16:47 10/04/2008

“Nỗi đau” trong “gia đình” FED

Kiều Oanh

Bóng đen khủng hoảng tài chính đang gây ra những lục đục trong “gia đình” Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED)

Khuôn mặt trầm tư của đương kim Chủ tịch FED, ông Ben Bernanke.
Khuôn mặt trầm tư của đương kim Chủ tịch FED, ông Ben Bernanke.
Bóng đen khủng hoảng tài chính đang gây ra những lục đục trong “gia đình” Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).

Sếp cũ “chì chiết” sếp mới

Trong một bài phát biểu hôm 8/4, một cựu chủ tịch nhiều ảnh hưởng của FED là ông Paul Volcker, nhân vật đã giải quyết “gọn ghẽ” tình trạng lạm phát cao tại Mỹ vào những năm 1980, đã lên tiếng khiển trách đương kim Chủ tịch Ben Bernanke về việc dàn xếp và cấp vốn cho JP Morgan Chase mua lại tập đoàn tài chính bên bờ vực phá sản Bear Stearns.

“Ngoài sự cần thiết như đã biết của việc can thiệp, FED đã sử dụng quyền lực của mình theo một cách thức không tự nhiên mà cũng chẳng dễ chịu đối với một ngân hàng trung ương”, Volcker nhận xét trước Câu lạc bộ Kinh tế New York.

Nhận định này của ông Volcker được đưa ra cùng ngày với việc một người tiền nhiệm khác của ông Bernanke, vị cựu chủ tịch huyền thoại Alan Greenspan, lên tiếng phản đối những lời chỉ trích cho rằng chính sách của ông lúc đương quyền đã gây ra tình trạng “bong bóng” trên thị trường bất động sản. Lời “bật lại” của ông Greenspan cho rằng những lời phê bình như vậy là “không công bằng” đối với ông được đăng tải trên tờ Wall Street Journal.

Ông Greenspan đã “chèo lái” FED trong suốt 18 năm ròng và đó là một thời kỳ mà kinh tế Mỹ nói chung tăng lành mạnh và lạm phát thấp.

“Trước đây chưa bao giờ các cựu chủ tịch FED lại liên tiếp lên tiếng công khai về cách điều hành của đương kim chủ tịch như hiện nay”, nhà kinh tế học Allan Meltzer tại Đại học Carnegie Mellon ở bang Pittsburgh, đồng thời cũng là một nhà lịch sử học hàng đầu về chính sách của FED, nhận định.

Trên thực tế, cùng với việc chỉ trích Ben Bernanke, Volcker cũng ngầm đặt một dấu hỏi bên cạnh Greenspan đi đầu trong việc cổ vũ hệ thống tài chính kiểu mới của nước Mỹ. Theo Volcker, “với những thành viên đầy tài năng và lợi nhuận khổng lồ”, hệ thống tài chính này đã “thất bại trước thử thách của thị trường”.

Dưới thời Volcker, FED tuyệt đối phải có tiếng nói nhất quán và bất kỳ sự bất đồng nội bộ nào, nếu có, cũng đều bị “dìm” xuống. Duy nhất chỉ có một lần Volcker phải đối mặt với một vụ “nổi dậy” công khai trong Ban Thống đốc vào năm 1986. Khi đó, suýt nữa thì Volcker đã phải từ chức, nhưng rốt cục, chính “đối thủ” của ông là Preston Martin mới là người phải ra đi.

Greenspan đã tiếp tục truyền thống chuyên quyền tại FED. Ông nổi tiếng là người có những tuyên bố chính sách “khó hiểu”. Theo Volcker, chỉ những người có trình độ thâm sâu mới có thể hiểu nổi những tuyên bố của Greenspan khi còn đương chức.

Cho đến giờ, Greenspan vẫn rất vững vàng khi trong suốt cuộc phỏng vấn, ông không hề tỏ ra hối hận về bất kỳ một quyết định nào mà ông đã đưa ra trên cương vị Chủ tịch FED.

Tiếp quản ghế Chủ tịch từ Greenspan vào năm 2006 và hứa hẹn sự minh bạch chính sách lớn hơn trong FED, Bernanke đã phải nỗ lực rất nhiều nhằm duy trì mức độ ủng hộ đối với ông.

Nội bộ “lục đục”

Biên bản cuộc họp của FED được công bố hôm 8/4 vừa qua đã cho thấy mức độ bất đồng lớn giữa các quan chức hàng đầu hiện nay của tổ chức này.

Hai trong số 10 nhân vận này đã bỏ phiếu chống đối với việc cắt giảm lãi suất USD thêm 0,75% hôm 18/3 vừa rồi. Mặc dù sự bất đồng như vậy không phải là chưa từng có tiền lệ, nhưng đây là lần đầu tiên một quyết định của FED phải đương đầu với hai phiếu chống kể từ tháng 9/2002 trở lại đây.

Hai nhân vật phản đối việc cắt giảm lãi suất là Richard Fisher, Chủ tịch FED tại Dallas và Charles Plosser, Chủ tịch FED tại Philadelphia. Họ cho rằng, việc cắt giảm thêm lãi suất chẳng khác gì “đổ thêm dầu vào lửa” đối với lạm phát.

Plosser lập luận rằng, FED “không thể đợi cho tới khi có những bằng chứng rõ ràng cho thấy tình trạng lạm phát vượt ngoài tầm kiểm soát, vì tới khi đó sẽ đã là quá muốn để ngăn chặn sự gia tăng mạnh mẽ những áp lực lạm phát”.

Hai vị quan chức này cũng cho rằng, những nỗ lực khác của FED để khôi phục niềm tin của các tổ chức cho vay - bao gồm quyết định bơm vốn với lãi suất ưu đãi cho các ngân hàng đầu tư để đối lấy những khoản thế chấp khá rủi ro từ những tổ chức này - sẽ có hiệu quả và đúng lúc hơn trong việc cải thiện tình hình kinh tế Mỹ.

Cũng theo biên bản cuộc họp này, phần lớn các quan chức của FED cho rằng, kinh tế Mỹ có thể sẽ co lại trong nửa đầu năm nay, và “không thể loại trừ khả năng một giai đoạn đi xuống kéo dài và nghiêm trọng của nền kinh tế”. FED cũng dự báo, thị trường nhà đất Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu tan băng, và giá nhà có thể sẽ còn tiếp tục sụt giảm thêm.

Những người đứng đầu FED cũng khẳng định họ đang ở trong một tình thế rất khó xử. Việc xác định mức độ nới lỏng chính sách tiền tệ tới mức nào là hợp lý đang làm các vị quan chức này đau đầu. Nếu cắt giảm lãi suất “quá tay”, chắc chắn lạm phát sẽ vọt ra ngoài tầm kiểm soát.

Nhà kinh tế học Metlzer cũng đồng ý với quan điểm này. “Chủ tịch Bernanke đang phải chịu áp lực cực lớn từ phía Quốc hội, thị trường, và cả Tổng thống nữa”, ông Metlzer nói.

“Như ông Greenspan đã nhận ra, thậm chí sau khi một chủ tịch FED đã “về vườn”, ông ta vẫn phải đương đầu với những lời chỉ trích từ những ai đã từng nhiệt liệt hoan nghênh ông ta lúc đương quyền”, nhà kinh tế này nói thêm.