Ông Erdogan tuyên bố tái đắc cử Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ
Ông Erdogan là Thủ tướng của Thổ Nhĩ Kỳ trong suốt 11 năm trước khi trở thành Tổng thống vào năm 2014
Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 24/6 tuyên bố giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống nước này, dù đây mới chỉ là kết quả kiểm phiếu chưa chính thức.
Hãng tin BBC dẫn nguồn truyền thông nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, với gần như toàn bộ số phiếu bầu đã được kiểm, ông Erdogan giành 53%. Đối thủ gần nhất của ông Erdogan là ông Muharren Ince giành 31%.
Ông Erdogan cũng nói rằng liên minh cầm quyền do đảng AK Party của ông đứng đầu giành đa số ghế trong Quốc hội, và kết quả cuộc bầu cử là một bài kiểm tra thành công đối với nền dân chủ ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khi đó, phe đối lập nói còn quá sớm để công bố kết quả bầu cử. Họ nói còn nhiều phiếu bầu chưa được kiểm.
Người ủng hộ Tổng thống Tayyip Erdogan ăn mừng chiến thắng ở Ankara tối ngày 24/6 - Ảnh: Reuters.
Theo Hiến pháp mới của Thổ Nhĩ Kỳ, dự kiến sẽ bắt đầu có hiệu lực sau cuộc bầu cử này, Tổng thống sẽ nắm giữ một quyền lực lớn. Đây là bản Hiến pháp được Thổ Nhĩ Kỳ thông qua vào năm ngoái trong một cuộc trưng cầu dân ý với tỷ lệ ủng hộ 51%.
Giới phê bình cho rằng Hiến pháp mới sẽ dẫn tới tập trung quyền lực quá nhiều trong tay một cá nhân, rằng Thổ Nhĩ Kỳ thiếu cơ chế kiểm soát và cân bằng mà ở đó Tổng thống chỉ nắm quyền điều hành như nhiều quốc gia phương Tây.
Với 96% số phiếu bầu Quốc hội được kiểm, AK Party dẫn đầu với 42% số phiếu. Đảng đối lập chính CHP chỉ giành 23%.
Cuộc bầu cử lần này lẽ ra phải đến tháng 11/2019 mới được tiến hành, nhưng ông Erdogan đã quyết định bầu cử sớm để có thể được trao quyền lực lớn hơn theo Hiến pháp mới.
Theo quy định mới, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không còn Thủ tướng, còn Tổng thống được trao thêm những quyền lực mới bao gồm khả năng bổ nhiệm trực tiếp các quan chức cấp cao và quyền can thiệp vào hệ thống luật pháp.
Ông Erdogan là Thủ tướng của Thổ Nhĩ Kỳ trong suốt 11 năm trước khi trở thành Tổng thống vào năm 2014. Ông mạnh tay củng cố quyền lực sau cuộc đảo chính bất thành của một số tướng lĩnh quân đội vào tháng 7/2016.
Thổ Nhĩ Kỳ đã được đặt trong tình trạng khẩn cấp kể từ đó, và 107.000 công chức và binh sỹ đã bị sa thải vì bị cho là dính líu đến âm mưu đảo chính. Hơn 50.000 người đã bị bỏ tù và xét xử.
Nếu ông Erdogan không giành được hơn 50% số phiếu bầu, ông và ông Ince sẽ phải bước vào một vòng bầu cử thứ hai diễn ra vào ngày 8/7.
Một trong những vấn đề lớn nhất trong cuộc bầu cử lần này ở Thổ Nhĩ Kỳ là kinh tế. Đồng Lira của Thổ Nhĩ Kỳ đã lao dốc thời gian qua, trong khi lạm phát ở mức khoảng 11%.
Chủ nghĩa khủng bố là một mối lo khác, bởi Thổ Nhĩ Kỳ phải đối mặt với nhiều vụ tấn công từ các nhóm phiến quân người Kurd và tổ chức khủng bố khét tiếng Nhà nước Hồi giáo (IS).
Tuy vậy, giới quan sát cho rằng cử tri nước này thường bỏ phiếu dựa trên những mối chia rẽ lớn, giữa người Kurd và các đảng dân tộc chủ nghĩa, cũng như giữa các nhóm tôn giáo và phi tôn giáo.