09:43 04/12/2012

“Nở rộ” vi phạm của cổ đông nội bộ

Hoàng Xuân

Từ đầu năm đến nay, Ủy ban Chứng khoán đã phát hiện và xử lý hơn 50 trường hợp vi phạm của các cổ đông nội bộ

Theo lãnh đạo của Vụ Thanh tra, có rất nhiều trường hợp vi phạm lần đầu,
 do thiếu hiểu biết, đặc biệt là những đối tượng là người có liên quan 
(anh, chị em...) của cổ đông nội bộ công ty niêm yết.
Theo lãnh đạo của Vụ Thanh tra, có rất nhiều trường hợp vi phạm lần đầu, do thiếu hiểu biết, đặc biệt là những đối tượng là người có liên quan (anh, chị em...) của cổ đông nội bộ công ty niêm yết.
Chậm báo cáo thông tin, thậm chí là quên luôn nghĩa vụ phải công bố thông tin mỗi khi thực hiện mua bán cổ phiếu, các cổ đông nội bộ, người liên quan khi vi phạm đều đã và đang phải nhận các hình thức kỷ luật, nhẹ thì nhắc nhở, cảnh cáo, nặng thì phạt tiền và đình chỉ giao dịch. Tuy nhiên, không vì thế mà tình trạng vi phạm công bố thông tin của các đối tượng này được giải quyết dứt điểm.

Trên website của hai sở giao dịch chứng khoán: HOSE và HNX vẫn luôn có những nhắc nhở, cảnh cáo các cổ đông nội bộ, người liên quan về việc chậm công bố thông tin, thậm chí là quên không công bố khi thực hiện giao dịch cổ phiếu.

Mới đây nhất, ngày 3/12/2012, Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM nhắc nhở Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất thép Việt là tổ chức có liên quan của ông Đỗ Duy Thái- Thành viên Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần thép Pomina (mã POM) đã mua 926.338 cổ phiếu POM từ ngày 9/8/2012 đến 30/11/2012 nhưng không công bố thông tin và không báo cáo kết quả giao dịch sau khi đăng ký giao dịch ngày 29/6/2012.

Hoặc như trường hợp bà Trương Thị Thanh Thanh là chị ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần FPT (mã FPT) đã báo cáo kết quả giao dịch ngày 30/11/2012 chậm so với quy định...

Vi phạm vì thiếu hiểu biết?


Một thống kê mới nhất từ Vụ Thanh tra, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cho thấy, từ đầu năm đến nay, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã phát hiện và xử lý hơn 50 trường hợp vi phạm của các cổ đông nội bộ của tổ chức niêm yết (thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát, ban giám đốc, kế toán trưởng) và các tổ chức, cá nhân có liên quan không thực hiện báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán khi thực hiện giao dịch và không công bố thông tin khi giao dịch cổ phiếu của chính công ty niêm yết; vi phạm của cổ đông lớn của công ty đại chúng không tuân thủ chế độ báo cáo theo quy định.

Điều đáng nói là trong các vi phạm, có nhiều trường hợp chưa nhận thức được nghĩa vụ và trách nhiệm của mình theo quy định của pháp luật.

Theo lãnh đạo của Vụ Thanh tra, có rất nhiều trường hợp vi phạm lần đầu, do thiếu hiểu biết, đặc biệt là những đối tượng là người có liên quan (anh, chị em...) của cổ đông nội bộ công ty niêm yết.

Nhiều trường hợp ủy quyền cho người thân thực hiện giao dịch nên không biết phải thực hiện nghĩa vụ báo cáo, công bố thông tin về giao dịch. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã phân loại các vi phạm theo nhiều cấp độ để có thể xử phạt chính xác và phù hợp.

Lãnh đạo Vụ Thanh tra cũng thừa nhận rằng, mặc dù Thông tư 09/2010/TT-BTC (nay là Thông tư 52/2012/TT-BTC) đã quy định khá đầy đủ, chi tiết nghĩa vụ công bố thông tin của cổ đông nội bộ, cổ đông lớn của tổ chức niêm yết và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán, tăng cường công tác giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm về công bố thông tin của cổ đông lớn, cổ đông nội bộ và người có liên quan theo đúng quy định, song các vi phạm này vẫn diễn ra.  

Đáng nói hơn là trên thực tế, các trường hợp vi phạm về công bố thông tin của các cổ đông nội bộ, cổ đông lớn và người có liên quan thường chỉ bị phát hiện sau đó và cơ quan quản lý ra quyết định xử phạt.

Nhiều người cũng đặt dấu hỏi rằng: liệu có phải vì việc giám sát, phát hiện được các giao dịch của các cổ đông nội bộ, cổ đông lớn và người có liên quan tại các Sở Giao dịch Chứng khoán đang gặp phải khó khăn?

Đại diện Vụ Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, vừa qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã hoàn thiện lại quy trình phối hợp giám sát, xử lý vi phạm.

Hiện nay, việc giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán phải tuân theo quy trình chặt chẽ, theo đó Sở Giao dịch Chứng khoán là đơn vị giám sát tuyến đầu.

Sở giao dịch chứng khoán giám sát giao dịch và công bố thông tin của các cổ đông lớn, cổ đông nội bộ và người có liên quan dựa trên các thông báo, báo cáo kết quả giao dịch mà các đối tượng này đã công bố, các dữ liệu giao dịch tại sở giao dịch chứng khoán và các dữ liệu khác. Cách thức giám sát của sở giao dịch chứng khoán theo thông lệ quốc tế hiện nay là thực hiện hậu kiểm nên không phát hiện vi phạm ngay tức thời.

Sau khi kiểm tra, phát hiện vi phạm, sở giao dịch chứng khoán yêu cầu đối tượng giải trình, cung cấp các tài liệu liên quan và báo cáo lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để xử lý theo quy định của pháp luật. Sở giao dịch chứng khoán công bố thông tin theo quy trình đối với một số hành vi vi phạm sở giao dịch chứng khoán phát hiện.  

Giải quyết tận gốc, cần có thời gian


Trong kế hoạch công tác thanh tra, xử lý vi phạm trên thị trường chứng khoán năm 2012, ngay từ đầu năm, cơ quan quản lý thị trường chứng khoán đã đề ra quyết tâm trong việc tăng cường giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm về công bố thông tin.

Đặc biệt, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã tăng cường xử phạt các tổ chức không tuân thủ chế độ công bố thông tin quy định tại Thông tư 52/2012/TT-BTC, yêu cầu các doanh nghiệp sau khi chấp hành quyết định xử phạt phải xác định trách nhiệm cá nhân, báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đăng công khai việc xác định trách nhiệm cá nhân này.

“Ngoài việc gia tăng hoạt động thanh tra, xử lý các hành vi vi phạm về công bố thông tin thì việc áp dụng các khung hình phạt cao hơn cũng đã được tính đến. Vừa qua, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 85/2010/NĐ-CP theo hướng tăng mức xử phạt bằng tiền lên tối đa là 100 triệu đồng. Đối với vi phạm của tổ chức niêm yết, ngoài việc tăng mức phạt tiền, dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 85/2010/NĐ-CP còn quy định hình thức xử phạt bổ sung là buộc huỷ bỏ niêm yết, đăng ký giao dịch đối với tổ chức niêm yết vi phạm quy định về công bố thông tin”, lãnh đạo Vụ Thanh tra nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, nhằm ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm chế độ báo cáo, công bố thông tin của tổ chức niêm yết, cổ đông nội bộ và người có liên quan, bên cạnh việc xử phạt vi phạm hành chính, các sở giao dịch chứng khoán cũng đã đề xuất và đưa vào áp dụng các biện pháp xử lý mạnh tay hơn như: tạm đình chỉ giao dịch đối với các đối tượng cổ đông nội bộ, cổ đông lớn, người có liên quan có hành vi vi phạm nhiều lần, tái phạm; đối với tổ chức niêm yết thì có thể áp dụng các biện pháp nhắc nhở (đối với vi phạm lần đầu), cảnh báo trên toàn thị trường hoặc đưa vào diện bị kiểm soát (đối với trường hợp vi phạm nhiều lần), tạm ngừng giao dịch, huỷ niêm yết (đối với trường hợp tái phạm, vi phạm có tính chất mức độ nghiêm trọng hoặc không khắc phục được tình trạng bị kiểm soát).

(Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam)