Nga tính bán dầu lấy Bitcoin
“Rõ ràng, Nga đang muốn đa dạng hoá các đồng tiền thanh toán trong giao dịch năng lượng”, một chuyên gia nhận định...
Đối mặt với lệnh trừng phạt cứng rắn của phương Tây, Nga đang xem xét chấp nhận Bitcoin làm phương tiện thanh toán cho các giao dịch xuất khẩu dầu thô và khí đốt.
Trong một cuộc họp báo video ngày 24/3, ông Pavel Zavalny, Chủ tịch uỷ ban năng lượng thuộc Quốc hội Nga, nói rằng khi bán năng lượng cho các quốc gia “thân thiện” như Trung Quốc hay Thổ Nhĩ Kỳ, Nga sẵn sàng linh hoạt hơn trong các lựa chọn thanh toán.
Ông Zavalny nói Nga có thể bán dầu khí cho các nước nói trên để được thanh toán bằng tiền giấy của các nước đó, cũng như bằng Bitcoin. Ông cho biết Nga đang xem xét những phương thức này để đảm bảo hoạt động xuất khẩu năng lượng được diễn ra trơn tru, trong bối cảnh các biện pháp trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) khiến việc mua-bán dầu khí Nga gặp trở ngại về thanh toán và một số vấn đề khác.
“Chúng tôi từ lâu đã đề xuất Trung Quốc chuyển sang thanh toán bằng đồng nội tệ của hai nước là Rúp và Nhân dân tệ”, ông Zalvani phát biểu. “Với Thổ Nhĩ Kỳ, đó sẽ là đồng Lira và Rúp”.
“Và chúng tôi cũng có thể chấp nhận Bitcoin”, hãng tin CNBC dẫn lời ông Zalvany.
Giá Bitcoin tăng sau những phát ngôn trên từ Nga. Lúc hơn 8h sáng nay (25/3) theo giờ Việt Nam, giá Bitcoin dao động trên mốc 44.000 USD, tăng 2,7% so với cách đó 24 tiếng, nâng tổng mức tăng trong 1 tuần trở lại đây lên 8,6% - theo dữ liệu từ Coinmarketcap.com.
Trong cuộc họp báo này, ông Zalvany nhắc lại cam kết mà Tổng thống Vladimir Putin đưa ra hôm thứ Tư về yêu cầu các quốc gia “không thân thiện” phải trả bằng đồng Rúp khi mua khí đốt của Nga. Tuyên bố này của ông Putin đã khiến giá khí đốt ở châu Âu tăng mạnh.
“Nếu họ muốn mua, hãy để họ thanh toán bằng tiền mạnh hoặc bằng đồng Rúp. Tiền mạnh đối với chúng tôi là vàng, còn thanh toán bằng Rúp thì rất tiện cho chúng tôi”, ông Zalvany phát biểu, nhắc lại lời cảnh báo của ông Putin trước đó một ngày.
Mỹ đã cấm nhập khẩu dầu thô và khí đốt từ Nga như một biện pháp đáp trả cuộc chiến của Nga ở Ukraine. Tuy nhiên, Liên minh châu Âu (EU) đến hiện tại chưa gia nhập biện pháp này của Mỹ, mà nguyên nhân quan trọng là sự phụ thuộc của khu vực này vào nguồn năng lượng từ Nga.
“Rõ ràng, Nga đang muốn đa dạng hoá các đồng tiền thanh toán trong giao dịch năng lượng”, nhà đồng sáng lập Nic Carter của Coin Metrics phát biểu. Ông Carter nói với CNBC rằng Nga đang chuẩn bị cho một cuộc dịch chuyển tương tự như hồi năm 2014, khi nước này bắt đầu thoái hết vốn khỏi trái phiếu kho bạc Mỹ.
“Nga đã không chuẩn bị đầy đủ cho việc dự trữ ngoại hối của mình bị đóng băng”, ông Carter nhấn mạnh, nhưng cho rằng Nga đang rất nghiêm túc trong việc dịch chuyển khỏi đồng USD. “Họ có thứ mà thế giới cần. Nga là nước xuất khẩu khí đốt lớn nhất thế giới”.
Bằng nỗ lực như vậy, Nga có thể biến tài nguyên năng lượng của mình thành những tài sản có thể sử dụng được bên ngoài hệ thống USD.
Về phần mình, Tổng thống Putin có vẻ như đã thay đổi quan điểm về Bitcoin. Mới năm ngoái, ông chủ điện Kremlin nói với kênh CNBC rằng ông tin Bitcoin có giá trị nhưng không cho rằng tiền ảo này có thể thay thế đồng USD trong giao dịch dầu lửa.
Giờ đây, Nga đang cân nhắc đưa Bitcoin trở thành một phương tiện thanh toán cho hoạt động xuất khẩu quan trọng nhất của nước này. Nhưng hiện chưa rõ Bitcoin – với mức độ thanh khoản tương đối thấp – có thể hậu thuẫn các giao dịch thương mại quốc tế ở quy mô như vậy hay không.