Nhóm chứng khoán bùng nổ nhờ "hưởng lộc" từ cổ phiếu ngân hàng và thép?
Sau ngân hàng và thép, đến lượt cổ phiếu của nhóm công ty chứng khoán thể hiện phong độ nổi bật...
Phiên giao dịch sáng 21/5, nhóm chứng khoán tiếp đà bật lên với mức tăng 1,62% dẫn đầu đà tăng trưởng của các nhóm ngành trong VN-Index. Trong đó, cổ phiếu SSI của Công ty CP Chứng khoán SSI đang neo ở đỉnh cao nhất kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán năm 2007. Phiên giao dịch sáng 21/5, thị giá của SSI ở mức 39.500 đồng tăng 26% từ đầu tháng và tăng 46% kể từ đầu năm thanh khoản tốt hơn với hơn 8 triệu cổ phiếu được khớp lệnh mỗi phiên.
VCI của Chứng khoán Bản Việt cũng tăng 2,3% so với phiên giao dịch hôm qua, đạt 75.600 đồng/cổ phiếu; gấp đôi thị giá kể từ đầu năm. Tương tự, VND của VnDirect cũng được mua bán ở mức giá 44.900 đồng/cổ phiếu, gấp đôi so với thời điểm tháng 2. Nhiều cổ phiếu của các công ty chứng khoán khác cũng bứt phá như SHS; FTS; BSI; AGR; CTS; EVS; TVS…
Đà tăng của mỗi công ty chứng khoán tất nhiên được hỗ trợ bởi những câu chuyện khác nhau của từng doanh nghiệp nhưng tựu chung lại đều phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư vào thời kỳ hoàng kim của công ty chứng khoán sắp đến nhờ hưởng lợi lớn từ: Phí giao dịch, lượng tài khoản mở mới, nghiệp vụ tự doanh, cho vay margin, nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.
Yếu tố đầu tiên ảnh hưởng đáng kể đến diễn biến giá cổ phiếu nhóm chứng khoán chính là nhờ thu nhập tự doanh được đánh giá duy trì ở mức tích cực. VNIndex giao dịch trong biên độ 1.200 +- 15% là cơ hội để các công ty chứng khoán tăng thu nhập đặc biệt trong bối cảnh khắc phục tình trạng nghẽn lệnh, thanh khoản mỗi phiên được đếm bằng tỷ đô.
Thống kê của VnEconomy cho thấy, nếu vẫn giữ nguyên danh mục tự doanh như đã công bố hồi cuối quý 1 các công ty chứng khoán sẽ kiếm đậm nhờ sở hữu những mã cổ phiếu quốc dân như HPG, MWG, FPT hay nhóm ngân hàng như MBB, VPB… Đây đều là những mã cổ phiếu làm mưa làm gió VNIndex những ngày vừa qua.
Thanh khoản thị trường năm 2021 tiếp tục được hỗ trợ bởi môi trường lãi suất thấp trong nửa đầu năm cùng với kinh tế phục hồi trên diện rộng trong nửa sau của năm. Các nhà đầu tư cá nhân tiếp tục là động lực chính của thị trường trong khi khối ngoại xả liên tục từ đầu năm. Số liệu mới nhất từ Trung tâm Lưu ký cho biết trong tháng 4/2021, nhà đầu tư cá nhân trong nước đã mở thêm 109.998 tài khoản mới, là tháng thứ hai đạt ngưỡng trên 100 ngàn tài khoản. Các công ty chứng khoán vì thế sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh thu nhập phí môi giới chứng khoán nhờ những trận đánh tỷ đô trên sàn Việt.
Bên cạnh đó, nhờ thanh khoản cải thiện và tỷ lệ thâm nhập thị trường gia tăng, dư nợ cho vay margin sẽ tiếp tục tăng trong năm 2021. Theo thống kê của VnEconomy, hơn 30 công ty chứng khoán trên thị trường tính đến 31/3/2021 đã cho nhà đầu tư vay hơn 110.000 tỷ đồng, đây được xem là mức kỷ lục cho vay margin của chứng khoán Việt Nam
Những công ty chứng khoán có dư nợ cho vay bao gồm margin và người bán ứng tiền trước tăng mạnh nhất có thể kể đến như Mirae Asset với giá trị 13.893 tỷ đồng tăng 25%; SSI với 11.122 tỷ đồng tăng 20,6% so với quý 1/2020. Nhiều đơn vị khác cũng cho vay margin đạt mức kỷ lục so với thời điểm trước đó như HSC 8.876 tỷ đồng; TCBS với 6.015 tỷ đồng; VPS 6.341 tỷ đồng; VND với 6.536 tỷ đồng…
Để mở rộng hoạt động kinh doanh, mở rộng cho vay ký quỹ, nhiều công ty chứng khoán đã lên kế hoạch tăng vốn thông qua phát hành cổ phần và trái phiếu ra công chúng. Riêng năm công ty chứng khoán niêm yết lớn nhất gồm SSI, VCI, HCM, VND, MBS đang lên kế hoạch tăng vốn trong đó 6,4 nghìn tỷ đồng đến từ phát hành quyền mua cổ phiếu, phát hành riêng lẻ và/hoặc trái phiếu chuyển đổi và 813 tỷ đồng thông qua ESOP.
Quan trọng hơn, các công ty chứng khoán đang đẩy mạnh tham gia vào thị trường tín dụng, mở rộng tín dụng cho các công ty dưới hình thức trái phiếu doanh nghiệp và/hoặc cho vay margin, với các điều khoản linh hoạt hơn so với tín dụng ngân hàng. So với cho vay margin truyền thống, các công ty chứng khoán còn nhiều cơ hội để mở rộng các khoản vay kinh doanh cho doanh nghiệp trên quy mô rộng hơn.
Tất cả những điều này sẽ giúp gia tăng doanh thu và lợi nhuận của công ty chứng khoán trong thời gian tới.
Cuối cùng, yếu tố trung hạn sẽ là việc Việt Nam được nâng hạng thị trường của MSCI và đẩy mạnh giá trị giao dịch trung bình một ngày. Hai quốc gia được nâng hạng gần đây gồm UAE và Qatar thanh khoản gia tăng 50-100% kể từ thời điểm công bố cho đến thời điểm chính thức thăng hạng. Giới chuyên môn cũng kì vọng thanh khoản thị trường Việt Nam cũng diễn ra theo mẫu hình tương tự, tức giá trị giao dịch sẽ tăng thêm ít nhất 50% trong giai đoạn 2021-2023.
Trên thực tế, nhiều công ty chứng khoán đã tham vọng đặt lợi nhuận nghìn tỷ trong năm 2021 như SSI mục tiêu 1.870 tỷ đồng; VCI 1.250 tỷ đồng; TCBS 2.651 tỷ đồng; VND là 1.100 tỷ đồng; HCM 1.203 tỷ đồng. Bên cạnh đó các công ty chứng khoán cũng đặt mục tiêu doanh thu lợi nhuận tăng vọt so với năm 2020...