07:44 06/04/2023

Nỗi lo suy thoái kéo S&P 500 tụt điểm, giá dầu loay hoay tìm xu hướng

Bình Minh

Giờ đây, tin xấu không còn được thị trường coi là tin tốt nữa, mà thực sự là tin xấu...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (5/4), khi một loạt số liệu kinh tế yếu làm dấy lên lo ngại rằng việc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tăng lãi suất mạnh tay rốt cục có thể đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái. Dầu thô vững giá do vừa được hỗ trợ bởi quyết định cắt giảm sản lượng bất ngờ của OPEC+ vào cuối tuần vừa rồi, vừa chịu áp lực giảm từ nguy cơ suy giảm nhu cầu tiêu thụ năng lượng nếu xảy ra suy thoái kinh tế.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 0,24%, đạt 33.482,72 điểm, một phần nhờ sự vượt trội của cổ phiếu y tế trong phiên này. Chỉ số S&P 500 mất 0,25% điểm số, còn 4.090,38 điểm. Nasdaq là chỉ số có kết quả tệ nhất, giamr 1,07%, chốt phiên ở 1.996,86 điểm.

Nhà đầu tư ở Phố Wall nghiền ngẫm số liệu kinh tế mới nhất của tuần này để xác định xem có đúng là thị trường việc làm đang suy yếu hay không. Báo cáo hàng tháng của công ty dịch vụ tuyển dụng tư nhân ADP công bố ngày thứ Tư cho thấy tăng trưởng việc làm đã chậm lại trong tháng 3. Trước đó, một báo cáo của Bộ Lao động Mỹ hôm thứ Ba cho thấy số vị trí cần tuyển dụng giảm dưới mức 10 triệu công việc trong tháng 2, đánh dấu lần giảm đầu tiên như vậy trong khoảng 2 năm trở lại đây.

Suốt nhiều tháng qua, nhà đầu tư thường hào hứng khi đón nhận những dấu hiệu giảm nhiệt của nền kinh tế vì họ hy vọng rằng việc đó có thể khiến Fed sớm thay đổi lập trường chính sách tiền tệ từ cứng rắn sang mềm mỏng. Nhưng giờ đây, tin xấu không còn được thị trường coi là tin tốt nữa, mà thực sự là tin xấu. Nhà đầu tư đang tự hỏi liệu Fed đã đi quá xa trong cuộc chiến chống lạm phát, thắt chặt tới mức nền kinh tế giảm tốc mạnh hoặc thậm chí rơi vào suy thoái - theo Phó chủ tịch Rob Haworth của US Bank Wealth Management trong một cuộc trao đổi với hãng tin CNBC.

“Thị trường bây giờ lo ngại hơn về các số liệu kinh tế và cố gắng xác định xem Fed sẽ nâng lãi suất tới đâu. Nhiều người bắt đầu nghĩ đến suy thoái. Thị trường phải bắt đầu phản ánh nỗi lo đó vào giá các tài sản, vì đến giờ nỗi lo đó chưa được phản ánh. Bởi vậy, tin xấu bây giờ chắc chắn là tin xấu”, ông Haworth phát biểu.

Ngày thứ Năm, thị trường sẽ đón nhận báo cáo của Bộ Lao động Mỹ về số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu và bài phát biểu của Chủ tịch Fed chi nhánh St. Louis, ông James Bullard. Thị trường sẽ đóng cửa phiên ngày thứ Sáu để nghỉ lễ Good Friday, nhưng Bộ Lao động Mỹ vẫn sẽ công bố báo cáo việc làm tổng thể của tháng 3, với các số liệu quan trọng về số lượng việc làm mới, tỷ lệ thất nghiệp và tiền lương theo giờ.

“Nỗi lo suy thoái kinh tế đang thống trị trên thị trường”, nhà quản lý danh mục Jay Hatfield của InfraCap nhận định.

Phản ánh nỗi lo về kinh tế và biến động gần đây trong ngành ngân hàng, thị trường lãi suất tương lai đang phản ánh khả năng 61% Fed sẽ cắt giảm lãi suất trong cuộc họp vào tháng 7 -theo dữ liệu từ sàn CME.

Trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500, có 7 nhóm chốt phiên trong sắc đỏ, dẫn đầu là nhóm tiêu dùng không thiết yếu với mức giảm 2,04%, tiếp theo là nhóm công nghiệp với mức giảm 1,3%.

Tuần tới, mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 1/2023 trên thị trường chứng khoán Mỹ sẽ khởi động bằng loạt báo cáo từ các ngân hàng lớn gồm JPMorgan Chase và Citigroup. Giới phân tích dự báo lợi nhuận bình quân của các công ty trong S&P 500 trong 3 tháng đầu năm giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London tăng 0,05 USD/thùng, chốt ở 84,99 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 0,1 USD/thùng, còn 80,61 USD/thùng.

Phiên này, giá dầu chịu áp lực giảm từ nỗi lo suy thoái kinh tế, vì một cuộc suy thoái sẽ gây suy giảm nhu cầu tiêu thụ năng lượng. Nhưng mặt khác, giá dầu cũng được hỗ trợ bởi thống kê hàng tuần cho thấy lượng tồn kho dầu thô của Mỹ giảm mạnh hơn dự báo. Ngoài ra, động thái cắt giảm sản lượng hơn 1 triệu thùng/ngày của OPEC+ cũng tiếp tục hỗ trợ thị trường “vàng đen”.

OPEC+ là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên ngoài khối gồm Nga.

Theo số liệu của Chính phủ Mỹ, tồn kho dầu thô của nước này giảm 3,7 triệu thùng trong tuần trước, nhiều hơn khoảng 1,5 triệu thùng so với mức giảm được dự báo. Tồn kho xăng và các sản phẩm chưng cất cũng giảm mạnh hơn dự báo, tương ứng giảm 4,1 triệu thùng và 3,6 triệu thùng.

Hôm thứ Hai, giá dầu tăng hơn 6% vì quyết định giảm sản lượng của OPEC+. Báo cáo việc làm Mỹ vào ngày thứ Sáu được cho là sẽ ảnh hưởng nhiều tới diễn biến giá dầu tuần tới, trong bối cảnh các số liệu kinh tế yếu đi gần đây của Mỹ và Trung Quốc làm dấy lên lo ngại về nhu cầu tiêu thụ dầu.

“Đang nổi lên nỗi lo về tăng trưởng kinh tế, vì hoạt động sản xuất ở cả Trung Quốc, Eurozone và Mỹ đều yếu đi trong tháng 3”, chuyên gia Tamas Varga của công ty môi giới dầu lửa PVM Oil nhận định.