Kế hoạch giải cứu đi về đâu?
Về mặt lý thuyết, kế hoạch "giải cứu" thị trường tài chính vẫn có thể được cứu vãn trong cuộc bỏ phiếu ở Thượng viện Mỹ
Sau khi Quốc hội Mỹ từ chối thông qua kế hoạch 700 tỷ USD do chính phủ nước này đề xuất để giải cứu thị trường tài chính Mỹ, nhiều người đặt câu hỏi, liệu kế hoạch này rồi sẽ đi về đâu.
Về mặt lý thuyết, kế hoạch này vẫn có thể được cứu vãn trong cuộc bỏ phiếu ở Thượng viện Mỹ diễn ra ngày 1/10, và nhờ những nỗ lực tiếp theo của các nghị sỹ ủng hộ kế hoạch này trong Hạ viện.
Tuy nhiên, theo giới quan sát, sau kết quả bỏ phiếu 228 phiếu chống và 205 phiếu thuận chiều qua tại Hạ viện, các nhà làm luật Mỹ không còn nhiều cơ hội để “tái sinh” kế hoạch này.
Những vấn đề xung đột chính?
Trong cuộc bỏ phiếu tới, Thượng viện Mỹ có lẽ sẽ phải điều chỉnh kế hoạch này ở mức vừa đủ để thu hút thêm sự ủng hộ của những người có quan điểm còn đang lưỡng lự đối với kế hoạch này bên phía đảng Cộng hòa.
Tuy nhiên, họ cũng không thể có những điều chỉnh quá mạnh so với thỏa thuận ban đầu đã đạt được giữa các nhà lãnh đạo Hạ viện với Bộ Tài chính Mỹ.
Nhà phân tích Pete Davis, Chủ tịch Quỹ đầu tư Davis Capital Investment Ideas ở Washington cho rằng, Thượng viện Mỹ sẽ không điều chỉnh hoàn toàn kế hoạch này, mà sẽ chỉ có một số điều chỉnh nhỏ, sau đó bỏ phiếu để thông qua.
Một số thượng nghị sỹ cũng cho biết, họ không có lựa chọn nào khác. “Chúng tôi sẽ không bỏ mặc kế hoạch này”, Chủ tịch Ủy ban Ngân hàng của Thượng viện, ông Christopher Dodd, một thành viên của đảng Dân chủ, cho biết. Một thượng nghị sỹ khác là ông Judd Gregg cho biết, sự sụt giảm của thị trường chứng khoán toàn cầu trong ngày hôm qua và hôm nay càng khẳng định sự cấp thiết phải thông qua kế hoạch.
Lãnh đạo phe đa số tại Hạ viện Mỹ Steny Hoyer cho biết, ông hy vọng Hạ viện sẽ sẵn sàng cho việc thảo luận lại kế hoạch này sau cuộc bỏ phiếu diễn ra ở Thượng viện. Theo lịch, Hạ viện Mỹ sẽ nhóm họp vào thứ Năm tuần này, tức ngày 2/10.
Tuy nhiên, để được thông qua ở Hạ viện, kế hoạch trên chắc chắn sẽ cần có một số thay đổi mang tính hình thức, khi 92 thành viên đảng Dân chủ và 133 thành viên đảng Cộng hòa đã bỏ phiếu chống kế hoạch này tại Hạ viện đều mong có một số thay đổi.
Các hạ nghị sỹ Cộng hòa có quan điểm bảo thủ có khả năng sẽ tiếp tục gây áp lực về một chương trình bảo hiểm dành cho các loại chứng khoán địa ốc như họ đã đề xuất trước đó. Đồng thời, họ cũng sẽ nỗ lực buộc Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch đình chỉ chế độ kế toán điều chỉnh theo thị trường (mark-to-market) và yêu cầu các nhà chức trách của ngành ngân hàng đánh giá lại giá trị thực của các tài sản có vấn đề.
Phe Cộng hòa trong Hạ viện cũng vận động Nhà Trắng trao cho Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) một vai trò lớn hơn trong việc vực dậy hệ thống tài chính Mỹ. Theo đó, FDIC sẽ phát hành cho các ngân hàng cho vay những chứng chỉ mà các ngân hàng này có thể sử dụng như vốn, sau đó các ngân hàng có thể trả lại những chứng chỉ này cho FDIC cùng với tiền lãi.
Tuy nhiên, trớ trêu là cả ba vấn đề trên đều là những điểm mà đảng Dân chủ phản đối.
Về phía đảng Dân chủ, có thể họ sẽ yêu cầu việc giám sát chặt chẽ hơn đối với quá trình thực hiện kế hoạch và mức hạn chế ngặt nghèo hơn đối với lương thưởng cho các lãnh đạo doanh nghiệp, cũng như việc phải có sự hỗ trợ cho những người sở hữu nhà có nguy cơ bị tịch biên tài sản.
Một số thành viên của đảng Dân chủ cũng muốn bản kế hoạch có một điều khoản, theo đó cho phép các tòa án về phá sản có thể sửa đổi các điều khoản của một khoản vay địa ốc cho các cá nhân bị phá sản, thậm chí là giảm tiền gốc cho họ.
Đây cũng lại là những điểm mà phía đảng Cộng hòa chắc chắn sẽ phản đối kịch liệt.
Lỗi tại ai?
Một số hạ nghị sỹ Mỹ đổ lỗi cho Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi trong việc Hạ viện bỏ phiếu chống với kế hoạch giải cứu ngành tài chính. Ông Eric Cantor, một lãnh đạo của đảng Cộng hòa trong Hạ viện cho rằng, bà Pelosi “không biết lắng nghe” và có giọng điệu đảng phái khi phê phán cách điều hành ngân sách lỏng lẻo của Tổng thống Mỹ George Bush.
Tuy nhiên, đó chỉ là những nguyên nhân bề nổi. Nhiều nhà phân tích cho rằng, sự thất bại tạm thời của kế hoạch 700 tỷ USD xuất phát từ sự thất bại của Tổng thống Bush và Bộ trưởng Bộ Tài chính Henry Paulson trong việc thuyết phục dân chúng Mỹ.
Từ khi mới manh nha, kế hoạch này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phía các cử tri Mỹ, những người không muốn tiền thuế của mình lại được sử dụng cho việc sửa chữa những sai lầm của các tập đoàn tài chính có tiếng là “tham lam”. Hạ nghị sỹ Edward Markey của đảng Dân chủ bỏ phiếu thuận đối với kế hoạch giải cứu, tuy nhiên ông cũng thừa nhận: “Chẳng ai muốn phải dọn dẹp đống đổ nát do sự bất cẩn của Phố Wall gây ra”.
Từ khi kế hoạch giải cứu được ông Paulson và Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đệ trình lên Quốc hội Mỹ, hai ông đã liên tục thúc giục việc thông qua kế hoạch này, với lập luận rằng tình hình đang rất cấp bách, và thị trường tài chính đang trong cơn khủng hoảng. Tuy nhiên những lý lẽ này không đủ thuyết phục đối với các nhà làm luật đang phải đối mặt với sự phản đối của các cử tri.
Các văn phòng Quốc hội Mỹ những ngày qua đã nhận được vô số những cuộc điện thoại của người dân phản đối kế hoạch trên. Trong khi đó, chỉ khoảng 5 tuần nữa là tới thời điểm các cử tri Mỹ tham gia vào cuộc bầu cử Quốc hội.
Các thành viên Quốc hội Mỹ nghi ngại việc ông Paulson và ông Bernanke đã thổi phồng cuộc khủng hoảng hiện nay nhằm được phép có hành động can thiệp “vô tiền khoáng hậu” vào thị trường tài chính, để rồi rốt cục chỉ làm lợi cho những tập đoàn khổng lồ của ngành này.
Ngay trong ngày bỏ phiếu, các hạ nghị sỹ cũng bày tỏ sự lo ngại về gánh nặng mà kế hoạch giải cứu này sẽ đổ xuống những người nộp thuế ở Mỹ, cũng như việc kế hoạch này có thể “thay đổi cơ bản và vĩnh viễn vai trò của Chính phủ Mỹ trong hệ thống doanh nghiệp tự do của nước này”, theo lời của Hạ nghị sỹ Jeb Hensarling, một người đi đầu trong việc phản đối kế hoạch này bên phía đảng Cộng hòa.
(Theo Fortune, Bloomberg, New York Times)
Về mặt lý thuyết, kế hoạch này vẫn có thể được cứu vãn trong cuộc bỏ phiếu ở Thượng viện Mỹ diễn ra ngày 1/10, và nhờ những nỗ lực tiếp theo của các nghị sỹ ủng hộ kế hoạch này trong Hạ viện.
Tuy nhiên, theo giới quan sát, sau kết quả bỏ phiếu 228 phiếu chống và 205 phiếu thuận chiều qua tại Hạ viện, các nhà làm luật Mỹ không còn nhiều cơ hội để “tái sinh” kế hoạch này.
Những vấn đề xung đột chính?
Trong cuộc bỏ phiếu tới, Thượng viện Mỹ có lẽ sẽ phải điều chỉnh kế hoạch này ở mức vừa đủ để thu hút thêm sự ủng hộ của những người có quan điểm còn đang lưỡng lự đối với kế hoạch này bên phía đảng Cộng hòa.
Tuy nhiên, họ cũng không thể có những điều chỉnh quá mạnh so với thỏa thuận ban đầu đã đạt được giữa các nhà lãnh đạo Hạ viện với Bộ Tài chính Mỹ.
Nhà phân tích Pete Davis, Chủ tịch Quỹ đầu tư Davis Capital Investment Ideas ở Washington cho rằng, Thượng viện Mỹ sẽ không điều chỉnh hoàn toàn kế hoạch này, mà sẽ chỉ có một số điều chỉnh nhỏ, sau đó bỏ phiếu để thông qua.
Một số thượng nghị sỹ cũng cho biết, họ không có lựa chọn nào khác. “Chúng tôi sẽ không bỏ mặc kế hoạch này”, Chủ tịch Ủy ban Ngân hàng của Thượng viện, ông Christopher Dodd, một thành viên của đảng Dân chủ, cho biết. Một thượng nghị sỹ khác là ông Judd Gregg cho biết, sự sụt giảm của thị trường chứng khoán toàn cầu trong ngày hôm qua và hôm nay càng khẳng định sự cấp thiết phải thông qua kế hoạch.
Lãnh đạo phe đa số tại Hạ viện Mỹ Steny Hoyer cho biết, ông hy vọng Hạ viện sẽ sẵn sàng cho việc thảo luận lại kế hoạch này sau cuộc bỏ phiếu diễn ra ở Thượng viện. Theo lịch, Hạ viện Mỹ sẽ nhóm họp vào thứ Năm tuần này, tức ngày 2/10.
Tuy nhiên, để được thông qua ở Hạ viện, kế hoạch trên chắc chắn sẽ cần có một số thay đổi mang tính hình thức, khi 92 thành viên đảng Dân chủ và 133 thành viên đảng Cộng hòa đã bỏ phiếu chống kế hoạch này tại Hạ viện đều mong có một số thay đổi.
Các hạ nghị sỹ Cộng hòa có quan điểm bảo thủ có khả năng sẽ tiếp tục gây áp lực về một chương trình bảo hiểm dành cho các loại chứng khoán địa ốc như họ đã đề xuất trước đó. Đồng thời, họ cũng sẽ nỗ lực buộc Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch đình chỉ chế độ kế toán điều chỉnh theo thị trường (mark-to-market) và yêu cầu các nhà chức trách của ngành ngân hàng đánh giá lại giá trị thực của các tài sản có vấn đề.
Phe Cộng hòa trong Hạ viện cũng vận động Nhà Trắng trao cho Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) một vai trò lớn hơn trong việc vực dậy hệ thống tài chính Mỹ. Theo đó, FDIC sẽ phát hành cho các ngân hàng cho vay những chứng chỉ mà các ngân hàng này có thể sử dụng như vốn, sau đó các ngân hàng có thể trả lại những chứng chỉ này cho FDIC cùng với tiền lãi.
Tuy nhiên, trớ trêu là cả ba vấn đề trên đều là những điểm mà đảng Dân chủ phản đối.
Về phía đảng Dân chủ, có thể họ sẽ yêu cầu việc giám sát chặt chẽ hơn đối với quá trình thực hiện kế hoạch và mức hạn chế ngặt nghèo hơn đối với lương thưởng cho các lãnh đạo doanh nghiệp, cũng như việc phải có sự hỗ trợ cho những người sở hữu nhà có nguy cơ bị tịch biên tài sản.
Một số thành viên của đảng Dân chủ cũng muốn bản kế hoạch có một điều khoản, theo đó cho phép các tòa án về phá sản có thể sửa đổi các điều khoản của một khoản vay địa ốc cho các cá nhân bị phá sản, thậm chí là giảm tiền gốc cho họ.
Đây cũng lại là những điểm mà phía đảng Cộng hòa chắc chắn sẽ phản đối kịch liệt.
Lỗi tại ai?
Một số hạ nghị sỹ Mỹ đổ lỗi cho Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi trong việc Hạ viện bỏ phiếu chống với kế hoạch giải cứu ngành tài chính. Ông Eric Cantor, một lãnh đạo của đảng Cộng hòa trong Hạ viện cho rằng, bà Pelosi “không biết lắng nghe” và có giọng điệu đảng phái khi phê phán cách điều hành ngân sách lỏng lẻo của Tổng thống Mỹ George Bush.
Tuy nhiên, đó chỉ là những nguyên nhân bề nổi. Nhiều nhà phân tích cho rằng, sự thất bại tạm thời của kế hoạch 700 tỷ USD xuất phát từ sự thất bại của Tổng thống Bush và Bộ trưởng Bộ Tài chính Henry Paulson trong việc thuyết phục dân chúng Mỹ.
Từ khi mới manh nha, kế hoạch này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phía các cử tri Mỹ, những người không muốn tiền thuế của mình lại được sử dụng cho việc sửa chữa những sai lầm của các tập đoàn tài chính có tiếng là “tham lam”. Hạ nghị sỹ Edward Markey của đảng Dân chủ bỏ phiếu thuận đối với kế hoạch giải cứu, tuy nhiên ông cũng thừa nhận: “Chẳng ai muốn phải dọn dẹp đống đổ nát do sự bất cẩn của Phố Wall gây ra”.
Từ khi kế hoạch giải cứu được ông Paulson và Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đệ trình lên Quốc hội Mỹ, hai ông đã liên tục thúc giục việc thông qua kế hoạch này, với lập luận rằng tình hình đang rất cấp bách, và thị trường tài chính đang trong cơn khủng hoảng. Tuy nhiên những lý lẽ này không đủ thuyết phục đối với các nhà làm luật đang phải đối mặt với sự phản đối của các cử tri.
Các văn phòng Quốc hội Mỹ những ngày qua đã nhận được vô số những cuộc điện thoại của người dân phản đối kế hoạch trên. Trong khi đó, chỉ khoảng 5 tuần nữa là tới thời điểm các cử tri Mỹ tham gia vào cuộc bầu cử Quốc hội.
Các thành viên Quốc hội Mỹ nghi ngại việc ông Paulson và ông Bernanke đã thổi phồng cuộc khủng hoảng hiện nay nhằm được phép có hành động can thiệp “vô tiền khoáng hậu” vào thị trường tài chính, để rồi rốt cục chỉ làm lợi cho những tập đoàn khổng lồ của ngành này.
Ngay trong ngày bỏ phiếu, các hạ nghị sỹ cũng bày tỏ sự lo ngại về gánh nặng mà kế hoạch giải cứu này sẽ đổ xuống những người nộp thuế ở Mỹ, cũng như việc kế hoạch này có thể “thay đổi cơ bản và vĩnh viễn vai trò của Chính phủ Mỹ trong hệ thống doanh nghiệp tự do của nước này”, theo lời của Hạ nghị sỹ Jeb Hensarling, một người đi đầu trong việc phản đối kế hoạch này bên phía đảng Cộng hòa.
(Theo Fortune, Bloomberg, New York Times)