09:15 01/12/2022

Ông Powell đã nói gì khiến giới đầu tư toàn cầu phấn chấn?

An Huy

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 30/11 nói rằng có thể sắp đến lúc Fed tăng lãi suất với bước nhảy ngắn hơn, cho dù ông nhận thấy bước tiến đã đạt được trong cuộc chiến chống lạm phát vẫn còn chưa đủ...

Chủ tịch Fed Jerome Powell phát biểu tại Viện Brookings ngày 30/11 - Ảnh: AP.
Chủ tịch Fed Jerome Powell phát biểu tại Viện Brookings ngày 30/11 - Ảnh: AP.

Đồng quan điểm với những tuyên bố gần đây của các nhà hoạch định chính sách khác trong Fed, cũng như những phát biểu đã đưa ra tại cuộc họp tháng 11 của Fed, ông Powell nói Fed có thể đã ở vào vị thể để có thể giảm tốc độ tăng lãi suất ngay từ tháng 12.

Tín hiệu này được nhà lãnh đạo ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới đưa ra trong bài phát biểu về triển vọng tăng trưởng kinh tế và lạm phát của Mỹ tại Viện Brookings ở Washington DC. Tuy nhiên, ông Powell cũng không quên cảnh báo rằng chính sách tiền tệ của Fed có thể duy trì trạng thái thắt chặt trong một khoảng thời gian cho tới khi có những dấu hiệu thực sự về sự xuống thang của lạm phát.

“Đã có một số diễn biến khả quan trong thời gian gần đây, chúng ta vẫn còn một chặng đường dài phải đi để lập lại ổn định giá cả”, ông Powell nói, nhấn mạnh rằng những động thái chính sách như tăng lãi suất và giảm quy mô bảng cân đối kế toán của Fed thường phải có thời gian để có thể phát huy tác dụng trong hệ thống.

“Bởi vậy, sẽ là hợp lý nếu giảm tốc độ tăng lãi suất khi chúng ta tiến tới gần mức độ thắt chặt có thể đủ để kéo lạm phát xuống. Thời điểm để giảm tốc độ tăng lãi suất có thể ngay từ cuộc họp tháng 12”, Chủ tịch Fed nói.

 

"Thời điểm của việc giảm tốc độ tăng lãi suất có tầm quan trọng ít hơn nhiều so với những câu hỏi về việc chúng ta sẽ cần phải nâng lãi suất thêm bao nhiêu nữa để kiểm soát lạm phát".

Chủ tịch Fed Jerome Powell

Những tuyên bố này của ông Powell nhận được sự hưởng ứng tích cực của giới đầu tư toàn cầu. Chứng khoán Mỹ tăng mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Tư, với chỉ số Dow Jones tăng gần 2,2%, chấm dứt chuỗi 3 phiên giảm liên tiếp trước đó. Chỉ số Stoxx 600 của chứng khoán châu Âu tăng 0,6%, với sắc xanh được ghi nhận tại tất cả các thị trường chủ chốt của khu vực. Vừa mở cửa phiên sáng 1/12, các thị trường ở châu Á gồm Australia, Hàn Quốc và Nhật Bản đồng loạt tăng từ 1-1,5%.

“Đây là một phiên tăng giải toả của thị trường. Nhiều nhà đầu tư vốn dĩ lo ngại Chủ tịch Fed sẽ đưa ra một quan điểm cực kỳ cứng rắn… Nhưng mối lo sợ đó giờ không còn nữa”, chiến lược gia chính sách toàn cầu của Evercore ISI, bà Krishna Guha, nhận định với hãng tin CNBC.

Trước bài phát biểu của ông Powell, dữ liệu của CME Group cho thấy thị trường đặt cược khả năng khoảng 65% Fed sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất còn 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 12, sau 4 đợt tăng liên tiếp với bước nhảy 0,75 điểm phần trăm. Sau khi ông Powell phát biểu, khả năng này tăng lên mức 77%.

Câu hỏi lớn nhất đặt ra lúc này là Fed sẽ tăng lãi suất đến mức cực đại là bao nhiêu trong chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ này. Thị trường hiện cho rằng đến tháng 5/2023, Fed sẽ đưa lãi suất lên mức đỉnh khoảng 5%, rồi sau đó đến cuối năm sẽ cắt giảm lãi suất tổng cộng 0,5 điểm phần trăm.

Kỳ vọng Fed giảm lãi suất như vậy có phần trái ngược với cảnh báo của ông Powell rằng chính sách thắt chặt sẽ duy trì cho tới khi lạm phát cho thấy những dấu hiệu xuống thang rõ ràng hơn. “Xét tới bước tiến trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ, thời điểm của việc giảm tốc độ tăng lãi suất có tầm quan trọng ít hơn nhiều so với những câu hỏi về việc chúng ta sẽ cần phải nâng lãi suất thêm bao nhiêu nữa để kiểm soát lạm phát, và khoảng thời gian cần thiết phải giữ chính sách ở trạng thái thắt chặt”, Chủ tịch Fed nói.

“Có khả năng việc thiết lập lại ổn định giá cả sẽ đòi hỏi duy trì chính sách ở trạng thái thắt chặt trong một thời gian. Lịch sử cho thấy những cảnh báo thận trọng về việc nới lỏng chính sách quá sớm. Chúng ta sẽ duy trì hướng đi này cho tới khi đạt mục tiêu”, ông Powell phát biểu.

Những nhận định này của nhà hoạch định chính sách tiền tệ cấp cao nhất trong Fed đưa ra giữa bối cảnh có những dấu hiệu cho thấy lạm phát ở Mỹ suy yếu và thị trường việc làm vốn siêu thắt chặt của Mỹ dần nới lỏng. Số liệu công bố tháng trước cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 của Mỹ tăng ít hơn dự báo. Một báo cáo của khu vực tư nhân công bố ngày 30/11 cũng cho thấy tăng trưởng việc làm tháng 11 ít hơn dự báo và số vị trí cần tuyển dụng cũng giảm.

 

Theo bất kỳ tiêu chuẩn nào, lạm phát vẫn còn quá cao. Tôi chỉ muốn nói rằng chúng ta còn chặng đường dài phải đi”.

Chủ tịch Fed Jerome Powell

Ông Powell nói rằng các số liệu ngắn hạn có thể không phải là những chỉ báo đáng tin cậy và ông cần có thêm những bằng chứng chắc chắn hơn. Chẳng hạn, ông nói các nhà kinh tế học của Fed kỳ vọng chỉ số tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi - thước đo lạm phát mà Fed ưa chuộng - tăng 5% trong tháng 10 so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng này thấp hơn mức tăng 5,1% ghi nhận trong tháng 9 nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu dài hạn của Fed về lạm phát là 2%. Báo cáo PCE sẽ được công bố vào ngày 1/11.

“Cần có thêm nhiều bằng chứng chắc chắn để tin rằng lạm phát đang thực sự giảm. Theo bất kỳ tiêu chuẩn nào, lạm phát vẫn còn quá cao. Tôi chỉ muốn nói rằng chúng ta còn chặng đường dài phải đi”, ông Powell nói.

Chủ tịch Fed cho biết thêm ông kỳ vọng lãi suất cực đại có thể sẽ cao hơn so với mức dự tính mà Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) - bộ phận đưa ra quyết sách trong Fed - đưa ra hồi tháng 9. Khi đó, các thành viên FOMC dự kiến lãi suất cực đại sẽ là 4,6%. Thị trường hiện dự báo Fed sẽ phải tăng lãi suất lên mức 5-5,25%, theo dữ liệu từ CME Group.

Trong bài phát biểu, ông Powell cũng nói rằng sự tắc nghẽn chuỗi cung ứng - một nguyên nhân chính khiến lạm phát bùng nổ - đã được giải toả, trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế đang giảm dưới xu hướng cho dù tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 3 của Mỹ tăng 2,9%. Ông dự báo giá nhà ở Mỹ còn tăng sang năm 2023 nhưng sau đó sẽ giảm.

Về thị trường lao động, ông Powell cho rằng đã có một số tín hiệu của sự tái cân bằng sau khi thắt chặt tới mức 2 công việc cần tuyển dụng mới có 1 người tìm việc làm. Tỷ lệ này hiện đã giảm còn 1,7:1 nhưng vẫn cao hơn so với bình quân lịch sử. Thị trường lao động thắt chặt kiến tiền lương tăng mạnh, nhưng mức tăng đó vẫn không theo kịp tốc độ lạm phát. “Xin nói rõ rằng tiền lương tăng mạnh là tốt, nhưng để bền vững, tăng trưởng tiền lương cần nhất quán với mức lạm phát 2%”, ông Powell nói.