09:56 09/02/2009

Nước Nga đứng trước nguy cơ cạn ngoại tệ dự trữ

Quốc Trung

Sản lượng công nghiệp của Nga đã giảm mạnh; lạm phát, giá cả tăng trong khi đồng Rúp liên tục mất giá

Một người đàn ông ngước nhìn bảng tỷ giá Euro/USD, tại một điểm đổi ngoại tệ ở Moskva (Nga) - Ảnh: AP.
Một người đàn ông ngước nhìn bảng tỷ giá Euro/USD, tại một điểm đổi ngoại tệ ở Moskva (Nga) - Ảnh: AP.
Việc giá dầu giảm mạnh cộng với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu thời gian qua đã tác động tiêu cực, đẩy kinh tế Nga đang rơi vào thời kỳ suy thoái nghiêm trọng nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây.

Tai họa đang rình rập

Thời gian qua, sản lượng công nghiệp của Nga đã giảm mạnh sau nhiều năm tăng trưởng; lạm phát, giá cả tăng trong khi đồng Rúp liên tục mất giá so với đồng USD và đồng EUR.

Nga đã mất khoảng 200 tỷ USD trong quỹ dự trữ của mình để cứu không cho đồng Rúp giảm giá quá nhanh. Lượng ngoại hối giúp Nga chống đỡ suy thoái kinh tế đang cạn kiệt và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) vừa đưa ra phân tích cho rằng, dự trữ ngoại tệ của Nga sẽ cạn kiệt nếu khủng hoảng tài chính kéo dài đến năm 2010.

Nhà phân tích Krichevsky nhận định, tiến trình cạn kiệt ngoại tệ dự trữ có thể dẫn đến tai họa với kinh tế Nga. Hiện nay, Nga vẫn còn 386,5 tỷ USD từ quỹ dự trữ ngoại tệ và quỹ bảo vệ tỷ giá. Nhưng, thâm hụt ngân sách quốc gia  và các khoản chi nghĩa vụ xã hội đã ngốn mất khoảng 225 tỷ USD từ số tiền trên.

Trong số tiền còn lại, 40 tỷ USD đã được Chính phủ Nga cam kết dành cho việc giải cứu ngân hàng. Như vậy, Nga chỉ còn 120 tỷ USD để chống đỡ khủng hoảng tài chính.

Ông Krichevsky cho rằng, trong 18 tháng tới, các ngân hàng Nga phải trả nợ tới 171,7 tỷ USD và như vậy, đến năm tới, quỹ dự trữ ngoại tệ của Nga sẽ cạn kiệt.

Cơ quan đánh giá quốc tế Fitch hôm 4/2 đã hạ mức xếp hạng tín dụng của Nga và giữ nguyên đánh giá "tiêu cực" về triển vọng kinh tế Nga. Đánh giá này của Fitch cho thấy rõ mức độ khó khăn của nền kinh tế nước này.

Trước đó, tháng 12/2008, cơ quan dịch vụ tư vấn đầu tư Standard and Poor's cũng đưa ra quyết định tương tự, trở thành tổ chức đầu tiên hạ mức xếp hạng tín dụng của Nga trong một thập kỷ qua.

Giới phân tích cho rằng, trong tình hình hiện nay, Nga cũng không thể trông đợi vào nguồn cung ngoại tệ từ tập đoàn dầu khí Gazprom, bởi giá dầu đã tụt dốc mạnh và chính tập đoàn này cũng đang đối mặt nhiều khó khăn.

Từ năm 2004 đến năm 2008, chi phí hoạt động của tập đoàn này đã tăng gấp 3 lần, nợ tăng 4 lần, nhưng tỷ lệ tăng sản lượng hàng năm chỉ là 1,35%.

Kinh tế có thể tăng trưởng âm

Trước tình hình kinh tế khó khăn, Chính phủ Nga vừa buộc phải điều chỉnh các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô năm 2009.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Phát triển kinh tế và Thương mại Nga Elvira Nabiullina đã công bố những chỉ tiêu kinh tế vĩ mô được điều chỉnh như: giá dầu mỏ trung bình trong năm là 41 USD/thùng (thay vì mức giá dự tính trước đó là 50 USD/thùng), tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội giảm 0,3% (từ mức tăng dự kiến 2,4% xuống còn 2,1%), tỷ lệ lạm phát ở mức 13%, tỷ giá Rúp/USD vào khoảng 35,1/1 và mức thâm hụt ngân sách chiếm 5% GDP.

Tuy nhiên, một số nhà kinh tế Nga cho rằng trong năm 2009, GDP của Nga sẽ giảm 3,1% và kinh tế Nga sẽ tăng trưởng âm chứ không "lạc quan" như dự báo của  Bộ trưởng.

Các quan chức Chính phủ Nga ngày 4/2 cho biết, Nga sẽ cắt giảm chi tiêu và chuyển hướng hỗ trợ Nhà nước từ khu vực công nghiệp sang khu vực ngân hàng để đối phó với khó khăn kinh tế. Thông báo này được đưa ra sau cuộc gặp trước đó một ngày giữa Thủ tướng Nga Putin với lãnh đạo các ngân hàng lớn nhất ở Nga bàn về gói kế hoạch hỗ trợ các ngân hàng nước này.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nga Alexei Kudrin tuần trước đã xác nhận kế hoạch mở rộng gói hỗ trợ tài chính của Chính phủ cho khu vực ngân hàng, nhưng khẳng định giải pháp này chỉ có tính chất tạm thời. Theo ông Kudrin, Nga có thể tận dụng lợi thế có mức nợ Nhà nước chưa đến 9% GDP, được coi là rất thấp theo các tiêu chuẩn quốc tế, khi điều kiện trên thị trường trở nên thuận lợi hơn.

Phó thủ tướng Nga Igor Shuvalov cho rằng vấn đề quan trọng nhất đối với nước Nga hiện nay là duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ khu vực ngân hàng. Để làm được việc này, Nhà nước sẽ sử dụng 40 tỷ USD trong gói hỗ trợ tài chính 50 tỷ USD dành cho khu vực công nghiệp để bổ sung vào gói hỗ trợ tài chính dành cho các ngân hàng, cả nhà nước và tư nhân, của Nga.

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh Nhà nước không có ý định thành lập "ngân hàng nợ khó đòi" để tiếp nhận các khoản cho vay quá hạn từ các ngân hàng khác. Theo ông Shuvalov, GDP của Nga sẽ giảm và ngay cả trong điều kiện khả quan nhất cũng không thể tăng trưởng trong năm 2009.

Vì vậy, Chính phủ đã buộc phải lựa chọn giải pháp cắt giảm chi tiêu để ổn định tình hình và củng cố các nguồn dự trữ nội, ngoại tệ.