18:56 30/09/2008

Những câu hỏi quanh một kế hoạch đổ vỡ

Thái Dũng

Với 228 phiếu chống, mỗi hạ nghị sỹ Mỹ đã làm "biến mất" gần 5 tỷ USD trên thị trường chứng khoán, chỉ trong vòng một ngày

Một nhân viên môi giới bên ngoài Sở Giao dịch Chứng khoán New York. Sự thất vọng của giới đầu tư trên Phố Wall đang lan ra toàn thế giới - Ảnh: Reuters.
Một nhân viên môi giới bên ngoài Sở Giao dịch Chứng khoán New York. Sự thất vọng của giới đầu tư trên Phố Wall đang lan ra toàn thế giới - Ảnh: Reuters.
Xung quanh việc Hạ viện Mỹ vừa từ chối thông qua bản kế hoạch "giải cứu" thị trường tài chính của nước này, VnEconomy xin giới thiệu bài viết bình luận với nhiều ý kiến đáng chú ý của bạn đọc Thái Dũng, để độc giả cùng tham khảo.

1. Nước Mỹ thịnh vượng qua hơn 200 năm phát triển là nhờ vào điều gì?


Phải chăng là chủ yếu nhờ vào những tập đoàn xuyên quốc gia, những định chế tài chính hay những doanh nghiệp vừa và nhỏ... - những người thuộc tầng lớp trung lưu và thượng lưu (được gọi là nhóm 1).

2. Ai là những người đóng thuế nhiều nhất cho nước Mỹ?

Phải chăng là những người thất nghiệp hay tầng lớp người dân có mức thu nhập dưới mức trung bình - những người đang nghĩ rằng "mình đang đứng ngoài cuộc khủng hoảng" với suy nghĩ "tại sao phải lấy tiền thuế của dân đi cứu nhóm 1" - (được gọi là nhóm 2).

3. Ngân khố khổng lồ nước Mỹ sử dụng vào mục đích gì?

Phải chăng chỉ để trợ cấp cho những người thất nghiệp, y tế, giáo dục... hay cho các cuộc chiến tranh...

4. Nếu xảy ra một cuộc đại suy thoái kinh tế toàn diện thì ai sẽ chịu thiệt thòi?

Đương nhiên, những cổ đông, những người nắm giữ trái phiếu và các tài sản đảm bảo của những định chế tài chính, tập đoàn, các doanh nghiệp Hoa Kỳ... là những người chịu thiệt thòi đầu tiên. Nhưng vấn đề quan trọng nhất lại là câu hỏi: tiếp sau đó sẽ là ai?

Các doanh nghiệp lần lượt phá sản, nguồn thu thuế của Chính phủ Mỹ sẽ giảm, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, người dân mất nhà cửa...

Vậy phải chăng là những người thất nghiệp hay tầng lớp người dân có mức thu nhập dưới mức trung bình của nước Mỹ (nhóm 2) - những người nghĩ rằng "mình đang đứng ngoài cuộc khủng hoảng" sẽ không bị ảnh hưởng?

5. Hạ viện Mỹ với tập hợp khoảng gần 500 người có quyền bỏ phiếu cho "dự luật 700 tỷ USD", suy cho cùng họ đều là những con người với những suy nghĩ, lợi ích và toan tính chính trị khác nhau.

Ai dám chắc đa số trong gần 500 người đó đều có suy nghĩ "vì lợi ích chung của nước Mỹ"?

Có bao nhiêu người trong số họ có suy nghĩ của những người thuộc nhóm thứ 1?

Có bao người trong họ có - hoặc chịu ảnh hưởng - suy nghĩ của những người thuộc nhóm thứ 2?

Thống kê cho thấy, chỉ trong vòng một ngày, Phố Wall đã "bốc hơi" 1.200 tỷ USD, như vậy có nghĩa với 228 phiếu chống, mỗi hạ nghị sỹ Mỹ đã làm "biến mất" gần 5 tỷ USD trên thị trường chứng khoán, chỉ trong vòng một ngày.

Không biết các hạ nghị sỹ đang nghĩ gì? Phải chăng họ đang cố bảo vệ 700 tỷ USD - một khoản tiền không phải sẽ bị mất hoàn toàn, mà chỉ dùng để mua lại cổ phiếu của các định chế tài chính có nguy cơ mất tính thanh khoản và sẽ bán lại vào thời điểm thích hợp?

Người viết nghĩ rằng với lý do như vậy, sự thất vọng của giới đầu tư trên Phố Wall - và hiện đang lan ra toàn thế giới - là điều hoàn toàn dễ hiểu. Nhiều người đã từng nghĩ: với tình thế hiện nay không có lý do gì "dự luật 700 tỷ USD" không được thông qua, mọi việc đang tiến triển thuận lợi, vì gần như không còn con đường nào khác!

Hy vọng bao nhiêu thì kết quả lại thất vọng bấy nhiêu! Điều đó đã được thể hiện trên thị trường chứng khoán toàn thế giới trong ngày hôm nay.

Điều gì sẽ tiếp tục xảy ra trong những ngày tiếp theo?