Những cổ phiếu "chết lâm sàng" bỗng bật dậy tăng sốc tháng "Sell in May"
Những cổ phiếu tăng gấp vài lần đến 10 lần trong vòng một tháng thường niêm yết trên sàn UpCOM…
Quan sát của VnEconomy cho thấy, trên thị trường trong vòng một tháng trở lại đây xuất hiện những mã tăng giá vài đến cả chục lần. Điểm chung của những cổ phiếu này đa phần được giao dịch trên UPCoM và HNX, cùng khởi đầu đà tăng từ mức thị giá thấp, chỉ vài nghìn đồng sau đó tăng lên đến hàng chục nghìn, trăm nghìn đồng.
Cổ phiếu BIO của Công ty CP Vắc xin và Sinh phẩm Nha Trang (Biopharco, UpCOM) là cái tên đứng đầu danh sách tăng giá mạnh nhất trong một tháng trở lại đây với chênh lệch lên đến 10 lần. Phiên 22/4, cổ phiếu này tăng trần ngày đầu tiên sau khi không có giao dịch trên 25 phiên. Trong gần một tháng qua, thị giá BIO đã tăng gấp 10 lần từ 9.500 đồng lên 92.300 đồng. Thanh khoản bình quân dao động 2.000-5.000 đơn vị.
Biopharco hoạt động trong lĩnh vực sản xuất vaccin, huyết thanh và các chế phẩm sinh học dùng cho người. Bên cạnh đó, công ty cũng sản xuất thực phẩm dinh dưỡng, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm… Cổ đông lớn của BIO là Công ty CP Dược phẩm Bến Tre, tuy nhiên, ngày 6/5 vừa qua, Dược phẩm Bến Tre đã bán ra toàn bộ 4,3 triệu cổ phiếu BIO và không còn là cổ đông lớn.
Kế hoạch năm 2021, chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt là 35 tỷ đồng và 4,5 tỷ đồng, giảm nhẹ so với thực hiện năm trước. Công ty dự kiến chia cổ tức với tỷ lệ 3%.
Tăng chóng mặt trong một thời gian ngắn cũng phải nhắc đến THS của Công ty CP Thanh Hoa - Sông Đà. Sau 19 phiên tăng trần liên tiếp, giá cổ phiếu của THS đã tăng 732% từ 6.200 đồng lên đến 51.600 đồng/cổ phiếu. Mặc dù vậy thanh khoản của THS rất thấp chỉ từ 6.000 - 16.000 đơn vị một ngày. Trước đó, THS gần như nằm im bất động không có giao dịch trên thị trường.
THS hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh thương mại, bán buôn các mặt hàng tiêu dùng như sứ Hải Dương; nhựa Đại Đồng Tiến, Duy Tân; đồ nội thất Hòa Phát, Xuân Hòa; các thiết bị điện tử, điện lạnh. Về kết quả kinh doanh, quý 1/2021, doanh thu thuần của THS ghi nhận hơn 69 tỷ đồng, tăng hơn 2% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, do chi phí quản lý trong kỳ tăng đáng kể đã khiến Công ty chỉ thu về xấp xỉ 389 triệu đồng lãi sau thuế, giảm gần 45%. Năm 2021, THS đặt kế hoạch lãi sau thuế gần 3 tỷ đồng, giảm 20% so với mức thực hiện trong năm 2020.
Song song với đà tăng của cổ phiếu nhóm thép nhờ hưởng lợi từ giá thép tăng suốt từ đầu năm, cổ phiếu DNS của Công ty CP Thép Đà Nẵng (DNS, UpCOM) cũng tăng mạnh trong thời gian gần đây. Ngày 16/4, DNS có mức giá 9.400 đồng/cổ phiếu, thời điểm trước đó không có giao dịch trên thị trường. Từ 17/4 DNS liên tục tăng trần và đạt 49.100 đồng/cổ phiếu, tăng 5 lần trong vòng 2 tuần. Tuy nhiên, ngay sau khi "xác chết sống lại" DNS sụt giảm và hiện tại được giao dịch với mức giá 31.900 đồng, vẫn tăng 3 lần so với giữa tháng 4. Thanh khoản cổ phiếu dao động 100-17.100 đơn vị mỗi phiên.
Thép Đà Nẵng có vốn điều lệ 216 tỷ đồng, với hai cổ đông lớn là Công ty TNHH An Hưng Tường gần 66% vốn và Tổng công ty Thép Việt Nam giữ 31% vốn. Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phôi thép, thép xây dựng các loại, tôn mạ màu, xà gỗ, lưới thép, thép chế tạo thông dụng… và thực hiện các hợp đồng bán phôi thép cho hầu hết các công ty sản xuất thép và xuất khẩu cho các đối tác tại Philippines.
Quý 1/2021, doanh thu thuần của DNS tăng 42,2% nhưng giá vốn bán hàng chỉ tăng hơn 25% giúp cho lợi nhuận gộp đạt 39,7 tỷ đồng so với mức lỗ 11 tỷ đồng của quý 1 năm 2020. Năm 2021, DNS đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế 42,6 tỷ đồng.
Cổ phiếu HSV của Công ty CP Gang thép Hà Nội (HSV, UpCOM) cũng tăng dựng đứng ngay sau khi niêm yết ngày 27/4 với mức giá tham chiếu 14.700 đồng/cổ phiếu. HSV tăng kịch trần 7 phiên liên tiếp, ngày 7/5 thị giá của HSV 38.600 đồng tăng 162%. Tuy nhiên, cũng giống như DNS, sau chuỗi ngày miệt mài leo đỉnh, HSV đảo chiều giảm mạnh và hiện giao dịch mức giá 21.800 đồng/cổ phiếu.
HSV có vốn điều lệ 50 tỷ đồng do 109 cổ đông sở hữu. Ngành nghề hoạt động chính của doanh nghiệp này là buôn bán phế liệu, kim loại, phi kim loại. HSV chuyên nhập khẩu các các loại sắt thép phế liệu của các doanh nghiệp, khu công nghiệp sau đó phân phối trực tiếp cho các doanh nghiệp sản xuất gang thép trên toàn quốc như Công ty TNHH Thép Hoà Phát Hưng Yên, Công ty Cổ phần Gang thép Nghi Sơn, Công ty TNHH TM & DV Bắc Việt Green, Công ty Tân Hoàng Linh, Công ty TNHH MTV Thép Miền Nam - VNSteel…
Quý 1, Gang thép Hà Nội ghi nhận doanh thu 67,6 tỷ đồng, giảm 11% nhưng lãi sau thuế gần 2 tỷ đồng, tăng hơn 2 lần. Gang thép Hà Nội đặt mục tiêu doanh thu năm 2021 - 2022 lần lượt đạt 330 tỷ và 350 tỷ đồng, lãi sau thuế tương ứng là 3,5 tỷ và 4,8 tỷ đồng, tăng trưởng 40,5% và 37,14%.
Cổ phiếu DRG của Cao su Đắc Lắc (Dakruco, UpCOM) cũng đột nhiên tăng kịch trần kể từ phiên 27/4 dù trước đó im bặt không có giao dịch phát sinh. Đến phiên 13/5, thị giá của DRG 23.900 đồng, tăng 242% so với mức giá 10 ngày trước đó. Tuy nhiên, ngay sau đó DRG sụt giảm chốt phiên cuối tuần 21/5 về mức 14.100 đồng, vẫn gấp đôi so với giá cuối tháng 4.
Kết thúc quý 1/2021, DRG ghi nhận doanh thu 276 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với quý 1/2020, lợi nhuận sau thuế 31 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 9,7 tỷ đồng. Về kế hoạch sản xuất kinh doanh, năm 2021, Dakruco đặt mục tiêu doanh thu 427 tỷ đồng giảm một nửa nhưng lợi nhuận sau thuế 50 tỷ đồng, tăng 42%.