09:54 04/09/2007

Ông chủ hệ thống cửa hiệu thời trang Limited Brands

Mạnh Tuấn

Khi nói tới những doanh nhân thành đạt khởi nghiệp từ những năm thế chiến thứ II, hẳn nhiều người sẽ nghĩ ngay tới Les Wexner

Với trí tuệ thông minh của người Do Thái cộng thêm một nền tảng kiến thức chuyên sâu về kinh tế, từ một cửa hàng quần áo bình thường của gia đình, Les Wexner đã làm được một điều phi thường.
Với trí tuệ thông minh của người Do Thái cộng thêm một nền tảng kiến thức chuyên sâu về kinh tế, từ một cửa hàng quần áo bình thường của gia đình, Les Wexner đã làm được một điều phi thường.
Khi nói tới những doanh nhân thành đạt khởi nghiệp từ những năm thế chiến thứ II, hẳn nhiều người sẽ nghĩ ngay tới Les Wexner - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Tập đoàn bán lẻ Limited Brands Corporation.

Với trí tuệ thông minh của người Do Thái cộng thêm một nền tảng kiến thức chuyên sâu về kinh tế, từ một cửa hàng quần áo bình thường của gia đình, Les Wexner đã làm được một điều phi thường – xây dựng thành công thương hiệu Limited Brands và vươn lên vị trí một trong 200 người giầu nhất khu vực châu Mỹ với số tài sản cá nhân trị giá 2,7 tỷ USD.

Tiền thân của thương hiệu Limited Brands nổi tiếng thế giới hiện nay chỉ là một trong vô số những cửa hiệu nhỏ khác do gia đình Les Wexner gây dựng. Bắt tay vào phát triển Limited Brands chỉ với 50.000 USD, sau nhiều năm nỗ lực và có những chương trình mở rộng kinh doanh phù hợp, Les Wexner đã biến Limited Brands trở thành một trong những thương hiệu mạnh tại Mỹ và thế giới.

Hiện nay, Limited Brands đã xây dựng được một mạng lưới 4.000 cửa hiệu với tổng số 18.000 nhân viên trên hầu hết các khu vực của nước Mỹ. Theo số liệu thống kê năm 2006, tổng doanh thu của Limited Brands Corporation đã đạt gần 10 tỷ USD.

Khởi nghiệp từ 10.000 USD

Les Wexner sinh ngày 8/9/1937 tại Dayton, Ohio, Mỹ. Mẹ của Les Wexner, bà Bella Cabakoff là người gốc Do Thái sinh sống tại Nga trong những năm đầu của chiến tranh thế giới thứ II. Năm 1921, do thời điểm đó, người Do Thái bị phát xít truy lùng rất ráo riết nên Bella Cabakoff đã cùng gia đình chạy sang Ohio, Mỹ định cư, khi đó mới tròn 21 tuổi. Để kiếm tiền nuôi sống gia đình, bà đã phải làm nhân viên bán hàng tại cửa hàng của Công ty bán lẻ quần áo Lazarus trong suốt 20 năm liên tục.

Từ khoản tiền tiết kiệm được cộng thêm sự hỗ trợ của người chồng đã nhiều năm làm quản lý của một công ty thời trang nhỏ với mức lương không quá 10.000 USD mỗi năm, sau khi rời Lazarus, bà đã cùng chồng mở một cửa hiệu quần áo nhỏ đặt tại State Street và lấy tên là Leslie Wexner – tên cũ của Les Wexner khi còn nhỏ. Vì quy mô còn nhỏ nên việc kinh doanh của cửa hiệu luôn được duy trì ở mức độ trung bình, thậm chí có lúc còn gặp nhiều khó khăn, bố mẹ Les Wexner đã phải rất vất vả để duy trì cửa hiệu.

Chứng kiến cuộc sống vất vả của gia đình và đã từng phải làm công việc dọn tuyết, cắt cỏ để kiếm tiền từ khi mới 9 tuổi, vì vậy, Les Wexner luôn mơ ước trở thành một kiến trúc sư hay là một luật sư để không phải tiếp tục làm một người bán hàng như bố mẹ mình. Chính Les Wexner sau này đã kể rằng “Từ khi tôi còn nhỏ, do hoàn cảnh khó khăn, tôi đã phải làm việc liên tục để có tiền mua quần áo và xe đạp giống như trong chuyện cổ tích”.

Mặc dù vậy, đối với bố Les Wexner, cửa hiệu quần áo Leslie Wexner của gia đình tuy nhỏ nhưng lại là tâm huyết của ông, vì thế, ông đã cho rằng mong muốn đó của Les Wexner không phải là ý kiến hay và ông đã định hướng cho Les Wexner học tập để quay về tiếp tục các công việc kinh doanh của quần áo của gia đình. Bắt đầu từ đây, cửa hiệu của gia đình đã trở thành môi trường đào tạo kinh doanh đầu tiên cho Les Wexner.

Khi mới 15 tuổi, ngoài thời gian đến trường, Les Wexner phải ở nhà phụ giúp các công việc bán hàng cùng mẹ, mặc dù vất vả nhưng Les Wexner đã học được rất nhiều những kỹ năng kinh doanh cơ bản từ cách phân loại mặt hàng, tính toán cho tới việc đến ngân hàng gửi tiền.

Năm 1959, sau khi tốt nghiệp chương trình học tại trường Đại học Ohio State University, Les Wexner tiếp tục quay về làm việc tại cửa hiệu Leslie Wexner cùng gia đình. Càng làm việc trong môi trường kinh doanh, Les Wexner càng cảm thấy hứng thú và những suy nghĩ về công việc kinh doanh quần áo nhàm chán trước đây đã hoàn toàn biến mất. Quyết tâm tạo dựng cho mình một hướng đi riêng, tới năm 1963, sau 4 năm làm việc cùng gia đình, Les Wexner quyết định tách ra kinh doanh độc lập.

Với số vốn 5.000 USD vay của người cô ruột cộng thêm 5.000 USD vay ngân hàng, Les Wexner đã mở một cửa hiệu kinh doanh quần áo thời trang nhỏ đặt tại Trung tâm Kingsdale Shopping Center ở Upper Arlington và lấy tên là The Limited với ý nghĩa chỉ kinh doanh mặt hàng quần áo thời trang trẻ dành cho khách hàng nữ.

Nhờ có được những kiến thức thực tế khi còn làm việc tại cửa hiệu của gia đình, Les Wexner đã lựa chọn được những mặt hàng đúng thị hiếu của đối tượng là phụ nữ trẻ, nhờ đó, ngay từ khi mới khai trương, The Limited đã bắt đầu thu hút được một số khách hàng đáng kể. Năm 1964, để tạo nguồn lực mạnh cho công việc kinh doanh đang có nhiều triển vọng của The Limited, bố mẹ Les Wexner đã quyết định giao quyền điều hành cửa hiệu Leslie Wexner cho Les Wexner.

Chiến lược gia trong lĩnh vực bán lẻ

So với nhiều cửa hàng khác, các sản phẩm của The Limited đã có được sự đặc sắc và sức lôi cuốn đối với khách hàng, kể cả những khách hàng khó tính. Nếu như trong ngày khai trương đầu tiên, Les Wexner chỉ bán được tổng cộng có 473 USD thì tổng kết năm đầu tiên, tổng doanh thu đã là 160.00 USD.

Tới năm thứ 2, tổng doanh thu đã tăng lên gấp 3 lần. Cùng với mức lãi suất tăng dần theo thời gian, số lượng khách hàng tìm tới The Limited ngày một đông. Để có thể tận dụng khai thác triệt để nhu cầu ngày càng lớn đó, Les Wexner đã tính ngay tới việc mở thêm cửa hiệu. Bằng số vốn kha khá đã có, năm 1964, sau đúng 1 năm kinh doanh, Les Wexner đã mở thêm được cửa hiệu thứ 2.

Trong những năm tiếp theo, lần lượt cửa hiệu thứ 3, thứ 4 rồi thứ 5... được Les Wexner mở thêm. Tới năm 1969, The Limited đã chính thức khẳng định được vị trí một công ty hạng trung trong lĩnh vực bán lẻ hàng quần áo thời trang nữ. Ngoài việc thành lập các cửa hàng mới, Les Wexner còn tìm cách mua lại nhiều hệ thống cửa hàng đã có nhiều năm hoạt động để kinh doanh.

Bắt đầu từ cửa hiệu Victoria’s Secret ở San Francisco đang trên bờ vực phá sản do nợ ngân hàng cho tới cửa hàng Henri Bendel hay Structure ở New York... lần lượt được Les Wexner dành quyền kiểm soát. Kinh doanh trong lĩnh vực thời trang, một trong lĩnh vực nhiều rủi ro vì đối tượng khách hàng đều rất khó tính, do đó, Les Wexner đã phải nghiên cứu rất kỹ các loại mặt hàng trước khi tung ra thị trường từ những chi tiết nhỏ nhất và có những thời điểm, Les Wexner làm việc miệt mài trung bình 16 tiếng mỗi ngày.

Dựa trên mạng lưới các cửa hiệu của The Limited, Les Wexner đã đồng thời mở rộng các loại mặt hàng như underwear và sang cả các loại quần áo thời trang dành cho phái mạnh... Bằng các các bước tiến đó, tới cuối thập niên 80, đầu thập niên 90, The Limited đã vươn lên vị trí một trong những thế lực mạnh trong lĩnh vực bán lẻ.

Trong mỗi bước phát triển của The Limited, Les Wexner đều rất ưu tiên cho khâu tuyển một nhân tài cho các vị trí quản lý, chuyên gia tài chính cho tới các nhân viên bình thường bằng một chế độ lương bổng hợp lý. Trong vòng hơn 40 năm nắm quyền điều hành The Limited, Les Wexner đã mang về cho công ty vô số những nhà quản lý giỏi như Estée Lauder, Banana Republic, J. Crew, The Gap từ các doanh nghiệp khác.

Thậm chí, nhà quản lý tài năng Len Schlesinger đã được Les Wexner tuyển chọn vào vị trí Phó chủ tịch của Limited Brands Corporation sau này. Ngược lại, cũng có hàng loạt những nhân viên không đủ khả năng đáp ứng yêu cầu công việc của The Limited đã bị Les Wexner xa thải. Chính vì vậy, trong hầu hết các cuốn sách, các bài báo viết về khả năng sử dụng nhân tài của mình, Les Wexner đã được mệnh danh: “Người khởi sướng cuộc chiến dành nhân tài”.

Xây dựng thành công Tập đoàn Limited Brands Corporation

Song song với việc đa dạng hoá các loạt sản phẩm hàng thời trang, Les Wexner còn mở rộng hoạt động sang các ngành dịch vụ khách hàng, đầu tư vào bất động sản, thiết kế thời trang. Và để đảm bảo quản lý hiệu quả nhiều đầu mối hoạt động trên diện rộng, với trụ sở chính được đặt tại Ohio, Les Wexner đã xây dựng The Limited thành tập đoàn bán lẻ và lấy tên là Limited Brands Corporation.

Hiện nay, với một hệ thống tổng số hơn 4.000 cửa hiệu, số lượng nhân viên lên tới 115.000 người, Limited Brands Corporation đã trở thành một trong những tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Mỹ và thế giới và đã từng nhiều năm liền được các tổ chức quốc tế bầu chọn cho danh hiệu doanh nghiệp có mức tăng trưởng nhanh và ổn định nhất trong lĩnh vực bán lẻ.

Riêng với Les Wexner, bằng tài năng của mình, ông cũng đã được mời tham gia đầu tư và đảm trách nhiều chức vụ quan trọng tại nhiều doanh nghiệp lớn, trong đó có cả những doanh nghiệp báo chí như Hollinger International, Hollinger International Publishing, The Daily Telegraph, Chicago Sun-Times, The Jerusalem Post...

Trong suốt cuộc đời kinh doanh của mình, ngoài những chương trình kinh doanh vì lợi nhuận, với tấm lòng nhân hậu của mình, Les Wexner đã từng dành những khoản tiền lớn tài trợ cho lĩnh vực bảo vệ sức khoẻ cộng đồng và các chương trình phát triển nghệ thuật, giáo dục tại các trường đại học của Mỹ.

Với tinh thần luôn hướng về cội nguồn, Les Wexner luôn mong ước được đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng người Do Thái không chỉ riêng ở Israel mà cả ở các quốc gia khác trên khu vực châu Mỹ. Năm 1984, Les Wexner đã chính thức thành lập lên Quỹ Wexner Foundation. Trên cương vị là Chủ tịch của Wexner Foundation, Les Wexner đã xây dựng một chương trình khuyến học Wexner Israel Fellowship Program nhằm khuyến khích các tài năng người Israel có điều kiện được học tập tại các trường đại học danh tiếng trong và ngoài nước.

Hàng năm, với một nguồn tài chính hùng hậu và phạm vi hoạt động trên nhiều quốc gia trong và ngoài khu vực, Wexner Foundation đã có những đóng góp to lớn vào việc phát triển nhân tài đồng thời tạo được sự liên kết chặt chẽ cho cộng đồng người Do Thái.