14:34 11/01/2008

Nhờ WTO: Lo lắng hơn, tự tin hơn

WTO tạo ra áp lực, tạo ra thách thức cũng như cơ hội để chúng ta lo lắng hơn, tự tin hơn, động não hơn, hành động nhiều hơn

Sự kiện Việt Nam gia nhập WTO đã thổi một luồng gió mới.
Sự kiện Việt Nam gia nhập WTO đã thổi một luồng gió mới.
1. Đầu năm 2007, tại một khóa học do Tiến sĩ luật Nguyễn Vân Nam, Việt kiều ở Đức chủ trì, học viên hầu hết là lãnh đạo, cán bộ quản lý ở các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực từ sản xuất tấm lợp đến làm dịch vụ quảng cáo, phân phối, thương mại…

Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Dược phẩm Imexpharm, bà Nguyễn Thị Đào, không chỉ đi học một mình mà còn kéo theo trên chục cán bộ chủ chốt của công ty tham dự. Cô gái trẻ Pang Mỹ Linh, Giám đốc Công ty Kelly Pang, một doanh nghiệp chuyên về đào tạo nghề làm móng tay, cũng kiên trì đeo bám suốt ba ngày của khóa học.

Họ học gì? Duy nhất chỉ có một môn, đó là môn “Luật chơi WTO”. Người tổ chức lớp học lý giải: “Biết “sân chơi WTO”, hiểu “luật chơi WTO”, cạnh tranh trăm trận trăm thắng”.

2. Tại một bữa ăn trưa với luật sư Nguyễn Hữu Phước, Trưởng Văn phòng Luật sư P&P, anh cho biết sắp phải xa Tp.HCM một thời gian để sang Anh học cao học luật. “Khách hàng đang nhiều quá trời, học làm gì nữa?”.

Không trả lời thẳng, Phước chỉ tủm tỉm: “Hiện nay, người giàu đang ngày càng nhiều. Họ có nhiều tiền, nhiều tài sản nhưng không có thời gian hoặc điều kiện để quản lý tài sản. Ví dụ, một tỉ phú chết đi để lại tài sản kếch xù cho đứa con của mình. Tuy nhiên, ông tỉ phú này không muốn giao thẳng tài sản cho nó vì không tin con, sợ nó phá tán hết. Ở các nước, người ta sẽ nhờ đến dịch vụ quản lý tài sản. Nghề này, ở Việt Nam chưa có. Vậy tại sao mình không học để làm?”.

Buổi chiều tới nhà Luật sư Đặng Dũng, Trưởng Văn phòng luật sư Đặng Dũng & Ninh Hòa. Suốt cả buổi, chỉ nghe ông say sưa nói về một đề án đang ấp ủ. Ông mơ đến ngày nào đó sẽ mở ra loại hình dịch vụ pháp lý trả trước, có khả năng cung cấp đại trà cho tất cả người dân ở các địa phương trong cả nước. “Thời này là thời của luật sư!”, ông nhắc đi nhắc lại.

3. Khách sạn Sheraton Sài Gòn vào một ngày thượng tuần tháng 11/2007. Trong căn phòng họp khiêm tốn, xung quanh dãy bàn kê theo lối hình chữ nhật có hai mươi hai cái đầu cùng hướng vào nhau. Họ thảo luận, bàn cãi điều gì đó, lúc thì đăm chiêu, suy nghĩ, lúc thì hào hứng, sôi nổi.

“Đầu năm 2007, ngay sau khi gia nhập WTO, Việt Nam đã trải qua cơn sốt khốc liệt về nhân lực ở hai đầu cầu Hà Nội và Tp.HCM. Với đà này, cơn sốt sẽ còn tiếp tục lan rộng ra các địa phương khác trong nay mai. Mà như các bạn đã thấy, rủi ro về nhân lực là rủi ro của mọi rủi ro…”.

Người vừa phát biểu là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Sacombank Đặng Văn Thành. Ngồi kế ông là Đặng Lê Nguyên Vũ (Chủ tịch Trung Nguyên Group); Võ Quốc Thắng (Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Gạch Đồng Tâm); Lý Quý Trung (Tổng giám đốc Phở 24); Cao Tiến Vị (Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Giấy Sài Gòn); Tiến sĩ Lê Đăng Doanh…, toàn những gương mặt quen thuộc trong giới kinh doanh.

Họ là một trong hai mươi hai doanh nhân và nhà trí thức tâm huyết đang chuẩn bị khai sinh một dự án giáo dục phi lợi nhuận có tên gọi “Phát triển hạt giống lãnh đạo doanh nghiệp”.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị PACE Giản Tư Trung đọc bản điều lệ: “Dự án này khởi đầu cho khát vọng: xác lập một vị trí trên bản đồ giáo dục toàn cầu trong lĩnh vực phát triển các thế hệ lãnh đạo doanh nghiệp với tầm nhìn xa. Dự án sẽ góp phần phát triển một thế hệ lãnh đạo mới của các doanh nghiệp, có khả năng dẫn dắt doanh nghiệp của mình đua tranh mạnh mẽ trong việc giải quyết những vấn đề của thế giới…”.

Tổng giám đốc Công ty Cáp điện Tân Cường Thành, ông Trương Vĩ Kiến, người vốn ít nói, đề nghị đưa ra slogan “Dự án vì thế hệ lãnh đạo doanh nghiệp kế tiếp”.

Cuối buổi họp, lại thêm một đề nghị: mỗi thành viên sáng lập góp tạm 500 triệu đồng để dự án có thể được triển khai vào đầu năm tới. Số tiền tài trợ 10 tỉ đồng nhanh chóng được thông qua.

Có thể nói, sự kiện Việt Nam gia nhập WTO đã thổi một luồng gió mới. Nếu làm một phép tính, trong năm rồi có lẽ từ “WTO” xuất hiện nhiều nhất trên các phương tiện truyền thông cũng như trong suy nghĩ, giao tiếp của mọi người.

WTO tạo ra áp lực, tạo ra thách thức cũng như cơ hội để chúng ta lo lắng hơn, tự tin hơn, động não hơn, hành động nhiều hơn và biết “mơ” về những dự án lớn hơn cho tương lai.