08:25 20/02/2021

Nóng cuộc đua thu hút tiền gửi không kỳ hạn trong lĩnh vực ngân hàng

MINH TÚ

Với các ngân hàng, việc thu hút được tỉ lệ cao tiền gửi không kỳ hạn đóng vai trò quan trọng, vì nó tạo ra một nguồn vốn giá rẻ

Chỉ số CASA trở thành một trong những chỉ số quan trọng khi phân tích kết quả hoạt động kinh doanh của các ngân hàng trong những năm gần đây.
Chỉ số CASA trở thành một trong những chỉ số quan trọng khi phân tích kết quả hoạt động kinh doanh của các ngân hàng trong những năm gần đây.

Cuộc đua thu hút tài nguyên CASA (tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn) đang diễn ra mạnh mẽ giữa các ngân hàng, bởi nó phản ánh hiệu quả của việc cung cấp các dịch vụ tài chính ngân hàng toàn diện, đặc biệt là thu hút khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng số. Và năm 2020, ngôi vị quán quân CASA đã thuộc về ngân hàng nào?

TOP 3 CASA 2020 THUỘC VỀ NHỮNG NGÂN HÀNG NÀO?

Tham luận tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII chiều 27/1, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, giai đoạn 2016-2020, thanh toán không dùng tiền mặt được đẩy mạnh, các hoạt động chuyển đổi số, sản phẩm dịch vụ ngân hàng số phát triển mạnh mẽ.

Cụ thể, các chỉ số thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng ấn tượng. Đến cuối 2020 đã tăng trưởng tới 344,2% về số lượng và 96,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016; đặc biệt, tăng trưởng thanh toán trên điện thoại di động nhiều năm đạt mức trên 100%/năm.

Cuộc đua thu hút tài nguyên CASA giữa các ngân hàng thương mại diễn ra trong xu hướng bùng nổ đó. Song, nó không hề là dễ dàng. Tại báo cáo kết quả kinh doanh Quý 3/2020, kết quả khảo sát ở các ngân hàng thương mại công bố chi tiết báo cáo tài chính cho thấy có tới 13/23 thành viên có tỉ lệ CASA suy giảm. Cũng có tới 13/23 các ngân hàng ghi nhận tỷ lệ CASA ở mức thấp, dưới 15%.

Ngân hàng nào có tỉ lệ CASA vượt 45%? - Ảnh 1.

Dữ liệu của VnEconomy cho thấy, vị trí Top 3 ngân hàng dẫn đầu tỉ lệ CASA năm 2020 có những thay đổi mạnh mẽ. Nhìn lại hai năm 2018-2019, Vietcombank, MB và Techcombank thường bám đuổi sít sao nhau với tỉ lệ CASA trên dưới 30%. Song đến 2020, bất ngờ đã xảy ra khi Techcombank bứt tốc vượt xa hai thành viên còn lại trong Top 3, với tỉ lệ CASA lên tới 46,1%.

Ở vị trí thứ hai, MB tiếp tục thể hiện ưu thế CASA mạnh khi vượt mốc 39%, và Vietcombank đứng thứ ba với khoảng 30%. Các năm trước, Vietcombank và MB có tỉ lệ CASA lớn cũng là điều dễ hiểu khi những ngân hàng này đang có rất nhiều tài khoản thanh toán của các doanh nghiệp về ngoại hối và giao dịch. Tuy nhiên, năm 2020, hai ngân hàng này đã phải nhường vị trí quán quân cho Techcombank khi ngân hàng này có tỉ lệ CASA tăng vọt, từ mức 33% trong năm 2019 lên 46,1% trong năm 2020, tương đương tăng gần 40%.

Tỷ lệ CASA của Techcombank, có lẽ là một bất ngờ với thị trường, bởi mức tăng cao vượt trội so với các thành viên khác trong hệ thống ngân hàng. Trong quá khứ, chưa từng có trường hợp nào, kỳ cập nhật báo cáo kết quả kinh doanh nào ghi nhận tỷ lệ vượt trên mốc 45% như vậy. Đại dịch Covid-19 tạo cú hích thay đổi phương thức giao dịch truyền thống sang trực tuyến và lợi thế trong cuộc đua này đã nghiêng về những ngân hàng đi trước.

Đứng thứ 4 là ngân hàng ACB. Sau nhiều năm có tỉ lệ CASA dưới 20%, năm 2020 ACB đã tăng lên mức 21,5%, tăng hơn 18% so với 2019. Vị trí thứ 5 thuộc về TPBank với 19,4% và BIDV đứng 6 với tỉ lệ sít sao là 19,3%. Nhìn chung, đa số các ngân hàng thống kê đều có tỉ lệ CASA tăng trưởng.

CUỘC ĐUA CASA NÓNG VÌ SAO?

Trong những năm trở lại đây, chỉ số CASA trở thành một trong những chỉ số quan trọng khi phân tích kết quả hoạt động kinh doanh của các ngân hàng.

Với các ngân hàng, việc thu hút được tỉ lệ cao tiền gửi không kỳ hạn đóng vai trò quan trọng, vì nó tạo ra một nguồn vốn giá rẻ. Thông thường, lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp hơn rất nhiều so với tiền gửi có kỳ hạn, chỉ ở quanh mức 0,2%/năm. Tỷ lệ CASA càng cao sẽ tạo tiền đề giúp ngân hàng cải thiện biên thu nhập lãi thuần (NIM), có thêm điều kiện cạnh tranh về lãi suất cho vay trên thị trường.

Mặt khác, CASA còn phản ánh niềm tin và đánh giá của khách hàng đối với chất lượng dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ thanh toán của ngân hàng. CASA càng cao càng phản ánh nền tảng phát triển các sản phẩm dịch vụ của ngân hàng, vì nhiều sản phẩm, dịch vụ giá trị gia tăng khác gắn với tài khoản tiền gửi thanh toán của khách hàng.

Bởi vậy, tăng CASA càng có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong chiến lược ngân hàng bán lẻ và trở thành một trong những mục tiêu hàng đầu của nhiều nhà băng trong vài năm trở lại đây. Cạnh tranh giữa các ngân hàng do đó cũng ngày càng gay gắt.

Tại chương trình Gặp gỡ các nhà phân tích về kết quả kinh doanh Quý 4/2020, ông Phùng Quang Hưng – Phó Tổng Giám đốc Techcombank, chia sẻ: tỷ lệ CASA 46% là kết quả từ chiến lược dịch chuyển cơ cấu huy động sang những nguồn vốn có chi phí huy động thấp (huy động không kỳ hạn). "Tỷ lệ CASA 46% hiện nay sẽ là lợi thế cạnh tranh giúp cho Techcombank tiếp tục phát triển một cách bền vững về dài hạn".

Theo lãnh đạo Techcombank, tỉ lệ CASA cao còn thể hiện hành trình chuyển đổi chiến lược bán lẻ nhằm thu hút và giữ chân khách hàng dựa trên nền tảng số hóa và viêc liên tục nâng cao trải nghiệm khách hàng. Năm 2020, Techcombank đã cung ứng và đưa các sản phẩm đa dạng lên ngân hàng số, bao gồm từ các tiện ích thanh toán hàng ngày tới cấp thẻ tín dụng phê duyệt trước, quản lý tài chính và mua bán các sản phẩm đầu tư. Các giải pháp này đã mang lại cho khách hàng trải nghiệm tiện lợi, giúp họ tiết kiệm thời gian và chi phí, từ đó đưa Techcombank trở thành ngân hàng giao dịch chính của nhiều khách hàng hơn.

Đây là lý do khối lượng và giá trị giao dịch qua kênh điện tử của khách hàng cá nhân Techcombank trong năm 2020 lần lượt đạt 383 triệu giao dịch (tăng 108,8% so với cùng kỳ năm ngoái) và 5,0 triệu tỷ VNĐ (tăng 84,2% so với cùng kỳ năm ngoái). Techcombank cũng có thêm khoảng 1,1 triệu khách hàng mới, nâng tổng số khách hàng mà Ngân hàng phục vụ lên gần 8,4 triệu.