06:00 05/03/2024

"Ông lớn" cảng hàng không rót vốn 138.000 tỷ đồng, quyết đưa hai sân bay trọng điểm vượt tiến độ

Ánh Tuyết

ACV đang triển khai đồng loạt các dự án với tổng mức đầu tư là 138.000 tỷ đồng trên tổng số 165.000 tỷ đồng của cả giai đoạn 2021-2025. Lãnh đạo ACV thể hiện quyết tâm đưa hai dự án trọng điểm là Tân Sơn Nhất và Long Thành về đích trước 2 tháng...

Hai tháng đầu năm, sản lượng khách quốc tế qua các cảng hàng không do ACV quản lý tăng 44%, do đó, doanh thu, lợi nhuận của ACV đều tăng và vượt kế hoạch.
Hai tháng đầu năm, sản lượng khách quốc tế qua các cảng hàng không do ACV quản lý tăng 44%, do đó, doanh thu, lợi nhuận của ACV đều tăng và vượt kế hoạch.

Phát biểu tại Hội nghị Thường trực Chính phủ gặp mặt đầu xuân các doanh nghiệp nhà nước tiêu biểu cuối tuần qua, ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), cho biết trong năm 2023, ACV đã thực hiện thành công kế hoạch sản xuất kinh doanh, tăng trưởng đạt 15%.

Đặc biệt, sản lượng hành khách quốc tế tăng trưởng đến 173%. Các chỉ tiêu doanh thu lợi nhuận của tổng công ty đều vượt kế hoạch.

TRIỂN KHAI ĐỒNG LOẠT CÁC DỰ ÁN TRỌNG ĐIỂM

Về đầu tư xây dựng cơ bản, Tổng công ty đã thành công đưa vào khai thác vượt tiến độ các công trình trọng điểm nhà ga T2 Phú Bài, mở rộng cải tạo nâng cấp Cảng hàng không Điện Biên.

Đồng thời, với sự chỉ đạo quyết liệt, giải quyết khó khăn trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan, ACV đã khởi công đồng loạt các hạng mục quan trọng của hai dự án trọng điểm quốc gia ngành giao thông là mở rộng Cảng hàng không Tân Sơn Nhất và xây dựng cảng hàng không Long Thành.

Bước vào năm 2024, dự báo vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức với thị trường hàng không nhưng lãnh đạo ACV nêu rõ quyết tâm đạt được các mục tiêu đã đề ra.

 

"Hiện nay, chúng tôi đang triển khai đồng loạt các dự án với tổng mức đầu tư là 138.000 tỷ đồng trên tổng số 165.000 tỷ đồng của cả giai đoạn 2021-2025, bảo đảm thực hiện kế hoạch trung hạn".

Ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV).

Về đầu tư xây dựng cơ bản, ACV tiếp tục bảo đảm tiến độ, chất lượng của các dự án trọng điểm.

Tổng công ty đã được Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp phê duyệt 3 đề án quan trọng là chiến lược phát triển, tái cơ cấu, đầu tư xây dựng cơ bản trung hạn.

Ngoài các dự án trọng điểm, lãnh đạo ACV cho biết có một số dự án mà Thủ tướng Chính phủ mới chỉ đạo và Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã thông qua, đưa vào kế hoạch trung hạn, ví dụ như sân bay Đồng Hới, Tuy Hòa…

Như vậy, đến năm 2025, 2026, tổng công suất sẽ lên hơn 150 triệu hành khách/năm, do đó tổng tài sản của tổng công ty cũng sẽ tăng lên đến khoảng 115.000 tỷ đồng, gấp 2,5 lần so với 45.000 tỷ đồng của tổng công ty năm 2016 khi thực hiện cổ phần hóa.

Cũng theo lãnh đạo ACV, trong 2 tháng đầu năm phục vụ Tết mới đây, sản lượng khách quốc tế vẫn tiếp tục tăng 44%. Như vậy, thị trường khách quốc tế đã tăng trở lại như cùng kỳ của Tết năm 2020. Trong 2 tháng vừa qua, doanh thu, lợi nhuận của ACV cũng đều tăng và vượt kế hoạch. Các thị trường Australia, Mỹ, Bắc Á, Đông Nam Á đều có sự tăng trưởng.

"Đặc biệt, các cảng hàng không quốc tế có sự tăng trưởng rất lớn, ví dụ Phú Quốc tăng đến 282%, Cam Ranh 184%, Phú Bài 100%, Nội Bài, Đà Nẵng tăng từ 35-45%", lãnh đạo ACV nêu rõ.

Bên cạnh đó, chất lượng dịch vụ phục vụ Tết được nâng cao, các chuyến bay đêm được tăng cường, đưa các công nghệ mới vào hệ điều hành bay tại các cảng hàng không. Đặc biệt, thực hiện nghiêm công điện của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm thu phí tự động không dừng, ACV đã tổ chức thành công việc đấu thầu để lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ.

KIẾN NGHỊ TĂNG VỐN ĐIỀU LỆ, PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN XÃ HỘI HOÁ

Để sớm đạt được các mục tiêu đã đề ra, ACV kiến nghị sớm phê duyệt tăng vốn bằng nguồn lợi nhuận để lại của tổng công ty, tiến tới tăng vốn bằng khu bay để giảm gánh nặng ngân sách nhà nước vào đầu tư nâng cấp sửa chữa các khu bay, giảm sự chủ động cho doanh nghiệp cảng trong việc đầu tư phát triển.

Ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV). Ảnh VGP.
Ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV). Ảnh VGP.

ACV kiến nghị thông qua cơ chế chung về giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh quy hoạch chi tiết các cảng hàng không. Đồng thời, sớm phê duyệt triển khai đề án xã hội hóa. Bộ Giao thông vận tải trình, báo cáo để huy động khối tư nhân cùng ACV trong việc đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng cảng hàng không.

Với vị trí, vai trò là doanh nghiệp chủ đạo trong đầu tư, phát triển, khai thác, quản lý hệ thống cảng hàng không, sân bay, ACV cam kết thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao, nhằm góp phần vào sự phát triển kinh tế chung của đất nước.

ĐÔN ĐỐC ĐỂ ĐƯA HAI DỰ ÁN BỨT PHÁ TIẾN ĐỘ

Liên quan đến tiến độ các dự án cảng hàng không trọng điểm, với dự án nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, nhu cầu đưa dự án vào khai thác sớm là rất cấp thiết nhằm giảm tải cho nhà ga T1. Vì vậy, lãnh đạo Chính phủ đề nghị ACV cần phấn đấu rút ngắn tiến độ, hoàn thành và đưa vào khai thác công trình trước ngày 30/4/2025, chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước (ngày 30/4/1975). 

Để bảo đảm tiến độ, chất lượng, kỹ mỹ thuật công trình, khai thác hiệu quả dự án, ACV cần khẩn trương rà soát, nghiên cứu phương án kết nối giữa 3 nhà ga tại Cảng hàng không Tân Sơn Nhất để bảo đảm thuận tiện, lưu thoát nhanh, không gây ách tắc cục bộ. Đồng thời, chỉ đạo các nhà thầu, đơn vị liên quan tập trung xây dựng lại tiến độ chi tiết, xây dựng tiến độ tổng thể với đường "găng" theo mục tiêu mới về thời điểm hoàn thành dự án.

Bộ Quốc phòng nghiên cứu phương án di dời trung tâm chỉ huy của Sư đoàn Không quân 370 để chuyển mặt bằng cho hàng không dân dụng nhằm tạo thuận lợi cho giao thông, cảnh quan khu vực nhà ga T3 và khai thác hiệu quả Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; đồng thời xây dựng giải pháp điều hành đáp ứng nhiệm vụ bảo đảm an ninh, quốc phòng...

Với dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, đây là dự án quan trọng quốc gia, đã được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư từ năm 2017, Thủ tướng Chính phủ duyệt dự án đầu tư từ năm 2020 nhưng quá trình triển khai giai đoạn đầu rất chậm do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân chủ quan của chủ đầu tư.

Đến nay, dự án có nhiều chuyển biến rất tích cực, sau 2 năm đã triển khai được khối lượng lớn công việc, trong đó đặc biệt đã lựa chọn được nhà thầu quốc tế đối với gói thầu lớn, quan trọng nhất của dự án (gói thầu nhà ga hành khách 5.10); nhiều công việc đã được triển khai và có kết quả tích cực.

Trong thời gian tới, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và ACV tập trung đôn đốc tiến độ, quán triệt đến các đơn vị liên quan (nhà thầu, tư vấn, giám sát…), đến từng cán bộ, kỹ sư, công nhân, người lao động xác định rõ năm 2024 là năm tăng tốc, năm 2025 là năm bứt phá để 6 tháng đầu năm 2026 tập trung hoàn thiện, bàn giao đưa vào khai thác.

Các bộ, ngành khẩn trương triển khai các dự án thành phần, bảo đảm hoàn thành đồng bộ với các hạng mục chính của dự án khi đưa vào vận hành khai thác. Phấn đấu, cố gắng rút ngắn tiến độ hoàn thành, thi công khẩn trương, tiết kiệm thời gian thi công.

Các chủ đầu tư khẩn trương xây dựng lại tiến độ tổng thể, tiến độ chi tiết mốc tiến độ hoàn thành mới của hạng mục, dự án thành phần làm cơ sở triển khai, kiểm tra và theo dõi giám sát.

Về chất lượng, các cơ quan liên quan phải thường xuyên kiểm tra, tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm chất lượng công trình theo quy định.

Về mỹ thuật, vệ sinh môi trường: phải đảm bảo yêu cầu về mỹ thuật, vệ sinh môi trường; công trình phải mang dấu ấn kiến trúc...

Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai khẩn trương nghiên cứu quy hoạch phát triển thành phố Long Thành là thành phố sân bay; rà soát các đối tượng cần chuyển đổi nghề, bố trí lao động, ưu tiên đào tạo nghề, tuyển dụng, tạo việc làm, sinh kế để giải quyết chế độ cho người dân tái định cư theo quy định. Chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương thẩm định hồ sơ các trụ sở cơ quan quản lý nhà nước thuộc dự án thành phần 1 làm cơ sở để triển khai đáp ứng tiến độ chung của dự án. Hoàn thành dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng, sớm bàn giao cho các chủ đầu tư.

Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đề xuất bố trí tái định cư các hộ dân bị ảnh hưởng của các dự án khác vào khu dân cư, tái định cư Lộc An - Bình Sơn, báo cáo cấp thẩm quyền xem xét theo quy định. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu phương án triển khai giai đoạn 2 của dự án và đường cất hạ cánh thứ 2 báo cáo cấp thẩm quyền để đầu tư ngay sau khi hoàn thành dự án giai đoạn 1...

 

Về tiến độ các dự án, ACV quyết tâm thực hiện theo đúng chỉ đạo Chính phủ, dự án trọng điểm Tân Sơn Nhất sẽ về đích trước 2 tháng để kịp kỷ niệm nhân dịp Ngày Giải phóng miền Nam (30/4), hay dự án sân bay Long Thành, tổng công ty cũng sẽ phấn đấu về đích tối thiểu trước 2 tháng.