07:05 08/11/2015

Nội tình cuộc gặp kín lãnh đạo Trung Quốc - Đài Loan

An Huy

“Chúng ta là anh em, có mối quan hệ cốt nhục”, ông Tập nói với ông Mã

Nhà lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt tay trước cuộc hội đàm ở Singapore ngày 7/11 - Ảnh: Bloomberg.<br>
Nhà lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt tay trước cuộc hội đàm ở Singapore ngày 7/11 - Ảnh: Bloomberg.<br>
Hai nhà lãnh đạo Trung Quốc và Đài Loan ngày 7/11 đã có cuộc gặp thượng đỉnh lần đầu tiên sau gần 7 thập kỷ. 

Trong cuộc gặp diễn ra ở Singapore, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và nhà lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu cam kết sẽ cải thiện hơn nữa mối quan hệ chính trị giữa hai bờ eo biển để phù hợp với quan hệ kinh tế.

Theo hãng tin Bloomberg, xuất hiện trong cuộc gặp được tổ chức tại một khách sạn, ông Tập đeo cà vạt đỏ còn ông Mã đeo cà vạt xanh. Hai nhà lãnh đạo đã bắt tay trong vòng khoảng một phút rưỡi, vẫy tay chào và mỉm cười trước ống kính của giới truyền thông.

Tốt nhất từ 1949

Sau đó, ông Tập và ông Mã đã tiến hành hội đàm khoảng 50 phút trong phòng kín.

Trong cuộc gặp này, hai nhà lãnh đạo áp dụng các thủ tục lễ tân thận trọng, trong đó họ gọi nhau là “mister” (“ông”), thay vì sử dụng chức danh.

Bài phát biểu mở đầu cuộc gặp của ông Tập nhấn mạnh ý tưởng “Một Trung Quốc” hai bên bờ eo biển, về sự tương đồng và tiếp nối. Vào năm 1992, Trung Quốc và Đài Loan đã thống nhất sự tồn tại của “Một Trung Quốc”, trong khi giữ cách diễn giải khác nhau về ý nghĩa của từ này.

“Chúng ta là anh em, có mối quan hệ cốt nhục. Chúng ta là một gia đình”, ông Tập nói.

“Lịch sử đã để lại một số ký ức buồn, nhưng eo biển kia không thể ngăn cản những người thân và bè bạn nhớ thương nhau. Người dân Trung Quốc hai bên bờ eo biển có khả năng và sự thông thái để giải quyết vấn đề của họ”, nhà lãnh đạo Trung Quốc phát biểu.

Đáp lời, ông Mã nói cả hai bên nên tôn trọng các giá trị và lối sống của nhau, đồng thời đề xuất thiết lập một đường dây nóng giữa hai bờ eo biển. 

“Ông Tập, hiện nay mối quan hệ giữa chúng ta đang ở giai đoạn tốt nhất từng có từ năm 1949”, nhà lãnh đạo Đài Loan nói.

“Những gì mà chúng ta đang đối mặt là sự cần thiết phải dùng sự hiểu biết để loại bỏ xung đột và hướng tới sự thịnh vượng. Chúng ta cần nói với thế giới rằng chúng ta muốn củng cố mối quan hệ giữa hai bờ eo biển”, ông Mã nói.

Cuộc gặp thượng đỉnh diễn ra chỉ vài tháng trước khi ông Mã rời cương vị nhà lãnh đạo Đài Loan, cho thấy vấn đề quan hệ với Trung Quốc đại lục vẫn sẽ là một trọng tâm trong cuộc bầu cử sắp tới ở vùng lãnh thổ này.

Đảng của ông Mã đã khiến cử tri Đài Loan không hài lòng vì thúc đẩy quan hệ kinh tế ngày càng chặt chẽ với Trung Quốc. Trong các cuộc thăm dò dư luận gần đây, ứng cử viên của đảng này trong cuộc bầu cử sắp tới đang bị dẫn trước bởi ứng cử viên Tsai Ing-wen của Đảng Tiến bộ Dân chủ (DPP).

Đối với ông Tập, cuộc gặp có thể giúp Bắc Kinh đảm bảo được những lợi ích từ việc Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Đài Loan. Cuộc gặp thượng đỉnh diễn ra khi ông Tập hoàn tất chuyến thăm cấp nhà nước tới Singapore và trước thềm hội nghị Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) diễn ra tại Manila (Philippines) trong tháng 11 này.

“Khá là khôn ngoan khi ông Tập ra quyết định gặp ông Mã. Cuộc gặp này gửi đi một thông điệp rằng cho dù DPP thắng trong cuộc bầu cử tới, thì miễn là họ không làm điều gì quá đà, miễn là họ tôn trọng chính sách ‘Một Trung Quốc’ và một số giới hạn nhất định do Trung Quốc vạch ra, thì ông Tập sẽ không ngại gặp người lãnh đạo Đài Loan, cho dù người đó là ai”, Giáo sư Hoo Tiang Boon thuộc Trường Quan hệ Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore nhận xét.

Không chấp nhận ly khai”

Phát biểu trước báo giới sau cuộc gặp thượng đỉnh Trung-Đài, ông Zhang Zhijun, người đứng đầu Văn phòng Các vấn đề Đài Loan của Trung Quốc nói ông Tập đã nhất trí với ông Mã rằng một đường dây nóng sẽ giúp hai bên xử lý các vấn đề. 

Cũng theo ông Zhang, ông Tập nói Trung Quốc hiểu mong muốn của Đài Loan có được sự hiện diện lớn hơn trên trường quốc tế.

Đài Loan sẽ được chào đón gia nhập Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xường, ông Zhang dẫn lời ông Tập cho hay.

Tuy nhiên, dù hứa Trung Quốc sẽ không dính líu đến cuộc bầu cử ở Đài Loan, ông Tập nói mối quan hệ giữa hai bờ eo biển không phải là quan hệ cấp nhà nước, và những lời kêu gọi độc lập cho Đài Loan là mối đe dọa lớn nhất đối với hòa bình giữa hai bên.

“Chúng tôi không bao giờ chấp nhận hay bỏ qua cho những người ly khai. Chúng tôi luôn giữ quan điểm đó”, ông Tập phát biểu.

Sau cuộc gặp với ông Tập, ông Mã nói với phóng viên rằng ông thấy nhà lãnh đạo Trung Quốc “rất thẳng thắn”. Các nhà lãnh đạo tương lai của Đài Loan sẽ giữ sự đồng thuận Trung-Đài đạt được vào năm 1992 và nguyên trạng, ông Mã tuyên bố.

“Xét tới tình trạng của mối quan hệ, việc chúng tôi mãi đến nay mới gặp gỡ là rất lạ lùng. Chúng tôi nên gặp thường xuyên và biến những cuộc gặp như vậy trở thành một việc không còn lạ nữa”, ông Mã nói.

Sau cuộc gặp, ông Tập và ông Mã cùng dùng bữa tối. Hai nhà lãnh đạo chia đôi hóa đơn khi thanh toán, và sau đó lên máy bay về nước.

Trong bữa tối, ông Mã mang theo một vài chai rượu Đài Loan. Tờ Beijing News nói, thực đơn của bữa ăn có món thịt lợn hầm kiểu Hàng Châu, bào ngư và heo sữa. Ngoài ra còn có món tôm hùm chiên kiểu Hồ Nam, cá và hoa quả.

Bà Tsai, ứng cử viên của DPP trong cuộc bầu cử sắp tới ở Đài Loan, nói rằng đại đa số người Đài Loan thất vọng vì cuộc gặp giữa ông Mã và ông Tập.

“Chúng tôi muốn ông Mã nói về dân chủ của Đài Loan, tự do của Đài Loan, sự tồn tại của Trung Hoa Dân Quốc, quyền tự do lựa chọn của người dân. Nhưng ông ấy đã không nói”, bà Tsai nói trong một chương trình truyền hình ở Đài Loan. “Thay vào đó, kết quả duy nhất [của cuộc gặp] là tạo ra trên trường quốc tế một khuôn khổ chính trị hạn chế lựa chọn của người dân Đài Loan”.

Truyền thông Đài Loan đưa tin rầm rộ về cuộc gặp lịch sử, trong đó có một số bài viết chỉ trích ông Mã không nhấn mạnh được “cách diễn giải khác nhau” về “Một Trung Quốc”.