Những “lạc điệu” của lãi suất
Lãi suất đang chuyển động nhanh và dự báo những bước “lạc điệu” khó ngờ khiến cả người gửi tiền và huy động vốn khó tính toán
Lãi suất đang chuyển động nhanh và dự báo những bước “lạc điệu” khó ngờ khiến cả người gửi tiền và huy động vốn khó tính toán.
Cuối tháng 12 năm ngoái, đầu tháng 1 năm nay, vào lúc tiền đồng khan hiếm, lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng tăng mạnh, sau đó “bình chân” xung quanh mức 5%/năm.
Cuối tháng 6/2007 khi Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng tăng dự trữ bắt buộc, lãi suất qua đêm vọt lên 7%/năm. Nhưng từ đó đến nay, lãi suất qua đêm lại rơi tự do, chỉ còn 3,5-4%/năm, thấp hơn cả lãi suất cho vay qua đêm của đồng USD là 5,25%/năm (điều chưa từng xảy ra trên thị trường tiền tệ Việt Nam nhiều năm qua).
Các ngân hàng đang thừa tiền, nguồn cung tiền đồng chưa bao giờ dồi dào như vậy. Trong khi đó lãi suất tiền gửi cả bằng ngoại tệ và đồng Việt Nam của nhiều ngân hàng lại đang tăng.
Linh hoạt vốn nước ngoài
Mặc dù phải cạnh tranh với kênh chứng khoán, đặc biệt các đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của một số doanh nghiệp lớn, nhưng ngân hàng vẫn là nơi thu hút một lượng vốn khổng lồ trong dân.
,
Tính đến 30/6/2007 số dư vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn Tp.HCM lên tới 377.500 tỉ đồng, tăng 32% so với cuối năm 2006; số dư cho vay 292.400 tỉ đồng, tăng 27,2% (Nguồn: Ngân hàng Nhà nước Tp.HCM).
Theo các ngân hàng, nguồn tiền gửi của các tổ chức kinh tế cả trong và ngoài nước đều tăng mạnh. Các quỹ đầu tư nội địa và nước ngoài đang tích trữ một lượng tiền đồng khá lớn trong tài khoản chờ giải ngân. Một phần của lượng tiền này tạm thời được đầu tư vào trái phiếu Chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp. Mặt bằng lãi suất trái phiếu Chính phủ đã giảm so với đầu năm, nhưng vẫn còn tương đối cao, trung bình khoảng 7,3-7,5%/năm tùy loại.
Mặt khác, dòng vốn đầu tư gián tiếp tiếp tục đổ vào Việt Nam dù chỉ số VN-Index những tháng qua sụt giảm. Ngoài việc “mai phục” các đợt IPO, các cổ phiếu mới lên sàn, sự giảm giá các cổ phiếu niêm yết, vốn đầu tư tài chính nước ngoài đang trở nên vô cùng linh hoạt, nhất là trong điều kiện nó có thể chuyển ra chuyển vô bất cứ lúc nào mà không gặp trở ngại nào liên quan đến các quy định quản lý ngoại hối. Mặt khác, nó đang “khai thác” thành công sự cạnh tranh lãi suất giữa các ngân hàng.
Thừa vốn khả dụng tiền đồng, song hầu hết các ngân hàng đều không hạ lãi suất huy động tiền gửi nhằm giữ chân khách hàng. Thậm chí những khách hàng tổ chức hiện nay, khi gửi tiền vào ngân hàng, đều được hưởng lãi suất thỏa thuận vốn ít nhiều cao hơn lãi suất niêm yết công khai. Nhiều tổ chức còn đàm phán được lãi suất tiền gửi thậm chí cao hơn lãi suất tiết kiệm cá nhân.
Trong khi đó, mặt bằng lãi suất tiết kiệm cá nhân vẫn được đẩy lên bởi một số ngân hàng nhỏ, hoặc ngân hàng mới chuyển từ nông thôn lên đô thị. Các ngân hàng này bị áp lực về tăng tổng tài sản có và cách tăng tài sản có nhanh nhất chính là tăng vốn huy động.
Nghịch lý tiền thừa, nhưng lãi suất tiết kiệm tăng đã và đang ngày càng rõ.
“Hy sinh” lạm phát?
Khi dòng chảy của USD vào Việt Nam được “bơm” căng phồng dần dần bởi những luồng gió mới, nơi quy tụ cuối cùng của nó là quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia.
Trong năm tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã mua vào 7 tỉ USD, nâng dự trữ ngoại hối của Việt Nam vượt qua con số 20 tỉ USD. Để mua 7 tỉ USD, Ngân hàng Nhà nước đã “tung” ra thị trường 112.000 tỉ đồng, bằng 38% tổng dư nợ hiện hành của tất cả các ngân hàng ở Tp.HCM.
Để kiểm soát lạm phát, Ngân hàng Nhà nước bắt buộc phải hút tiền về qua kênh thị trường mở và đấu giá các loại giấy tờ có giá. Những tháng trước, lượng tiền Ngân hàng Nhà nước rút về khoảng 11.000-14.000 tỉ đồng/tuần, nhưng gần đây đã tăng lên 15.000-16.500 tỉ đồng/tuần sau khi có những dự báo không mấy lạc quan về khả năng kiềm chế lạm phát thấp hơn tăng trưởng kinh tế.
Có thể từ nay đến cuối năm, lượng tiền Ngân hàng Nhà nước rút về hàng tháng sẽ còn gia tăng nếu dòng vốn đầu tư gián tiếp và trực tiếp gia tăng tốc độ chảy vào Việt Nam.