09:38 03/02/2021

Những ngôi nhà trao cơ hội đến trường

Việt Thắng

Mỗi ngôi nhà tình thương tại xã Hướng Phùng được xây xong là có thêm một em bé được trao cơ hội được đến trường

Những mái nhà tình thương mọc lên kiên cố trên mảnh đất nghèo hoang sơ.
Những mái nhà tình thương mọc lên kiên cố trên mảnh đất nghèo hoang sơ.

Một ngôi nhà không chỉ đơn thuần là nơi để ở mà nó còn mở ra cánh cửa cho trẻ em ở xã Hướng Phùng có cơ hội được đến trường, được học con chữ, được có kiến thức. Tương lai của các em chắc chắn sẽ tương sáng hơn, không còn mãi quẩn quanh nơi xóm nghèo.

Để đến xã Hướng Phùng, Quảng Trị chúng tôi phải qua chặng đường kéo dài gần 5 tiếng, quãng đường không quá dài nhưng càng đi đường càng hiểm trở bởi những đoạn đường núi bị sạt lở.

Xã Hướng Phùng nằm gần cửa khẩu quốc tế Lao Bảo là một trong những xã miền núi thuộc diện khó khăn nhất ở tỉnh Quảng Trị. Nơi đây hứng chịu tất cả những gì khắc nghiệt nhất của thời tiết vùng Tây Quảng Trị. Những khi trời nắng thì gió thổi ràn rạt, đến lúc trời mưa thì ào ạt từng cơn như trút nước. Cũng vì thế mà người dân nơi đây luôn phải sinh hoạt trong điều kiện thiếu thốn và khó khăn.

Mỗi lần mưa lũ kéo đến là nhà cửa, ruộng vườn cũng theo lũ mà đi mất. Đợt lũ tại miền Trung năm vừa qua cũng vậy, những ngôi nhà của đồng bào dân tộc Vân Kiều sống ở đây đều đã bị cuốn trôi, những gì còn lại chỉ là giọt nước mắt và nỗi niềm trăn trở về một mái ấm khi mà Tết đang đến rất gần.

NGÔI NHÀ KHÔNG CHỈ LÀ MÁI ẤM….

Cơn lũ ở miền Trung cướp trắng tất cả, đó không chỉ là tài sản mà còn là niềm tin. Nếu như chỉ đơn giản là quyên góp quần áo, thức ăn thì hậu quả của những cơn lũ sẽ vẫn tồn tại. Người ta vẫn nói ngôi nhà là tài sản giá trị nhất của mỗi gia đình, ngôi nhà không chỉ đơn thuần là tài sản về mặt vật chất mà nó còn mang rất nhiều ý nghĩa tinh thần.

Chính vì thế chúng tôi quyết tâm đem lại những mái ấm vững chắc và kiên cố hơn cho người dân đồng bào dân tộc Vân Kiều ở xã Hướng Phùng.

Với một nơi có địa hình khó khăn như xã Hướng Phùng, chúng tôi đã phải tìm mọi cách, tính mọi phương án làm thế nào để xây dựng nên những ngôi nhà vững chãi trong thời gian ngắn nhất. Bởi ngôi nhà bàn giao đến tay bà con dân tộc không chỉ phải đảm bảo an toàn giúp ngăn lũ mà còn phải phù hợp với phong tục tập quán, kịp giúp bà con chuẩn bị đón cái Tết Tân Sửu.

Phương pháp mà Coteccons - nhà thầu chính đồng thời là đơn vị tài trợ 20 căn nhà lựa chọn để xây dựng đó là sử dụng các tấm Nucewall, ở giữa được gia cố bằng bê tông xốp, và ốp tấm Cement Board bên ngoài. Với tiến độ "thần tốc" 1 ngày làm móng, 2 ngày hoàn thiện tổng cộng là chỉ 3 ngày là có thể hoàn thiện bàn giao nhà kịp cho người dân nơi đây đón Tết.

Những ngôi nhà trao cơ hội đến trường - Ảnh 1.

Bằng công nghệ thi công tiên tiến, mỗi căn nhà chỉ mất 03 ngày để hoàn thiện.

Trước đó, ngày 28/12/2020, chúng tôi đã có mặt tại đây để khởi công xây dựng 17 ngôi nhà và sửa chữa 3 ngôi nhà tình thương cho bà con. Giờ đây, chúng tôi lại quay trở lại đầy tự hào khi mà 20 ngôi nhà đã được hoàn thiện, xinh đẹp và kiên cố giữa vùng đất còn hoang sơ.

Nhìn thấy niềm vui của người dân khi nhận được ngôi nhà của riêng mình, chúng tôi biết mình đã làm được những điều đúng đắn.

Những ngôi nhà trao cơ hội đến trường - Ảnh 2.

Ông Bolat Duisenov - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Coteccons gỡ băng khánh thành nhà tình thương

… MÀ CÒN LÀ CƠ HỘI ĐẾN TRƯỜNG CỦA TRẺ NHỎ

- Con học lớp mấy rồi?

- Lớp ba ạ.

- Con có thích đi học không?

- Con thích lắm ạ. Nhưng mà nếu không có nhà, chắc tụi con sẽ không đi học.

Cậu nhóc sống ở trong xã hồn nhiên nói với chúng tôi khi đến đây khảo sát. Câu nói của cậu bé khiến chúng tôi cứ đau đáu trong lòng mãi.

Để có được một căn nhà kiên cố, người dân tộc Vân Kiều nơi đây thường phải làm lụng vất vả nhiều năm mới có được. Và đồng nghĩa, trong trường hợp mất nhà, những đứa trẻ tại đây sẽ phải bỏ học, không được đến trường như các bạn cùng trang lứa để lao động cùng bố mẹ, kiếm tiền dựng lại nhà. Khi lũ quét đi qua, mọi thứ tại nơi đây lại trở về con số "0", những gì còn lại là mảnh đất trơ trọi, người dân chẳng có nơi nương thân.

Nếu không đi học, lũ trẻ sẽ ngày ngày theo cha mẹ lên nương, rồi sau này lại lập gia đình ở cái tuổi đáng lẽ chỉ mới vừa vào cấp 2, cấp 3 mà không hề biết đến những khung trời khác ngoài xa.

Những ngôi nhà trao cơ hội đến trường - Ảnh 3.

Nụ cười hồn nhiên của các em nhỏ dân tộc Vân Kiều bên căn nhà mới.

Có rất nhiều lý do có thể cản trở hành trình con chữ đầy gian khó của trẻ em người dân tộc Vân Kiều ở xã Hướng Phùng. Nhưng chúng tôi tin rằng những ngôi nhà kiên cố và vững chắc này sẽ góp phần giúp các em được đến trường. Khi có nhà, có một nơi an toàn để nương náu thì khi đó kế sinh nhai sẽ bớt vất vả và việc học mới có thể đến với các em.

Vì thế một ngôi nhà không chỉ đơn thuần là nơi để ở mà nó còn mở ra cánh cửa cho trẻ em ở xã Hướng Phùng có cơ hội được đến trường, được học con chữ, được có kiến thức. Tương lai của các em chắc chắn sẽ tương sáng hơn chứ không chỉ quanh quẩn ở nơi đây.

Hành trình đem đến những ngôi nhà tình thương cho người dân xã Hướng Phùng thật sự vất vả nhưng đối với chúng tôi, đó là hành trình đầy cảm xúc.

Quả thật, những mong muốn vì mục đích tốt đẹp cùng những cố gắng không ngại gian khó vì cộng đồng đã mang đến trái ngọt. Nhìn những khuôn mặt, những nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt những người dân khi được trao tặng nhà, chúng tôi cảm thấy hạnh phúc và bình yên.

Những ngôi nhà trao cơ hội đến trường - Ảnh 4.

Người dân xã Hướng Phùng tươi cười chụp hình cùng đoàn thiện nguyện.

20 ngôi nhà ở xã Hướng Phùng là dự án đầu tiên thuộc chuỗi các dự án trong chương trình từ thiện mà Coteccons và Unicons chúng tôi mong muốn đóng góp cho xã hội. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục hành trình mang đến những ngôi nhà tình thương cho những đồng bào đang gặp khó khăn.