06:00 19/07/2013

Nửa nhiệm kỳ doanh nhân ở Quốc hội: Buồn nhiều hơn vui

Lê Châu

Doanh nhân ở nghị trường, đã có những người chưa kịp đại diện cho tiếng nói của dân, của doanh nghiệp, đã bị tai tiếng

Đông nhất từ trước đến nay với gần 40 người, doanh nhân trong vai nghị sỹ xuất hiện ở nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, ban đầu được đánh giá như một luồng gió mới ở nghị trường.
Đông nhất từ trước đến nay với gần 40 người, doanh nhân trong vai nghị sỹ xuất hiện ở nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, ban đầu được đánh giá như một luồng gió mới ở nghị trường.
Đông nhất từ trước đến nay với gần 40 người, doanh nhân trong vai nghị sỹ xuất hiện ở nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13, ban đầu được đánh giá như một luồng gió mới ở nghị trường. Nhưng nửa nhiệm kỳ đã đi qua, dấu ấn họ để lại dường như buồn nhiều hơn vui.

Trong cuộc gặp với đại biểu Quốc hội là doanh nhân tại kỳ họp đầu tiên, diễn ra cách đây hai năm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng gửi gắm ở họ nhiều kỳ vọng, khi ông nói các đại biểu Quốc hội là doanh nhân “cần phải đại diện cho ý chí, nguyện vọng của doanh nghiệp cả nước, cố gắng làm hết sức mình, làm sao thể hiện tiếng nói của doanh nghiệp đối với Quốc hội”.

Chủ tịch Quốc hội còn nhấn mạnh đây là lực lượng có vai trò rất quan trọng nên cần tập trung trí tuệ, công sức để đóng góp cho Quốc hội.

Nửa nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đã đi qua, cũng là thời gian mà doanh nghiệp Việt Nam rơi vào tình trạng khốn khó nhất từ trước nay. Trong bối cảnh đó, doanh nhân ở nghị trường, đã có những người chưa kịp đại diện cho tiếng nói của dân, của doanh nghiệp, đã bị tai tiếng.

Một đại biểu Quốc hội, cũng là chủ tịch hội đồng quản trị của một công ty lớn, được dư luận biết đến bởi doanh nghiệp của bà... xả bẩn ra môi trường và ngay trong cuộc tiếp xúc cử tri tại kỳ họp đầu tiên, bà đã không sao trả lời được thoả đáng câu hỏi của cử tri về việc cần phải xử lý doanh nghiệp của bà ra sao vì hành vi vi phạm phản cảm này.

Sau câu chuyện ầm ĩ này, trong hai năm qua ở nghị trường, hầu như không thấy bà phát biểu gì ở nghị trường để đóng góp cho các vấn đề quốc kế dân sinh.

Câu chuyện buồn hơn cả câu chuyện bãi miễn tư cách đại biểu Quốc hội của một đại biểu doanh nhân, vốn là người được đánh giá là khá thành công trong sự nghiệp kinh doanh. Ngày họp cuối cùng của nữ đại biểu này ở Quốc hội cũng là ngày mà hơn 90% đại biểu Quốc hội bấm nút bãi nhiệm tư cách đại biểu của bà.

Những sai lầm của nữ đại biểu này khiến Quốc hội buộc phải đưa ra quyết định như vậy, vì bà đã làm ảnh hưởng tới uy tín và hình ảnh một đại biểu Quốc hội, không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân.

Nói tại nghị trường lần cuối, nhìn lại thời gian gần một năm là đại biểu Quốc hội của mình, đại biểu này có đọc 4 câu thơ, mà trong đó, có câu nhắc đến cuộc đời như một bóng chớp, rất ngắn ngủi, trong cõi thời gian vun vút trôi...

Cuộc đời vốn đã ngắn ngủi như là một bóng chớp, là doanh nhân, có thể có lúc phạm sai lầm, nhưng có lẽ không thể sai lầm khi đã là chính khách.

Một đại biểu Quốc hội doanh nhân “nổi tiếng” với câu hỏi chất vấn Thủ tướng tại kỳ họp thứ hai rằng: “Chính phủ đã thực hiện rất tốt việc chống lạm phát và duy trì tăng trưởng. Không ai có thể ngờ rằng Việt Nam có thể giữ được lạm phát 18% và tăng trưởng 6%. Thủ tướng có định hướng gì và có lời khuyên gì đối với doanh nghiệp chúng tôi nên đầu tư vào lĩnh vực nào?”.

Chỉ sau một năm ở nghị trường, mái tóc đầu của ông đã thành bạc trắng và ông cũng còn là tâm điểm của những xì xầm bàn tán không ngớt hai năm qua trên truyền thông bởi sự ẩn hiện bí hiểm của mình ở Quốc hội.

Đi được nửa nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13, ông trải lòng cùng báo giới: “Nói thật, đáng lẽ tôi không nên vào Quốc hội. Tôi sợ lắm rồi, kỳ tới sẽ không nghĩ đến chuyện tham gia Quốc hội nữa”.

Ngốn khá nhiều giấy mực của giới truyền thông bởi những phát ngôn gây sốc và kỳ dị, là đại biểu Quốc hội và cũng là tổng giám đốc của một doanh nghiệp tư nhân, nhưng không thấy ông nghị này có cao kiến gì đóng góp cho đi lên của nền kinh tế, cũng như tiếp sức thêm cho lực lượng doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp của ông vượt qua cơn khốn khó.

Thay vào đó, dường như ông dồn sạch tâm huyết để khơi mào cho cuộc “đấu khẩu” không khoan nhượng với một đại biểu Quốc hội khác, vốn chưa từng có hiềm khích gì với ông cả trên chính trường lẫn thương trường.

Dư luận còn biết đến ông nghị này bởi hành động có một không hai là trước khi nổ ra chiến tranh Iraq, ông đã dùng bút hiệu “Lăng Tần” gửi thư cho nhà lãnh đạo Iraq Saddam Hussein để hiến kế liên hoành với mục đích tránh chiến tranh. Trong đó, đề nghị Saddam Hussein cử mình làm đại sứ đặc mệnh toàn quyền để đi công du các nước, tạo thế chân vạc để ngăn cản Hoa Kỳ gây chiến. Đương nhiên, nhà lãnh đạo Iraq đã không phúc đáp lại lời đề nghị của ông vì có lẽ đã chết trước khi lá thư đến nơi!

Đã hoàn thành xuất sắc vai trò của một đại biểu Quốc hội khoá 12, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Việt Á Phạm Thị Loan vẫn không nguôi trăn trở với hoạt động nghị trường và điều mà bà Loan tâm tư nhất là Quốc hội khoá 13, sẽ có bao nhiêu đại biểu Quốc hội là doanh nhân thực sự công tâm, trí tuệ để làm rạng danh được giới doanh nhân.

Câu trả lời này hiện vẫn còn đang phải chờ đợi ở nửa nhiệm kỳ còn lại của Quốc hội khóa 13.

(Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam)