội đồng Dân tộc cho rằng, báo cáo còn chung chung chưa thể hiện đầy đủ được nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện ban hành các văn bản pháp lý ở địa phương, báo cáo chưa phản ánh được các nội dung: có bao nhiêu địa phương đã hoàn thiện ban hành các văn bản pháp lý bảo đảm cho việc khởi động triển khai Chương trình; có bao nhiêu địa phương chưa, chậm ban hành văn bản. Do đó, Hội đồng Dân tộc đề nghị Chính phủ báo cáo, làm rõ nội dung này để đánh giá được tính đồng bộ, kịp thời trong việc ban hành văn bản ở địa phương, làm rõ trách nhiệm của những địa phương chưa, chậm thực hiện.

Về việc ban hành văn bản hướng dẫn, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai đề nghị làm rõ nguyên nhân các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần được các bộ, cơ quan Trung ương chủ trì quản lý thực hiện chậm ban hành văn bản hướng dẫn. Hiện vẫn còn 6 dự thảo văn bản hướng dẫn thực hiện như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai đặt ra vấn đề: Tại sao và nguyên nhân gì mà văn bản hướng dẫn các dự án, tiểu dự án có nội dung thành phần bị chậm như vậy? Đồng thời băn khoăn việc các văn bản hướng dẫn ban hành chậm thì có gây khó khăn cho các địa phương khi triển khai thực hiện hay không? Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai đề nghị Chính phủ đánh giá rõ hơn.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, Ủy ban Dân tộc sẽ đánh giá tác động việc thành lập Văn phòng Điều phối có phù hợp hay không.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, Ủy ban Dân tộc sẽ đánh giá tác động việc thành lập Văn phòng Điều phối có phù hợp hay không.

Về việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp huyện và Văn phòng Điều phối của Chương trình, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai đề nghị Chính phủ báo cáo thêm và đánh giá về nội dung này. Vì tỉ lệ thành lập thấp thì sẽ khó khăn gì trong quá trình thực hiện, và việc chưa thành lập các Ban Chỉ đạo cấp huyện và Văn phòng Điều phối của Chương trình có ảnh hưởng gì đến quá trình triển khai sắp tới.

Về thể chế, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hộ Lò Thị Việt Hà cho rằng, các địa phương đã kịp thời triển khai Chương trình, tuy nhiên các văn bản hướng dẫn còn quá nhiều, các văn bản trung ương ban hành còn chậm, một số nội dung của Thông tư chưa cụ thể, rõ ràng, chưa có quy định cụ thể về hỗ trợ định mức nhà ở, đất sản xuất cho các hộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chưa có hướng dẫn các nội dung về thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng…

Ngoài việc hoàn thiện các văn bản hướng dẫn nêu trên, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội Lò Thị Việt Hà đề nghị bổ sung một nội dung trong Dự án 8 là: bố trí nguồn vốn bổ sung cho Quỹ hỗ trợ phát triển phụ nữ để phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có thể tiếp cận vốn vay, tăng thu nhập và giảm nghèo bền vững.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ để bổ sung thông tin, số liệu đầy đủ để Báo cáo của Chính phủ chặt chẽ hơn, rõ ràng hơn. Đồng thời Ủy ban Dân tộc sẽ đánh giá tác động việc thành lập Văn phòng Điều phối có phù hợp hay không.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm đề nghị cần chỉ rõ trách nhiệm, khâu nào, bộ phận nào, cái gì vướng mắc, báo cáo của Chính phủ chưa thực sự chỉ ra rõ ràng. Cho rằng việc chấp hành của các bộ ngành, địa phương chưa thật sư quyết liệt, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm đề nghị Chính phủ cần quan tâm công tác chỉ đạo, rà soát, đánh giá văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình này cần có báo cáo kèm theo số liệu, nên đánh giá rõ hơn chất lượng, xây dựng các giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Đồng thời đề nghị Chính phủ chỉ đạo việc sơ kết đánh giá việc triển khai thực hiện Chương trình, trên cơ sở đó rút ra những bài học kinh nghiệm, có những giải pháp bảo đảm cho việc thực hiện các mục tiêu của Chương trình như đã đề ra. Đồng thời bổ sung Phụ lục văn bản để Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc có thông tin cụ thể hơn, cũng như cần đánh giá kỹ hơn cơ chế lồng ghép chính sách.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm đề nghị Ủy ban Dân tộc sớm hoàn thiện Báo cáo để Hội đồng Dân tộc có cơ sở báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào Phiên họp tới.