Những nhóm hàng xuất khẩu chủ lực nào của Việt Nam bị ảnh hưởng bởi thuế đối ứng?
Theo giới phân tích, mức thuế suất nhập khẩu đối ứng mà Tổng Thống Donald Trump công bố rạng sáng ngày 3/4 (giờ Việt Nam) sẽ tác động mạnh đến các nhóm ngành điện tử, máy móc, dệt may, giày dép và đồ gỗ của Việt Nam...

Rạng sáng 3/4 (giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố chính sách thuế quan nhập khẩu mới với các đối tác thương mại là 160 nền kinh tế trên thế giới.
Theo đó, từ ngày 5/4/2025, mức thuế cơ bản 10% sẽ áp dụng cho mọi hàng nhập khẩu từ các đối tác thương mại. Từ ngày 9/4, mức thuế nhập khẩu cao hơn sẽ áp lên hơn 60 quốc gia đang có thâm hụt thương mại lớn với Mỹ như Trung Quốc (34%) và Việt Nam (46%).
Những ngành hàng của Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ lớn nhất là đồ điện tử, thiết bị máy móc, dệt may, giày dép và đồ gỗ sẽ bị ảnh hưởng bởi thuế đối ứng của Mỹ.
Theo CNBC, Chính quyền Tổng thống Trump tính thuế suất nhập khẩu đối ứng đối với mỗi nước dựa trên tỷ lệ thâm hụt thương mại song phương và tổng kim ngạch nhập khẩu vào Mỹ. Cách tính này phản ánh mức độ mất cân bằng thương mại, không dựa vào thuế danh nghĩa mà các nước công bố.
Những quốc gia có thâm hụt thương mại với Mỹ thấp hay có thặng dư thương mại thì bị áp thuế nhập khẩu 10%.
Số liệu từ Cục Thống kê và Cục Hải quan của Việt Nam cho thấy, những ngành hàng của Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ lớn nhất là đồ điện tử, thiết bị máy móc, dệt may, giày dép và đồ gỗ. Nhiều doanh nghiệp thuộc các ngành này có tỷ lệ doanh thu xuất khẩu phụ thuộc cao vào thị trường Mỹ. Do đó, 5 nhóm ngành này sẽ bị ảnh hưởng và dễ bị tổn thương nhất trong thương chiến.

Theo giới phân tích, trong khi các công ty đa quốc gia sản xuất điện tử và thiết bị máy móc tại Việt Nam có khả năng phản ứng với thuế quan tốt hơn bằng cách chuyển một phần hoạt động sản xuất hoặc hàng hóa hoàn thiện sang các quốc gia khác thì các nhà sản xuất nội địa về dệt may, giày dép và đồ gỗ có thể có ít lựa chọn để chuyển hướng và tìm thị trường tiêu thụ thay thế.
Giới phân tích nhận định những doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào doanh số xuất khẩu sẽ phải đối mặt với chi phí cao hơn, số lượng đơn hàng giảm sút và dòng tiền hoạt động kém hơn.
Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã tích cực đàm phán các biện pháp thương mại mới với phía Mỹ và điều chỉnh chính sách nhằm đối phó với các rủi ro thuế quan tiềm ẩn. Ngoài việc giảm thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Mỹ, chính phủ Việt Nam đã phê duyệt các thỏa thuận mới cho phép các tập đoàn Mỹ hoạt động tại Việt Nam. Các biện pháp này, về lý thuyết, sẽ giúp thúc đẩy nhập khẩu hàng hóa Mỹ và giảm thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ theo thời gian.
Tuy nhiên, theo giới phân tích, việc mức thuế suất nhập khẩu 46% mà Mỹ công bố hôm nay sẽ được áp dụng trong bao lâu sẽ phụ thuộc vào kết quả của những cuộc đàm phán sắp diễn ra giữa hai Chính phủ.