10:51 20/01/2009

Nước Anh cấp tập giải cứu ngân hàng

Mai Phương

Ngày 19/1, Chính phủ Anh đã tung ra chương trình giải cứu thứ hai dành cho các ngân hàng của nước này

Trong ngày 19/1, Royal Bank of Scotland tuyên bố có thể thua lỗ tới 28 tỷ Bảng, tương đương 40,6 tỷ USD trong năm 2008, một con số thua lỗ có thể là kỷ lục trong lịch sử doanh nghiệp ở Anh - Ảnh: Reuters.
Trong ngày 19/1, Royal Bank of Scotland tuyên bố có thể thua lỗ tới 28 tỷ Bảng, tương đương 40,6 tỷ USD trong năm 2008, một con số thua lỗ có thể là kỷ lục trong lịch sử doanh nghiệp ở Anh - Ảnh: Reuters.
Ngày 19/1, Chính phủ Anh đã tung ra chương trình giải cứu thứ hai dành cho các ngân hàng của nước này.

Tuy nhiên, gói giải cứu có trị giá 100 tỷ Bảng (tương đương khoảng 145 tỷ USD) này đang gặp phải rất nhiều lời chỉ trích từ phía giới quan sát và thậm chí còn khiến giá cổ phiếu các ngân hàng Anh sụt giảm nghiêm trọng trong phiên giao dịch hôm qua.

Gói giải cứu này gồm có các nội dung chính sau:

Thứ nhất, các ngân hàng có thể xin được Chính phủ bảo lãnh cho lượng nợ xấu mà họ đang nắm giữ. Theo đó, các ngân hàng sẽ thống nhất với Chính phủ về số tiền mà họ dự báo sẽ thua lỗ từ một khoản nợ cụ thể nào đó. Sau đó, Bộ Tài chính Anh sẽ bán bảo hiểm cho 90% số lỗ tăng thêm từ khoản nợ này.

Thứ hai, Ngân hàng Trung ương Anh có thể sẽ mua lượng tài sản trị giá lên tới 50 tỷ Bảng trong trong các công ty thuộc mọi lĩnh vực kinh tế của nước này.

Thứ ba, ngân hàng bị quốc hữu hóa Northern Rock sẽ được cho thêm thời gian để trả nợ Chính phủ.

Thứ tư, cổ phần của Chính phủ Anh trong ngân hàng hàng đầu nước này - Royal Bank of Scotland (RBS) sẽ được nâng từ mức 58% hiện nay lên mức 70%, bằng cách hoán đổi lượng cổ phiếu ưu đãi trong RBS trị giá 5 tỷ Bảng mà Chính phủ Anh lên nắm giữ sang cổ phiếu phổ thông.

Đây được xem là một bước tiến nữa của Chính phủ Anh trong việc tiến tới giành quyền kiểm soát toàn bộ đối với RBS. Để đổi lấy sự hỗ trợ này của Chính phủ, RBS sẽ phải ký một thỏa thuận ràng buộc với Bộ Tài chính Anh, theo đó, Chính phủ sẽ quyết định RBS phải cho vay bao nhiêu và với điều kiện ra sao. RBS đã cam kết sẽ cho khách hàng vay số tiền 6 tỷ Bảng, tương đương 8,7 tỷ USD trong thời gian tới.

Trong ngày hôm qua, Ngân hàng RBS tuyên bố, họ có thể thua lỗ tới 28 tỷ Bảng, tương đương 40,6 tỷ USD trong năm 2008, một con số thua lỗ có thể là kỷ lục trong lịch sử doanh nghiệp ở Anh. Cảnh báo này của RBS cho thấy tác động nghiêm trọng của khủng hoảng tài chính tới ngành ngân hàng ở nước này.

Động thái can thiệp trực tiếp này của Chính phủ Anh vào RBS đang làm dấy lên những lo ngại về một làn sóng quốc hữu hóa mới đối với các ngân hàng ở Anh. Cùng với cảnh báo thua lỗ của RBS, kế hoạch này đã góp phần đẩy giá cổ phiếu các ngân hàng lớn Anh sụt giảm mạnh trong hôm qua. Kết thúc phiên giao dịch, giá cổ phiếu RBS sụt 67%, giá cổ phiếu Lloyds Banking Group mất 34%, và cổ phiếu của Barclays Plc giảm 10%.

Các nghị sỹ đảng đối lập ở Anh thì cho rằng, các biện pháp của Chính phủ của Thủ tướng Gordon Brown trong gói giải cứu này là chưa đầy đủ và nhiều chi tiết còn chưa rõ ràng. Lãnh đạo các doanh nghiệp ở Anh thì lo ngại về chi phí của gói giải cứu, vì rốt cục sốt tiền này cũng sẽ được rút ra từ tiền thuế của dân.

Tuy nhiên, ông Brown thì khẳng định, động thái tập trung vào việc bảo lãnh cho các ngân hàng này của Chính phủ sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì việc làm trong nền kinh tế Anh.

Đây đã là gói giải cứu thứ hai của Chính phủ Anh dành cho ngành ngân hàng nước này kể từ khi khủng hoảng tài chính bắt đầu. Ngày 8/10/2008, kế hoạch giải cứu ngành ngân hàng thứ nhất của Anh được công bố. Trong đó bao gồm khoản tiền 50 tỷ Bảng (tương đương 87 tỷ USD) để mua lại cổ phần trong các ngân hàng lớn, 200 tỷ Bảng để tái cấp vốn cho các ngân hàng và 250 tỷ Bảng để bảo lãnh nợ vay giữa các ngân hàng.

(Theo BBC, Bloomberg)