10:37 27/05/2015

Nỗi lo thực phẩm biến đổi gen

PV

Nỗi lo thực phẩm biến đổi gen - Ảnh 1
Câu chuyện từ nước Nhật Các chuyên gia trên thế giới vẫn tiếp tục tranh cãi nhau về những ảnh hưởng của cây trồng biến đối gen đối với môi trường và sức khoẻ con người, nhưng từ nhiều năm trước, người dân Nhật Bản đã tỏ ra vô cùng kiên quyết trong việc chống lại nó. Chính phủ Nhật đã cấm trồng các loại cây biến đổi gen trên toàn quốc, đồng thời  bắt buộc dán nhãn phù hợp với những sản phẩm được sản xuất từ nguyên liệu biến đổi gen, như đậu nành, ngô, khoai tây, hạt cải dầu, hạt bông, cỏ linh lăng và củ cải đường…  Người tiêu dùng Nhật và cả nông dân đều ủng hộ tối đa chiến dịch “Nói không với sinh vật biến đổi gen” (NO-GMO Campaign) bằng các cam kết mạnh mẽ. NO-GMO Campaign được thành lập bởi các công dân Nhật Bản từ năm 1996, khi cây trồng biến đổi gen bắt đầu được trồng đại trà trên thế giới. Chiến dịch này kêu gọi tẩy chay các sản phẩm được sản xuất bởi các công ty chuyên biến đổi gen, tiến hành thử nghiệm và phân tích hàng trăm các loại thực phẩm ở Nhật Bản và  đã thu thập 2 triệu chữ ký chống biến đổi gen. Không chỉ Nhật Bản, làn sóng phản đối thực phẩm biến đổi gen đang lan rộng ở châu Âu, nhưng cùng với nó, diện tích trồng cây biến đổi gen cũng ngày càng bành trướng. Sẽ không dễ dàng cho cho chúng ta khi đứng giữa hai làn sóng. Nhưng có lẽ, điều đáng nói nhất - lý do khiến người dân Nhật Bản có ý thức tự bảo vệ mạnh mẽ trước những nguồn thực phẩm có chứa các thành phần biến đổi gen – cũng chính là một trong những bí quyết sống lâu quan trọng nhất của người Nhật: dưỡng sinh bằng nguồn thực phẩm lành mạnh và tự nhiên. Vì lý do đó, và vì tình yêu tuyệt đối với thế giới tự nhiên, cuộc đấu tranh chống lại thực phẩm biến đổi gen vẫn tiếp tục kéo dài ở xứ sở mặt trời.

Nỗi lo thực phẩm biến đổi gen - Ảnh 2
Thực phẩm biến đổi gen tại VN là gì? Mấy năm qua, nhiều loại như bông, ngô, đu đủ và một vài loại cây lâm nghiệp đã áp dụng công nghệ cây trồng biến đổi gien ở Việt Nam. Riêng cây ngô đã có Công ty Syngenta Việt Nam với hai giống ngô chuyển gien là BT11 và GA21... được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp phép khảo nghiệm. Thực tế làm thử ở một số nơi như Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Đác Lăk, đánh giá bước đầu của các nhà khoa học nông nghiệp là: Các giống ngô biến đổi gen cho năng suất cao hơn 30% so với giống ngô thường; khả năng chống chịu sâu bệnh, thuốc diệt cỏ cũng cao hơn so với các giống ngô truyền thống. Nhờ năng suất tăng cao, ngày càng có nhiều hộ dân trồng các giống ngô biến đổi gien. Loại ngô này được bán tràn lan ở các khu chợ với tên gọi “Ngô lai giống Mỹ”, “ngô siêu ngọt”… Vòng quanh các khu chợ đầu mối ở Hà Nội như chợ đầu mối nông sản thực phẩm Xuân Đỉnh, chợ đầu mối phía Nam (Tân Mai, Hoàng Mai), chợ Long Biên,… thấy ngập tràn các sản phẩm nông sản, ngô biến đổi gien với đa dạng chủng loại và mẫu mã khác nhau. Tương tự như sản phẩm ngô hộp, các loại hạt đậu nành từ loại qua chế biến sấy giòn, chiên bơ đóng trong các túi nilông hút chân không cho đến loại hạt khô chỉ ghi địa chỉ đóng gói không ghi rõ là sản phẩm có nguồn gốc từ đâu, thành phần nguyên liệu như nào. Phần lớn người tiêu dùng đều khá bất ngờ về việc tồn tại của các loại thực phẩm nguồn gốc biến đổi gen được bày bán ở các khu chợ, siêu thị. Họ lại càng hoang mang hơn khi có thông tin nhiều loại sản phẩm ngũ cốc, rau, củ quả, thịt hộp, sữa nhập ngoại,... là thực phẩm biến đổi gen. “Thỉnh thoảng có thấy một vài công ty sản xuất thực phẩm trong nước đã chủ động công khai nguồn gốc nguyên liệu nhập khẩu và ghi rõ không biến đổi gen để giảm lo lắng cho người tiêu dùng. Tuy nhiên việc công bố thành phần và hàm lượng cụ thể của thực phẩm biến đổi gen thì gần như không thấy” – một người tiêu dùng cho biết.
Vì thế, từ các nhà khoa học cho đến người dân đều băn khoăn, nghi ngại về chất lượng cây trồng biến đổi gien, liệu chúng có ảnh hưởng đến đa dạng sinh học và sức khỏe con người? 

Nỗi lo thực phẩm biến đổi gen - Ảnh 3

Chưa gây hại trên cơ thể người? Thực tế, việc khảo nghiệm cây trồng biến đổi gen của nước ta chỉ ở phạm vi hẹp, thời gian chưa dài. Theo đó công nghệ biến đổi gen ở ta còn hạn chế; việc nghiên cứu, kiểm chứng ảnh hưởng tiềm ẩn của cây trồng biến đổi gen đối với môi trường và sức khỏe con người chưa làm được bao nhiêu. PGS.TS Nguyễn Thị Xuân Sâm (Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm – trường Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho biết: Thực phẩm biến đổi gen là một thành quả của công nghệ sinh học hiện đại, góp phần tạo ra nguồn thực phẩm dồi dào, phù hợp với áp lực dân số ngày một tăng cao. Nhờ có công nghệ biến đổi gien mới đủ thực phẩm để cứu nhân loại thoát khỏi nạn đói. Trên thực tế, cây biến đổi gen có một số ưu điểm đáng ghi nhận như giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, góp phần hạ giá thành sản phẩm. Một số sản phẩm áp dụng công nghệ thành công có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng như tăng hàm lượng tinh bột, vitamin A ở lúa, gạo... Khác với những loại thực phẩm thường được cảnh báo nằm trong danh mục dễ nhiễm độc như nấm, khoai tây đã nảy mầm... thì phản ứng ngộ độc sẽ diễn ra ngay sau khi ta ăn thực phẩm đó. Còn với những thực phẩm đã biến đổi gen cần trải qua thời gian dài, khoảng vài chục năm mới có thể thấy được. Hiện nay, trên thế giới vẫn chưa có bất kỳ một công bố cụ thể nào về những kết quả mang tính tiêu cực áp dụng cho con người khi sử dụng thực phẩm biến đổi gen. Vì thế, không thể tùy tiện khi đưa ra những cảnh báo mang tính tiêu cực cho người tiêu dùng khi sử dụng những thực phẩm này. Trên thực tế, người tiêu dùng có quyền được lựa chọn những thực phẩm sử dụng cho bản thân và gia đình. Lựa chọn này có thể căn cứ vào túi tiền, khẩu vị, cảm quan về thực phẩm.  Vấn đề đặt ra ở đây là cần minh bạch những thông tin trên nhãn mác để người tiêu dùng tự tin khi lựa chọn sản phẩm. Đối với người dân các nước châu Âu, họ có phần khắt khe hơn khi chọn sử dụng những thực phẩm có thành phần biến đổi gen cao. Theo quy định của nhiều nước, đối với những sản phẩm có thành phần có nguồn gốc từ biến đổi gen trên 5% buộc phải được cung cấp thông tin trên nhãn mác để người tiêu dùng biết và lựa chọn. Cơ quan thẩm quyền phải ban hành những chính sách, quy định cụ thể về việc công bố sản phẩm, thực phẩm biến đổi gen cũng như những quy định cụ thể trong việc kiểm tra, xử lý nghiêm vấn đề này nếu vi phạm.

Phương Anh