15:57 28/03/2022

Những “vết sẹo” trong nền kinh tế Nga sau 4 tuần chiến tranh

An Huy

Năm “vết sẹo” mà chiến tranh Nga-Ukraine gây ra cho nền kinh tế Nga, tính đến thời điểm này...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: RT.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: RT.

Cuộc tấn công của Nga vào Ukraine hôm 24/2 đã dẫn tới một loạt biện pháp trừng phạt khắc nghiệt từ phương Tây, khiến Nga bị cô lập khỏi mạng lưới tài chính toàn cầu và nền kinh tế của nước này chao đảo.

Đã hơn một tháng trôi qua kể từ khi cuộc chiến tranh khai màn, và đồng Rúp Nga đã mất đi phần lớn giá trị, trong khi trái phiếu và cổ phiếu Nga đồng loạt bị loại khỏi các chỉ số toàn cầu. Người dân Nga đang trải qua một thời kỳ khó khăn kinh tế có thể kéo dài trong nhiều năm.

Hãng tin Reuters đã điểm lại 5 “vết sẹo” mà chiến tranh Nga-Ukraine gây ra cho nền kinh tế Nga, tính đến thời điểm này:

SUY THOÁI LÀ TẤT YẾU

Năm 2020, Nga là nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới, theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB). Nhưng đến cuối năm nay, nước này có thể tụt xuống vị trí 15 hoặc thấp hơn – theo dự báo của ông Jim O’Neill, cựu chuyên gia kinh tế trưởng của ngân hàng Goldman Sachs, tác giả của thuật ngữ BRIC chỉ nhóm 4 nền kinh tế mới nổi lớn là Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc.

Nền kinh tế Nga được cho là tất yếu sẽ rơi vào suy thoái. Các chuyên gia được Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) khảo sát dự báo nước này sẽ chứng kiến nền kinh tế suy giảm 8% trong năm nay và lạm phát có thể lên tới 20%.

Dự báo của giới chuyên gia quốc tế thậm chí còn bi quan hơn. Viện Tài chính Quốc tế (IIF) dự báo kinh tế Nga giảm 15% trong năm 2022, và sẽ giảm thêm 3% trong năm 2023.

“Nhìn chung, các dự báo của chúng tôi có nghĩa là các diễn biến hiện nay sẽ xoá sạch thành qua kinh tế của Nga trong khoảng 15 năm”, một báo cáo của IIF nhận định.

Kinh tế Nga có thể đánh mất thành quả phát triển 15 năm vì chiến tranh với Ukraine. Đơn vị: nghìn tỷ Rúp - Nguồn: IIF/Reuters.
Kinh tế Nga có thể đánh mất thành quả phát triển 15 năm vì chiến tranh với Ukraine. Đơn vị: nghìn tỷ Rúp - Nguồn: IIF/Reuters.

LẠM PHÁT BÙNG NỔ

Từ khi nhậm chức vào năm 2013, Thống đốc CBR Elvira Nabiullina đạt thành tựu lớn nhất là hạ lạm phát ở Nga từ mức 17% vào năm 2015 xuống còn 2% vào đầu năm 2018. Khi áp lực giá cả gia tăng hậu Covid-19, bà Nabiullina đã bỏ qua sức ép từ giới công nghiệp ở Nga, tăng lãi suất trong 8 tháng liên tiếp.

Năm 2014-2015, bà Nabiullina cũng bỏ qua những lời kêu gọi về áp kiểm soát vốn nhằm ngăn dòng vốn chảy khỏi Nga sau khi nước này sáp nhập bán đảo Crimea. Dưới sự lãnh đạo được đánh giá là tài tình của vị nữ Thống đốc, CBR đã tích luỹ được dự trữ ngoại hối vào hãng lớn nhất thế giới, đạt khoảng 640 tỷ USD trước khi chiến tranh nổ ra.

Tuy nhiên, những thành quả đó đã bị phá hỏng trong chưa đầy 1 tháng.

Tốc độ tăng giá cả năm ở Nga đã tăng lên mức 14,5% và có thể vượt 20%, cao gấp 5 lần so với mục tiêu của CBR. Lạm phát hộ gia định được dự báo vượt 18% trong vòng 1 năm tới đây, mức cao nhất trong 11 năm.

Việc người dân đổ xô đi mua hàng hoá tích trữ là một nguyên nhân đẩy lạm phát tăng, nhưng sự mất giá của đồng Rúp được dự báo sẽ khiến áp lực giá cả duy trì ở mức cao.

Với phần lớn dự trữ ngoại hối của Nga đã bị đóng băng bởi các biện pháp trừng phạt của phương Tây, bà Nabiullina buộc phải tăng hơn gấp đôi lãi suất vào hôm 28/2 và áp các biện pháp kiểm soát vốn. CBR giờ đây dự báo rằng phải đến năm 2024 lạm phát của Nga mới giảm về mức mục tiêu.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI - màu xanh nhạt) và CPI thực phẩm (màu xanh đậm) của Nga. Đơn vị: %.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI - màu xanh nhạt) và CPI thực phẩm (màu xanh đậm) của Nga. Đơn vị: %.

NGA BỊ LOẠI KHỎI CÁC CHỈ SỐ CHỨNG KHOÁN TOÀN CẦU

Các biện pháp trừng phạt áp lên Nga buộc các nhà cung cấp chỉ số phải loại nước này khỏi các chỉ số tham chiếu vốn là cơ sở để các nhà đầu tư rót hàng tỷ USD vào các thị trường mới nổi.

JPMorgan Chase, MSCI và nhiều nhà cung cấp chỉ số khác đã tuyên bố loại Nga khỏi các chỉ số trái phiếu và cổ phiếu của họ. Vị thế của Nga trong các chỉ số này vốn dĩ đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các biện pháp trừng phạt của phương Tây vào năm 2014, sau Nga sáp nhập Crimea, và tiếp đó là vào năm 2014, sau vụ hạ độc một cựu điệp viên Nga ở Anh và những cáo buộc về việc Nga can thiệp vào bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.

Đến ngày 31/3 này, tỷ trọng của Nga trong các chỉ số cổ phiếu và trái phiếu toàn cầu sẽ bị các nhà cung cấp chỉ số chính cắt giảm về 0.

Tỷ trọng của Nga trong các chỉ số trái phiếu của JPMorgan Chase. Đơn vị: % - Nguồn: Reuters.
Tỷ trọng của Nga trong các chỉ số trái phiếu của JPMorgan Chase. Đơn vị: % - Nguồn: Reuters.

ĐỊNH HẠNG TÍN NHIỆM CỦA NGA GIẢM “KHÔNG PHANH”

Khi lực lượng của Nga chưa tấn công Ukraine, nước này được ba tổ chức đánh giá tín nhiệm lớn nhất thế giới gồm S&P Global, Moody’s và Fitch dành cho định hạng tín nhiệm khuyến nghị đầu tư (investment grade). Điểm tín nhiệm này cho phép Moscow được vay vốn trên thị trường trái phiếu với lãi suất tương đối rẻ. Khi đó, không ai cho rằng Nga có thể rơi vào cảnh vỡ nợ.

Nhưng trong vòng 4 tuần qua, Nga chứng kiến cú sụt giảm điểm tín nhiệm lớn nhất mà một quốc gia trên thế giới từng phải trải qua từ trước đến nay. Chính phủ Nga hiện đang ở mức đáy của thang tín nhiệm, đối mặt khả năng một vụ vỡ nợ cấp quốc gia có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.

Điểm tín nhiệm của Nga giảm mạnh chưa từng thấy trong lịch sử - Nguồn: Reuters.
Điểm tín nhiệm của Nga giảm mạnh chưa từng thấy trong lịch sử - Nguồn: Reuters.

ĐỔNG RÚP RỚT GIÁ XUỐNG MỨC THẤP KỶ LỤC

Cách đây 1 tháng, tỷ giá bình quân của đồng Rúp trong vòng 1 năm là 74 Rúp đổi 1 USD. Hoạt động giao dịch trên các nền tảng khác nhau đều cho thấy đồng Rúp có thanh khoản dồi dào.

Nhưng tất cả đã thay đổi. Do phần lớn dự trữ ngoại hối của CBR bị đóng băng, tỷ giá đồng Rúp đã rớt xuống mức thấp kỷ lục 120 Rúp đổi 1 USD tại thị trường trong nước. Ở thị trường ngoài nước, tỷ giá Rúp thậm chí giảm còn 160 Rúp đổi 1 USD.

Ở thời điểm hiện tại, việc định giá đồng Rúp vẫn còn rất bấp bênh. Tỷ giá đồng Rúp ở thị trường trong nước và ngoài nước vẫn chưa thể trở lại trạng thái cân bằng.

Tỷ giá đồng Rúp sụt giảm và có sự chênh lệch lớn tại các thị trường khác nhau. Đơn vị: Rúp đổi 1 USD - Nguồn: Reuters.
Tỷ giá đồng Rúp sụt giảm và có sự chênh lệch lớn tại các thị trường khác nhau. Đơn vị: Rúp đổi 1 USD - Nguồn: Reuters.