23:15 31/12/2010

Những sự kiện, vấn đề ngoại thương nổi bật trong năm 2010

Anh Quân

Xuất, nhập khẩu Việt Nam đã có một năm đạt đủ bộ chỉ tiêu về kim ngạch thương mại hai chiều

Năm 2010 khép lại với kim ngạch xuất và nhập khẩu đều vượt trên 10 tỷ USD so với kế hoạch, nhập siêu giảm so với năm 2009.
Năm 2010 khép lại với kim ngạch xuất và nhập khẩu đều vượt trên 10 tỷ USD so với kế hoạch, nhập siêu giảm so với năm 2009.
Xuất, nhập khẩu Việt Nam đã có một năm đạt đủ bộ chỉ tiêu về kim ngạch thương mại hai chiều, cũng như khống chế nhập siêu cả ở giá trị tuyết đối cũng như so với xuất khẩu.

VnEconomy điểm lại một số sự kiện, vấn đề ngoại thương năm 2010.

1. Tăng trưởng vượt dự kiến

Không dưới 3 lần điều chỉnh dự báo kim ngạch xuất nhập khẩu trong năm 2009, nhận định tình hinh kinh tế thế giới còn chưa thoát khỏi trì trệ đã ảnh hưởng đền sự tự tin của các cơ quan làm kế hoạch. Trong bối cảnh ngoại thương năm 2009 dường như “bế tắc” trước những nỗ lực từ các cấp, tăng trưởng xuất nhập khẩu được đặt ra cho năm 2010 chỉ khiêm tốn ở mức 6%.

Nhớ lại thời điểm đó, nhiều phân tích từ các tổ chức quốc tế đều cho rằng với các mặt hàng chủ lực thiên về gia công, Việt Nam khó có khả năng cạnh tranh khi mà quy mô thương mại quốc tế thu hẹp. Tuy nhiên tình hình thực tế đã khác.

Vào đầu năm 2010, kim ngạch xuất nhập khẩu vẫn tiếp tục duy trì mức độ như cuối năm 2009. Chỉ đến tháng 5, xuất nhập khẩu bắt đầu đem đến những tia hy vọng mới khi vượt các mốc kim ngạch 6 và 7 tỷ USD, tương đương với thời kỳ hưng thịnh vào năm 2008.

Tiếp tục kéo dài xu hướng này, đến quý 3, nhiều dự báo đã khẳng định chắc chắn hơn khả năng ngoại thương có một năm bội thu thành tích. Dệt may, da giày, nông, lâm, thủy sản… có sức phục hồi mạnh mẽ nhờ tiêu dùng tăng trên thế giới và khả năng cạnh tranh đáng nể của các mặt hàng xuất xứ Việt Nam. Đến hết tháng 11, các chỉ tiêu thương mại chính đều đã vượt kế hoạch đề ra.

2. Xác lập chu kỳ ổn định

Vượt ra ngoài các con số về kim ngạch xuất, nhập khẩu năm nay, hoạt động ngoại thương xác lập một chu kỳ dài, ổn định. Trong khoảng 8 tháng cuối năm, kim ngạch xuất, nhập khẩu liên tục duy trì mức khoảng 6 và 7 tỷ USD, đến tháng cuối năm thậm chí còn vượt 7 và 8 tỷ USD.

Định hình trong không gian kinh tế thế giới mới sau thử thách trước những phản ứng chính sách từ các thị trường lớn, các cú sốc về tỷ giá…, xuất nhập khẩu Việt Nam tạo thế vững vàng hơn sau 3 năm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Năm 2010 khép lại với kim ngạch xuất và nhập khẩu đều vượt trên 10 tỷ USD so với kế hoạch, nhập siêu giảm so với năm 2009 và hoàn thành chỉ tiêu khống chế dưới 20% tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm.

3. Vẫn lo nhập siêu

Đứng trên nền kém bền vững của năm 2009, sau con số thâm hụt cán cân thanh toán 8,8 tỷ USD, nhập siêu nổi lên là vấn đề nóng bỏng trong năm 2010. Sau khi đạt khoảng 1 tỷ USD trong tháng đầu năm, trong 3 tháng tiếp theo đó, nhập siêu liên tục vượt mức 1 tỷ USD.

Tuy nhiên, 5 tháng sau đó, nhập siêu đều trở lại dưới mức 1 tỷ USD/tháng. Vào tháng 8, nhập siêu thậm chí còn ở dưới ngưỡng 400 triệu USD. Nhưng đến tháng 12, nhập siêu được dự báo ở mức 1,4 tỷ USD, tiếp tục khơi lại lo ngại cũ.

Mặc dù chốt lại cả năm, nhập siêu giảm hơn về con số tuyệt đối so với năm 2009, tuy nhiên vẫn ở mức cao. Tất cả các tháng của năm 2010 đều nhập siêu, trong đó có 6 tháng nhập siêu trên 1 tỷ USD.

4. Giá xuất, nhập khẩu tăng mạnh

Năm 2010, giá xuất khẩu bình quân tăng mạnh đã góp phần làm tăng kim ngạch xuất khẩu. Vụ Kinh tế dịch vụ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tính toán rằng, yếu tố tăng giá giúp kim ngạch xuất khẩu tăng trên 3,4 tỷ USD trong năm nay.

Giá bình quân của đa số các mặt hàng xuất khẩu chủ lực năm 2010 đều tăng cao so với năm 2009 như dầu thô tăng 31,9%, than đá tăng 52,5%, gạo tăng 39,9%, cao su tăng 78%, hạt tiêu tăng 39,9%, hạt điều tăng 21,1%, sắn và sản phẩm sắn tăng 85,2%...

Trong khi đó, cũng như xuất khẩu, mặc dù nhiều mặt hàng nhập khẩu đã giảm về lượng, nhưng giá nhập khẩu bình quân tăng so với cùng kỳ là một trong những nguyên nhân làm tăng kim ngạch nhập khẩu.

Vụ Kinh tế dịch vụ nhìn nhận: “Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến đầu vào của sản xuất kinh doanh, gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu”.

5. Xuất, nhập vàng và những đột biến

Một trong những tác nhân gây đột biến đến kim ngạch xuất, nhập khẩu năm nay lại tiếp tục liên quan đến vàng. Từ đầu năm 2010, đã có 3 lần Ngân hàng Nhà nước cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu vàng. Tuy nhiên, đột biến lớn lại nằm ở con số xuất khẩu vàng khi trong nhiều thời điểm, kim loại quý này chảy ra khỏi đất nước với kim ngạch vượt trội, chỉ xét trên con số chính ngạch.

Trước sức ép tăng giá tại thị trường vàng trong nước, ngày 5/2, Ngân hàng Nhà nước cấp hạn ngạch nhập khẩu vàng và yêu cầu Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) bán vàng ra thị trường. Ước tính có ít nhất 8 tấn vàng đã được SJC nhập trong tháng 2/2010. Thể hiện trên số liệu thống kê, kim ngạch nhập khẩu nhóm đá quý, kim loại quý và sản phẩm trong tháng đó vọt lên mức gần 220 triệu USD.

Tiếp theo, vào ngày 7/10, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục cấp quota nhập khẩu vàng khoảng 3 tấn nhưng không thấy thể hiện trên số liệu của ngành hải quan. Lần gần đây nhất, ngày 9/11 Ngân hàng Nhà nước cho phép các doanh nghiệp được nhập khẩu vàng với khối lượng phù hợp. Ngay đó, kim ngạch nhập khẩu nhóm đá quý, kim loại quý và sản phẩm vọt lên trên 244 triệu USD trong tháng 11/2010.

Tuy nhiên, các con số này không là gì so với kim ngạch xuất khẩu nhóm này: tháng 5 trên 880 triệu USD, tháng 6 gần 550 triệu USD, tháng 7 khoảng 774 triệu USD, tháng 9 trên 430 triệu USD…

Tính chung cả năm, xuất khẩu nhóm đá quý, kim loại quý và sản phẩm đạt khoảng 2,855 tỷ USD, tăng 4,5% so với năm 2009. Trong khi đó, nhập khẩu nhóm này 11 tháng mới đạt trên 700 triệu USD, chỉ bẳng 50% cùng kỳ năm trước.

6. Năm của điều chỉnh chính sách

Khởi đầu năm 2010, chính sách thuế nhập khẩu có nhiều điều chỉnh theo hướng giảm để phù hợp với các cam kết Việt Nam đã đưa ra. Đáng chú ý, Bộ Tài chính theo chức năng nhiệm vụ đã ban hành kèm theo Thông tư số 217/2009/TT-BTC biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam giai đoạn 2010-2012, ưu đãi thuế suất với hơn 1.000 mặt hàng nhập khẩu.

Tuy nhiên, trước những tác động tiêu cực từ nhập siêu mang lại, ngày 16/4, Bộ Công Thương đã ban hành kèm theo Quyết định 1899/QĐ-BCT danh mục các mặt hàng nhập khẩu không thiết yếu, hàng tiêu dùng không khuyến khích nhập khẩu.

Đến ngày 22/4, Bộ Tài chính cũng ban hành quyết định số 900 /QĐ-BTC quy định sử dụng các công cụ thuế, phí, lệ phí và các biện pháp thích hợp đối với hàng xuất, nhập khẩu để đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu, hạn chế nhập siêu.

Diễn biến trên một số mặt hàng nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu ôtô năm 2010 ước giảm 6,3% so với năm 2009, trong đó ôtô nguyên chiếc giảm tới 24,4%; nhập khẩu xe máy nguyên chiếc cũng giảm tương ứng 9,3%.

7. Điều chỉnh tỷ giá

Như nói ở trên, thâm hụt cán cân thanh toán khá lớn trong năm 2009 khiến đồng Việt Nam luôn chịu sức ép mất giá rất lớn. Ngược lại, việc định giá đồng nội tệ cũng ảnh hưởng đến hoạt động xuất, nhập khẩu và nhập siêu.

Sau những tháng đầu tiên của năm, nhập siêu tiếp tục đứng ở mức cao, Ngân hàng Nhà nước đã buộc phải nâng tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa USD và VND. Theo quy định, tỷ giá mới lên mức 18.544 đồng/USD, tăng hơn 3% so với trước đó, áp dụng từ ngày 11/2, đưa mức giá trần theo quy định lên 19.100 VND/USD.

Tuy nhiên, đến ngày 17/8, cơ quan này tiếp tục phải điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa VND với USD, áp dụng từ ngày 18/8, lên mức 18.932 VND (tăng gần 2,1%) và giữ nguyên biên độ tỷ giá +/-3%. Như vậy, trần giá theo quy định mới lên tới 19.500 đồng/USD.

Phản ánh trên thực tế, tỷ giá niêm yết mua và bán của các ngân hàng thương mại liên tục kịch trần trong thời gian dài gần đây. Trên thị trường tự do, tỷ giá trao đổi chênh lệch có lúc đến 10% so với tỷ giá chính thức.

Điều này được cho là làm giảm sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam, tạo lợi thế cho hàng nhập khẩu. Doanh nghiệp xuất khẩu ngoài chuyện phải dự phòng rủi ro cũng kêu nhiều vì khoản chênh lệch tỷ giá ảnh hưởng đến lợi nhuận thực tế.

8. Con cá tra và “rào cản thương mại” kiểu mới?

Năm 2010 tiếp tục chứng kiến các thị trường chính của hàng xuất khẩu Việt Nam dựng hàng rào kỹ thuật nhằm gây khó dễ cho hoạt động ngoại thương. Tuy nhiên, điểm nổi bật nhất lại là việc cá tra Việt Nam bị Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) đưa vào vào "danh sách đỏ" nhằm khuyến cáo người tiêu dùng không nên sử dụng tại ở 6 nước EU (gồm Đức, Áo, Thuỵ Sỹ, Bỉ, Na Uy và Đan Mạch).

Các bên liên quan phía Việt Nam ngay lập tức đưa ra phản ứng mạnh mẽ. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng động thái này của WWF hoàn toàn đi ngược với tình hình thực tế của nghề nuôi cá tra tại Việt Nam.

Trong khi đó, Hội Nghề cá Việt Nam cho rằng đây là vi phạm nghiêm trọng, hành động bôi nhọ người nuôi cá tra và ngành thuỷ sản Việt Nam, đồng thời đề nghị các tổ chức này phải xin lỗi Chính phủ và người nuôi cá tra Việt Nam.

WWF đã phải nhượng bộ. Giữa tháng 12/2010, người đứng đầu chương trình thủy hải sản toàn cầu của WWF Mark Powell chính thức khẳng định cá tra của Việt Nam sẽ được đưa ra khỏi “danh sách đỏ”, và mặt hàng này sẽ được khuyến khích người dân tiêu dùng trở lại.

WWF là một tổ chức phi chính chủ, phi lợi nhuận. Cũng chưa rõ thực hư đằng sau vụ việc ra sao, nhưng trong một thế giới mà lợi ích đan xen, khi các tổ chức phi chính phủ cũng có thể nhận tài trợ từ các hiệp hội doanh nghiệp, thì tính chất “phi lợi nhuận” cũng có thể bị nghi ngờ.