17:01 25/11/2020

Những “ngôi sao” âm thầm hút mạnh vốn FDI

Quỳnh Nguyễn

Trong 5 năm qua, vốn FDI đổ vào Bến Tre, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bạc Liêu ở phía Nam hay Hà Nam, Phú Thọ, Quảng Ninh ở phía Bắc ngày một tăng lên, chiếm gần 37% tổng vốn FDI đăng ký mới 10 tháng

Ông John Campbell, Quản lý bộ phận Bất động sản Công nghiệp, Savills Việt Nam nhận định, diện tích đất trống tại các khu vực chính ở phía Bắc như Bắc Ninh, Hưng Yên; và ở phía Nam như Bình Dương, Đồng Nai đang dần trở nên khan hiếm, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tìm đến các tỉnh lân cận, đặc biệt địa phương có quỹ đất lớn nhưng giá thuê còn rất cạnh tranh và rẻ hơn rất nhiều so với Tp. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An.

NHỮNG 'NGÔI SAO' ÂM THẦM HÚT MẠNH VỐN FDI

Báo cáo thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài đang dần dịch chuyển tới các tỉnh, thành phố không phải là các địa phương có bề dày về phát triển các khu công nghiệp, điển hình như Bến Tre, Bạc Liêu, Vĩnh Long ở phía Nam và Phú Thọ ở phía Bắc. Có những địa phương từng "hụt hơi" trong thu hút FDI cũng trở lại ngoạn mục như Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Hà Nam, Quảng Ninh.

Vốn FDI đổ vào Bến Tre, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bạc Liêu ở phía Nam hay Hà Nam, Phú Thọ, Quảng Ninh ở phía Bắc âm thầm tăng lên mỗi ngày, hiện chiếm gần 37% tổng vốn FDI đăng ký mới 10 tháng, so với mức hơn 12% năm 2018, và gần 10% năm 2019.

Những “ngôi sao” âm thầm hút mạnh vốn FDI  - Ảnh 1.

Nguồn: Số liệu MPI

Đi cùng với sự trỗi dậy của các ngôi sao mới, vốn FDI đổ  vào các vùng đất truyền thống như Đồng Nai, Bình Dương, Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội sụt giảm đáng kể. Nếu như năm 2019, 4 địa phương gồm Tp. HCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai hút 58,7% vốn FDI đăng ký vào Việt Nam thì 10 tháng đầu năm 2020 tỷ trọng của nhóm này chỉ còn chiếm 37,5%.

Savills Việt Nam đánh giá sự chuyển dịch vốn FDI về những vùng lân cận và vùng đất mới là sự diễn tiến tự nhiên khi các đơn vị đi thuê và nhà đầu tư sản xuất bắt đầu nhìn vào các tỉnh công nghiệp khác, do trên thực tế, diện tích đất trống tại các khu vực chính ở phía Bắc như Bắc Ninh, Hưng Yên; và ở phía Nam như Bình Dương, Đồng Nai là đang dần trở nên khan hiếm.

QUỸ ĐẤT LỚN VÀ GIÁ THUÊ RẤT CẠNH TRANH, NHƯNG….

Quỹ đất lớn và giá thuê còn rất cạnh tranh và rẻ hơn rất nhiều so với Tp. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An, Hà Nội, Bắc Giang là những lợi thế ưu việt của các "ngôi sao" nói trên.

Ông Lê Trọng Hiếu, Giám đốc Bộ phận Tư vấn kinh doanh văn phòng và bất động sản công nghiệp, Công ty CBRE Việt Nam từng chia sẻ, giá chào thuê đất khu công nghiệp và nhà kho tại tỉnh trọng điểm trong thời gian qua đã tăng mạnh, giá chào thuê đất đều tăng 20% - 30 % so với cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể như tại Tp.HCM, một số khu công nghiệp có mức giá chào thuê đất từ 150 USD/m2 thì nay đã tăng lên 300 USD/m2 đối với kỳ hạn thuê còn lại. Tại Đồng Nai, mức giá chào thuê từ 100 USD/m2 lên đến khoảng 155 USD/m2; Long An ghi nhận mức tăng giá từ 110 USD/m2 lên đến khoảng 200 USD/m2.

Ở phía Bắc, tại Hà Nội, giá thuê từ 155 USD/m2 thì nay đã tăng lên khoảng 260 USD/m2, hay tại khu vực Bắc Giang, giá chào thuê từ 55 USD/m2 cũng đã tăng lên khoảng 110 USD/m2…Mức giá chào thuê ở trên là chưa bao gồm thuế VAT và phí quản lý/dịch vụ.

Giá chào thuê đất công nghiệp được tính cho kỳ hạn thuê còn lại của dự án. Thông thường, kỳ hạn còn lại của dự án dao động từ 30 - 45 năm.

Những “ngôi sao” âm thầm hút mạnh vốn FDI  - Ảnh 2.

Nguồn: Số liệu MPI


Ngoài ra, Chính phủ đẩy mạnh đầu tư hạ tầng kết nối cũng giúp cho các vùng lân cận trở nên hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài đặt nhà máy hơn.

Tuy nhiên, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong một hội nghị về Bất động sản công nghiệp cho rằng, tiềm năng phát triển bất động sản công nghiệp đang lan sang các vùng đất mới là hoàn toàn đúng và chủ yếu tập trung ở những khu vực nhất định. Việt Nam có thế mạnh về nguồn lao động trẻ nhưng để thuận lợi đón sóng FDI thì cần phải nâng cấp về chất lượng chuyên môn. Đây đang là điểm yếu của Việt Nam.

Theo ông Đỗ Nhất Hoàng, nguồn lao động Việt Nam nếu được đào tạo bài bản sẽ không thua kém các quốc gia khác. Vấn đề là hiện nay Việt Nam nói chung và các tỉnh thành nói riêng không biết thiếu hụt lao động ở ngành nghề nào để đào tạo. Việc lựa chọn khu vực để đào tạo nguồn nhân lực cũng là vấn đề chưa được xác định.

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư có một đề xuất với doanh nghiệp là đừng vì thấy dòng đầu tư FDI đến lại nâng giá dịch vụ. Điều này sẽ khiến doanh nghiệp FDI một đi không trở lại.