Ông Biden ký đạo luật giảm lạm phát, đặt thuế doanh nghiệp tối thiểu 15%
Ngày 16/8, tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đặt bút ký Luật Giảm Lạm phát (Inflation Reduction Act) trị giá hơn 430 tỷ USD trước sự chứng kiến của các lãnh đạo Đảng Dân Chủ...
Đạo luật được ban hành sau hơn một năm tranh luận về phí, thuế, tín dụng thuế và các quy định. Tuy nhiên, quy mô của đạo luật giảm đáng kể so với kế hoạch Xây dựng lại tốt hơn (Build Back Better) trị giá 1.750 tỷ USD mà ông Biden đề xuất năm ngoái.
Phát biểu trong buổi ký kết, ông Biden cũng chỉ trích Đảng Cộng hòa vì phản đối các biện pháp trong đạo luật này.
"Trong thời khắc lịch sử này, các thành viên Đảng Dân chủ đều đứng về phía người dân Mỹ, còn tất cả thành viên Đảng Cộng hòa đứng về phía các lợi ích đặc biệt. Tất cả thành viên Đảng Cộng hòa đều bỏ phiếu chống đạo luật này", ông nói.
“Với đạo luật này, người dân Mỹ giành chiến thắng, còn lợi ích đặc biệt thua cuộc”, ông Biden phát biểu trước khi đặt bút ký.
Đạo luật mới bao gồm 369 tỷ USD đầu tư vào các chính sách khí hậu và năng lượng. Với hơn 300 tỷ USD dành cho lĩnh vực khí hậu, đây được xem là gói khí hậu lớn nhất trong lịch sử Mỹ. Ngoài ra, khoảng 64 tỷ USD sẽ được dành cho việc mở rộng một chính sách theo Luật Chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền (Affordable Care Act) nhằm giảm chi phí bảo hiểm y tế.
Đạo luật cũng đặt ra mức thuế suất doanh nghiệp tối thiểu 15% nhằm vào các công ty có doanh thu trên 1 tỷ USD/năm.
Theo Đảng Dân chủ, đạo luật này sẽ giúp giảm lạm phát bằng cách giảm thâm hụt liên bang, dù các nhà kinh tế độc lập cho rằng sẽ mất nhiều năm mới thấy được kết quả của biện pháp này.
Trước đó, phía đảng Cộng hóa chỉ trích đạo luật này vì cho rằng nó không mang lại nhiều hiệu quả trong việc hạ giá cả các mặt hàng trong nước. Lãnh đạo đảng Cộng hòa ở Thượng viện, ông Mitch McConnell, thậm chí nói rằng đạo luật mới sẽ phản tác dụng.
"Năm ngoái, các thành viên đảng Dân chủ đã tước đoạt của người dân Mỹ bằng cách đẩy nền kinh tế Mỹ rơi vào cảnh lạm phát cao kỷ lục. Năm nay, giải pháp của họ lại làm điều đó tới hai lần. Đạo luật mà Tổng thống Biden ký hôm nay đồng nghĩa với thuế cao hơn và hóa đơn năng lượng cao hơn”, ông McConnell nói.
Dù vấp phải sự phản đối của phe Cộng hòa, các nhà phân tích cho rằng đạo luật vừa được ký vẫn được xem là một chiến thắng pháp lý quan trọng và có thể định hình di sản trong nhiệm kỳ của ông Biden.
Về phía cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức doanh nghiệp trước đó đã vận động hành lang mạnh mẽ để chống lại đề xuất thuế tối thiểu 15% đối với công ty lớn. Họ nói rằng đây là một “chính sách tồi tệ”, có thể làm giảm tăng trưởng kinh tế và khiến nước Mỹ “nghèo đi”.
Tuy nhiên, giới phân tích tài chính Mỹ cho rằng chính sách thuế này sẽ không ảnh hưởng đáng kể tới lợi nhuận hay các khoản đầu tư trong tương lai của các doanh nghiệp lớn.
Những công ty có doanh thu hơn 1 tỷ USD/năm giờ đây sẽ phải nộp thuế tối thiểu 15% cũng như 1% khi mua lại cổ phiếu. Những chính sách này chủ yếu nhằm vào các doanh nghiệp lớn nhất của Mỹ như Alphabet (công ty mẹ Google), JPMorgan Chase hay Meta (công ty mẹ Facebook) và sẽ giúp giảm thâm hụt ngân sách liên bang khoảng 300 tỷ USD trong thập kỷ tới.
Theo một phân tích mới của Credit Suisse, năm ngoái, chỉ hơn 170 công ty trong chỉ số S&P 500 nộp thuế dưới 15%. Trong số những doanh nghiệp này, gần một nửa có thể phải nộp thuế cao hơn trong năm 2023.
“Nhìn chung, tác động sẽ không lớn và ở thời điểm hiện tại khó mà hiểu hết”, chiến lược gia Ron Graziano của Credit Suisse nói trong một cuộc phỏng vấn. "Liệu sẽ có một số công ty bị ảnh hưởng nhiều hơn những công ty khác? Có thể. Nhưng với các doanh nghiệp lớn thì tác động không đáng kể”.