10:04 26/04/2011

Nợ đầm đìa, EVN vẫn được ưu ái

Bảo Anh

Những con số được công bố về khoản nợ và lỗ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã khiến không ít người bất ngờ

Nếu các khoản nợ của EVN được đưa vào phương án giá điện thì chắc chắn giá điện sẽ tiếp tục tăng cao.
Nếu các khoản nợ của EVN được đưa vào phương án giá điện thì chắc chắn giá điện sẽ tiếp tục tăng cao.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa cho biết, các khoản nợ lên đến hàng nghìn tỷ đồng liên quan đến mua bán điện của tập đoàn là chưa thể thanh toán vào thời điểm này.

Trước đó, một "ông lớn" khác là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) thì cho biết, hiện số nợ của EVN đối với Petro Vietnam đã lên đến con số 5.000 tỷ đồng, trong đó phần lớn là các khoản mua điện từ các đơn vị thành viên của Petro Vietnam.

Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cũng công bố con số mà EVN đang nợ tập đoàn này là khoảng 1.600 tỷ đồng, chủ yếu từ việc mua than để phát điện.

Còn tại một cuộc họp liên quan đến các khoản nợ của EVN do Bộ Công Thương chủ trì mới đây, Công ty Điện lực Hiệp Phước (một đơn vị bán điện cho EVN), cho biết hiện số nợ mà EVN đang nợ doanh nghiệp này đã lên đến trên 36 triệu USD, tương đương khoảng 750 tỷ đồng.

Theo ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc EVN, nếu tính toán đầy đủ, hiện số nợ của EVN đối với các tập đoàn, doanh nghiệp khác đã lên đến xấp xỉ 8.000 tỷ đồng. Đó là chưa tính đến khoản lỗ khoảng 17.000 tỷ đồng do chênh lệch tỷ giá tính đến cuối năm 2010.

Cũng theo lãnh đạo EVN, cái khó cho tập đoàn này là lẽ ra khoản lỗ do chênh lệch tỷ giá trên phải được hạch toán vào chi phí trong sản xuất kinh doanh. Nhưng trong tính toán giá điện, các bộ ngành cũng không dự báo được tỷ giá sẽ lên bao nhiêu trong thời gian tới, cho nên không chấp nhận đưa vào giá điện năm 2011.

Đáng chú ý, trong khi lãnh đạo Bộ Công Thương mới đây lý giải cho việc tăng giá điện chủ yếu là để giảm lỗ cho EVN, thì thông tin từ lãnh đạo EVN lại cho hay, các khoản nợ, lỗ của tập đoàn này trong năm 2010 hoàn toàn chưa được hạch toán vào phương án giá điện năm 2011.

Theo ông Đinh Quang Tri, hiện số tiền trên vẫn được EVN “treo” lại, còn nếu tính ngay vào giá điện năm nay thì giá thành thì giá điện sẽ đội lên rất cao.

Về phía các chủ nợ, dù số nợ lên đến hàng nghìn tỷ đồng, song cả Petro Vietnam và TKV đều tỏ ra khá ưu ái với EVN.

Ông Đinh La Thăng, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Petro Vietnam khẳng định, dù số nợ của EVN đối với Petro Vietnam là tương đối lớn, song tập đoàn này hoàn toàn “thông cảm” với EVN vì đều là tập đoàn kinh tế nhà nước, đều có trách nhiệm như nhau, nên cũng không gây khó dễ mà hai bên sẽ tìm cách giải quyết hợp lý.

Còn đối với TKV, tập đoàn này cũng thể hiện thiện chí bằng việc tiếp tục bán điện, bán than cho EVN. Tuy nhiên, đại diện TKV cho hay, sau khi giá điện được điều chỉnh tăng hồi đầu tháng 3 vừa qua, tập đoàn này đã làm việc với EVN để các khoản nợ có thể sẽ phải thanh toán hết trong năm nay.

Thế nhưng, được biết sau buổi làm việc giữa Bộ Công Thương và các bên liên quan vào cuối tuần qua, cả EVN và TKV vẫn chưa thống nhất được phương án giải quyết khoản nợ nói trên.

Trong khi đó, tại thông báo số 189/BCT truyền đạt ý kiến của Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng về tình hình các khoản công nợ của EVN, Bộ trưởng nhấn mạnh, yêu cầu Công ty Điện lực Hiệp Phước vẫn phải duy trì phát điện, cấp điện liên tục cho khách hàng trong khu vực đã được phát điện (trước đó công ty này “dọa” sẽ cắt điện nếu EVN không thanh toán các khoản nợ).

Tuy nhiên, Bộ trưởng yêu cầu EVN phải ưu tiên thanh toán các khoản nợ với Hiệp Phước như đã hứa. Còn với các khoản nợ của EVN đối với các tập đoàn khác, Bộ trưởng yêu cầu Cục Điều tiết điện lực, Vụ Năng lượng tổ chức các cuộc họp với các bên để lãnh đạo hai Bộ Công Thương, Tài chính xem xét, quyết định.